Du lịch trực tuyến trong mùa dịch Covid-19: Tìm cơ hội trong thách thức

15/04/2020 15:29

Kinhte&Xahoi Ngành Du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 khi hầu như toàn bộ hoạt động bị tê liệt. Tuy nhiên, trong khó khăn, thách thức, không ít doanh nghiệp, đơn vị vẫn nỗ lực tìm kiếm cơ hội, xây dựng hướng đi mới làm nền tảng cho sự phát triển bền vững sau này, nổi bật là việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phát triển hình thức du lịch trực tuyến (online)...

Hang Sơn Đoòng (tỉnh Quảng Bình) là một trong 10 tour du lịch thực tế ảo đáng tham quan nhất thế giới được The Guardian, một ấn phẩm báo chí nổi tiếng của Anh giới thiệu.

Tăng cường ứng dụng công nghệ

Du lịch online đang trở thành xu hướng được nhiều quốc gia hướng tới khi mà mọi hoạt động xúc tiến du lịch đều phải tạm dừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Điển hình là đầu tháng 4 vừa qua việc tổ chức lễ hội hoa anh đào tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… đã phải dừng lại, thay vào đó là hoạt động du lịch online nhằm giúp du khách tham quan, trải nghiệm thông qua thiết bị thông minh.

Hay như mới đây, hơn 2.500 bảo tàng và nhà hát opera nổi tiếng “bắt tay” với Google Arts and Culture để giới thiệu các chuyến tham quan ảo miễn phí cho công chúng thông qua ứng dụng công nghệ số, rõ ràng đã mang lại hiệu quả lớn về quảng bá. The Guardian, một ấn phẩm báo chí nổi tiếng của Anh đã giới thiệu hang Sơn Đoòng (tỉnh Quảng Bình) trong danh sách 10 tour du lịch thực tế ảo đáng tham quan nhất thế giới, mang đến sự thích thú không nhỏ cho độc giả... Điều đó cho thấy, du lịch thế giới đã có những thay đổi để thích ứng với tình hình dịch Covid-19.

Tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, nhiều đơn vị đã ứng dụng công nghệ để thu hút người dân và du khách tìm hiểu các điểm đến bằng hình thức trực tuyến. Gần đây, các website du lịch nổi tiếng, như: Amazing Việt Nam, Lonely Planet, TripAdvisor... đã tăng cường đăng tải nhiều hình ảnh, thông tin du lịch hấp dẫn để phục vụ nhu cầu khám phá của du khách.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, từ lâu trung tâm đã thực hiện hình thức “Tham quan 360 độ” trên website, cho phép du khách có thể tìm hiểu về di tích dù đang ở bất cứ đâu. Dịp này, di tích tạm đóng cửa để thực hiện cách ly xã hội, nhưng các hoạt động quảng bá vẫn được thực hiện trên YouTube. Còn theo Bí thư Đảng ủy xã Bát Tràng (huyện Gia Lâm) Phạm Huy Khôi, dù hoạt động du lịch trực tiếp tại làng gốm sứ Bát Tràng phải tạm dừng, nhưng hình thức du lịch online thông qua website Battrangtour.net vẫn diễn ra khá sôi động. Những tin tức, hình ảnh mới được cập nhật thường xuyên trên website này, thu hút sự chú ý của nhiều khách du lịch.

Ở nhiều điểm đến du lịch khác của Hà Nội, việc ứng dụng công nghệ giờ đây là giải pháp ưu tiên để tiếp cận du khách. Trang thông tin điện tử quận Hoàn Kiếm “Hoàn Kiếm 360 độ”, ứng dụng Myhanoi cung cấp nhiều thông tin, hình ảnh hữu ích về Hà Nội, có thể giúp người dân, du khách tìm hiểu các điểm đến dù đang ở nhà. Joseph Stalin, du khách người Ba Lan đang thực hiện cách ly tại một khách sạn ở khu vực phố cổ Hà Nội cho biết, anh đã có khoảng thời gian khám phá Hà Nội theo một cách rất khác bằng điện thoại thông minh. 

Chủ động triển khai

Du lịch online đang là lựa chọn hợp lý trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Tổng Giám đốc Công ty Du lịch AZA Nguyễn Tiến Đạt cho rằng, thời điểm này, việc triển khai các tour du lịch là không phù hợp, nhưng các đơn vị có thể tập trung cho khâu quảng bá hình ảnh, cập nhật thông tin về các điểm đến trên website của mình, nhằm giúp du khách hiểu hơn về du lịch Việt Nam.

Theo Sở Du lịch Hà Nội, từ năm 2017, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) thực hiện Đề án du lịch thông minh. Đến nay, việc áp dụng công nghệ số để phát triển du lịch online đã được nhiều đơn vị trên địa bàn Hà Nội thực hiện. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho rằng, đây là thời điểm các đơn vị cần chủ động đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ để quản lý công việc, đồng thời giúp người dân và du khách có thêm kênh thông tin du lịch hữu ích. Phát triển du lịch online sẽ giúp các đơn vị khẳng định thương hiệu, quảng bá hình ảnh một cách hiệu quả, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.

Tuy nhiên, để phát triển tốt du lịch online, các doanh nghiệp du lịch, đơn vị quản lý điểm đến cần xác định rõ mục tiêu, kế hoạch hành động cũng như giải pháp thực hiện. Thực tế, trong quá trình triển khai các hoạt động du lịch, nhiều đơn vị chưa tận dụng được hết tiềm năng của công nghệ. Không ít website về du lịch chủ yếu mang tính lưu trữ số liệu, thiếu thông tin, hình ảnh mới mẻ, hấp dẫn nên lượng người truy cập không cao.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, để hình thức du lịch online phát huy hiệu quả, các đơn vị cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc tăng cường đào tạo nguồn nhân lực giỏi về công nghệ thông tin. Còn theo Tổng Giám đốc Công ty Hanoi Redtour Nguyễn Công Hoan, phát triển du lịch online đặt ra yêu cầu sắp xếp lại kế hoạch làm việc và cách thức quản lý. Thay vì yêu cầu nhân viên làm việc trực tiếp, đơn vị sẽ quản lý hoạt động qua hệ thống thiết bị công nghệ.

Dịch Covid-19 chưa biết lúc nào sẽ kết thúc, đó là thách thức lớn, song cũng là cơ hội để ngành Du lịch nhìn lại nhằm đánh giá thực trạng, xác định giải pháp và định hướng phát triển. Du lịch online là một hướng đi giúp các đơn vị củng cố thương hiệu, tạo sức bật phát triển khi dịch bệnh bị khống chế.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lương Xuân Trường nhận "tin dữ" từ HLV Park Hang-seo

Không chỉ mất nhiều thời gian để hồi phục chấn thương, tiền vệ Lương Xuân Trường còn đối diện với rất nhiều thử thách tại ĐT Việt Nam khi HLV Park Hang-seo lên phương án thử nghiệm nhân tố mới.

Link bài gốc http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Du-lich/964512/du-lich-truc-tuyen-trong-mua-dich-covid-19-tim-co-hoi-trong-thach-thuc?fbclid=IwAR3fa-EuX3qqYoebXHJpbsKnX9cMrXN090USsASeudrh84ufDDiWPd4RNyA