Giải pháp phát huy vai trò của bảo hiểm thất nghiệp trong đào tạo lại lao động

13/09/2021 16:27

Kinhte&Xahoi Đào tạo lại nguồn lao động được xem là giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đồng thời góp phần điều tiết thị trường lao động, hạn chế thất nghiệp. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc này sẽ không dễ thực hiện và khó mang lại hiệu quả như kỳ vọng, nếu không có những đánh giá tác động kỹ lưỡng.

Công tác đào tạo nghề cho người lao động phải gắn với nhu cầu của doanh nghiệp

Chuẩn bị cho thị trường lao động sau dịch Covid-19

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã đề xuất Chính phủ thực hiện Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại để nâng tầm kỹ năng nguồn nhân lực, đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Bộ LĐ-TB&XH cho hay, việc thí điểm đào tạo và đào tạo lại cho người lao động là việc làm cần thiết.

Nhất là hiện nay, dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều việc làm đã mất đi, thay vào đó là những việc làm mới áp dụng công nghệ thông tin; trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Dự thảo Đề án đặt mục tiêu thí điểm đào tạo ít nhất 20 ngành nghề mới (hoặc kỹ năng mới) ở trình độ trung cấp và cao đẳng với khoảng 4.800 người học. Thí điểm đào tạo lại gắn với chuyển đổi việc làm cho người lao động bị tác động bởi công nghệ mới, với số lượng ít nhất 20.000 lượt người đang làm việc tại khoảng 100 DN. Tổng kinh phí dự kiến cho chương trình này khoảng 839 tỷ đồng, lấy từ: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn khác.

Khảo sát của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam gần đây cho thấy, trong 10 năm tới, có 70% số việc làm gặp rủi ro cao bị thay thế bởi máy móc (như nông nghiệp, dệt may, lắp ráp, thủ công...). Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng lao động thất nghiệp đối với những nhóm lao động làm việc ở khu vực ngành nghề giản đơn.

Theo đề án nêu trên, những ngành nghề sẽ được thí điểm là: Giải pháp Blockchain; kết nối hệ thống Robot; kết nối vạn vật; thiết kế thời trang số, trang trại số; nâng cao kỹ năng cho lao động ở một số nghề như: Công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, tự động hóa, công nghiệp chế biến, nông - lâm nghiệp công nghệ cao, ô tô, cơ khí, năng lượng, du lịch, dệt may... Cùng với đó, đào tạo lại nhóm lao động thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, cơ khí, dệt may, da giày, khai khoáng, điện tử... để chuyển đổi nghề.

Ông Đào Trọng Độ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết: Chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động là 1 trong 12 chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP. Gói chính sách này có tổng kinh phí là 4.500 tỷ đồng từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Giải pháp hỗ trợ lao động đào tạo lại

Giới thiệu về chính sách này, ông Đỗ Năng Khánh (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết: Thực chất chính sách này có từ năm 2015 nhưng khó triển khai trên thực tế vì những thủ tục hành chính phực tạp. Do đó, chính sách hỗ trợ lần này đơn giản hóa tới mức tối đa. Hồ sơ xét duyệt đào tạo lại nghề gồm có: Văn bản đề nghị kèm theo doanh thu chứng minh giảm so với cùng kỳ 10%; Mẫu khai thay đổi cơ cấu tổ chức, áp dụng công nghệ; Phương án đào tạo, bỗi dưỡng nâng cao trình độ và xác nhận của BHXH tỉnh.

Điểm đáng chú của việc thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo lại nghề là việc đơn giản hóa thủ tục. Điều kiện để nhận hỗ trợ đào tạo nghề là: Đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người lao động (LĐ) thuộc đối tượng tham gia BHTN từ đủ 12 tháng trở lên tính đến thời điểm đề nghị hỗ trợ. Doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động; Có doanh thu của quý liền kề trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc năm 2020.

Theo ông Đỗ Năng Khánh, điểm quan trọng nhất là doanh nghiệp phải có phương án hoặc phối hợp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

“Do đó, lần này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải chủ động tìm kiếm liên kết với doanh nghiệp bị ảnh hưởng để lên phương án đào tạo lại nghề cho lao động bị ảnh hưởng. Với phương án này, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ là người duyệt, không như trước đây phải trình lên Chủ tịch tỉnh, thành phố.

Do đó, nhiệm vụ của lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ rất nặng nề. Với 1,5 triệu đồng/người/tháng, học 6 tháng là 9 triệu đồng, đây là khoản kinh phí không nhỏ dành cho đào tạo lại nghề. Đồng thời nguồn cũng được xác định từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp do BHXH trực tiếp chi trả” - ông Khánh cho biết.

 Lưu Thủy - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sân vận động Mỹ Đình đã được lắp đặt VAR

Ngày 5/9, hệ thống video hỗ trợ trọng tài (VAR) đã được các chuyên gia của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) và bộ phận kỹ thuật truyền hình lắp đặt xong tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội).

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/giai-phap-phat-huy-vai-tro-cua-bao-hiem-that-nghiep-trong-dao-tao-lai-lao-dong-176646.html