Dứt khoát ứng phó hiệu quả dịch Covid-19 tại Đà Nẵng

27/07/2020 17:25

Kinhte&Xahoi Sau khi xuất hiện một số ca dương tính tại TP Đà Nẵng, sáng nay (27/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 sáng 27/7.

Theo báo cáo Bộ Y tế, quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, hiện chưa có đủ bằng chứng là 4 ca nhiễm vừa công bố ở Đà Nẵng có cùng nguồn lây, có thể dịch đến từ nhiều nguồn và khởi phát của ổ dịch bắt đầu từ cộng đồng.

Chủng virus ở bệnh nhân Đà Nẵng là chủng mới so với các chủng đã tồn tại ở Việt Nam, là chủng xâm nhập từ bên ngoài. Ông Nguyễn Thanh Long cho rằng, dịch có thể bắt đầu từ đầu tháng 7 và cho đến nay, Đà Nẵng đã trải qua 4 chu kỳ lây nhiễm và có thể còn nhiều trường hợp lây nhiễm nữa. 

Ông nhận định, dịch khả năng diễn biến phức tạp, có thể lan ra các địa phương khác. Hiện Bộ Y tế đã cử 4 đội cán bộ tinh nhuệ nhất vào Đà Nẵng để hỗ trợ phòng chống dịch.

Cùng ngày, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) để triển khai công tác phòng, chống dịch, Phó Thủ tướng Vũ  Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo cho rằng, "Tinh thần là chống dịch như đánh trận, quyết liệt nhưng phải bình tĩnh, bảo đảm ổn định kinh tế, xã hội, tiếp tục phát huy những kinh nghiệm trước đây trong công tác phòng, chống dịch bệnh".

Theo Phó Thủ tướng, "Chúng ta vừa phải dập dịch nhanh, vừa giữ xã hội ổn định và phát triển nên phải có những quyết định rất chính xác. Vai trò của lực lượng điều tra dịch tễ học, phối hợp với công an, quân đội để xác định nhanh nhất nguồn lây, véc-tơ truyền bệnh là vô cùng quan trọng.

Không chỉ Đà Nẵng, mà tất cả các tỉnh, thành phố phải tăng cường công tác rà soát các bệnh nhân có triệu chứng đến khám ở các bệnh viện, phòng khám tư nhân; kiểm soát chặt chẽ người nước ngoài nhập cảnh,…

Bộ Y tế khẩn trương triển khai xét nghiệm bằng các loại kit thử mà Việt Nam sản xuất; bảo đảm đầy đủ kit thử, trang thiết bị y tế và những điều kiện cần thiết khác để sẵn sàng ứng phó với các diễn biến của dịch bệnh".

Các chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, tất cả những người đi từ Đà Nẵng có liên quan đến ổ dịch này khi trở về địa phương khác phải cách ly 14 ngày và theo dõi chặt chẽ như những người tiếp xúc gần; còn những người khác từ Đà Nẵng về phải khai báo y tế và theo dõi sức khoẻ;…

Bên cạnh đó, cần mở rộng xét nghiệm để nhanh chóng phát hiện các ổ dịch để kịp thời khoanh vùng, dập dịch triệt để. Đối với các cơ sở y tế, các đại biểu cũng đề nghị cần phải nâng mức độ cảnh báo và bảo đảm an toàn dịch tễ, cũng như khả năng phát hiện người nhiễm bệnh; quản lý những người về địa phương từ Đà Nẵng về theo đúng quy định;…

Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị chính quyền các địa phương và người dân cộng tác trong việc thực hiện khai báo y tế điện tử (thông qua các ứng dụng NCOVI, Bluezone), để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Trước tình hình dịch Covid-19 với các ca nhiễm trong cộng đồng vừa phát hiện tại Đà Nẵng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao phản ứng ban đầu của TP Đà Nẵng và Bộ Y tế để khoanh vùng, truy vết và ngăn chặn lây lan.

"Hiện Quân khu 5 đã huy động bộ đội hóa học khử trùng nơi có bệnh nhân dương tính. Đà Nẵng đã chủ động giãn cách một bước như không tập trung trên 30 người, khuyến cáo làm thủ tục để khách rời Đà Nẵng. Tối qua, các hãng hàng không đã tăng cường hàng chục chuyến để đưa hành khách rời TP" - Thủ tướng thông tin tại cuộc họp.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch tại Đà Nẵng, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu "ề cao cảnh giác và có biện pháp mạnh mẽ để không bị bất ngờ xảy ra về dịch COVID-19 ở Việt Nam, không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng ở Đà Nẵng và các địa phương khác".

Cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch COVID-19 sẽ quyết định những biện pháp mạnh, đồng bộ để xử lý tình hình. "Nếu không có thái độ dứt khoát thì thất bại trong công cuộc này" - Thủ tướng lưu ý. 

Huy Anh  - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Người mới nắm quyền CLB TP HCM là ai?

Sau khi ông Chung Hae-seong ra đi, người kế vị vào chiếc ghế nóng CLB TP HCM là một người Brazil. Vị HLV này từng “làm mưa, làm gió” tại giải vô địch quốc gia Thái Lan.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/dut-khoat-ung-pho-hieu-qua-dich-covid-19-tai-da-nang-d130463.html