Hà Giang: Phát hiện nhiều doanh nghiệp xây dựng trái phép, lấn chiếm dòng sông Lô

14/09/2018 10:21

Kinhte&Xahoi Vừa qua, UBND tỉnh Hà Giang đã thành lập đoàn công tác kiểm tra một số công trình doanh nghiệp vi phạm lấn chiếm dòng sông Lô.

Theo đó, đoàn công tác liên nghành do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Giang làm trưởng đoàn đã kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật đất đai, xây dựng đối với các công trình gây ảnh hưởng đến việc thoát lũ sông Lô dọc tuyến quốc lộ 2.

Kết quả kiểm tra cho thấy, tại công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ gas Đông Tùng (Công ty Đông Tùng) có địa chỉ số 80, phường Trần Phú, TP Hà Giang (tỉnh Hà Giang) lúc  này có tổng diện tích là 1900m2, số đất này được UBND tỉnh giao cho UBND huyện Vị Xuyên quản lý.

Ngoài ra, diện tích nhà xưởng khung thép, mái tôn lạnh là 443,25m2, kè bê tông cốt thép có chiều dài 50m, chiều cao tính từ mặt nước lên đỉnh kè là 4,3m, chiều rộng kè 0,4m.

Công ty Đông Tùng báo cáo, việc triển khai xây dựng nhà xưởng được thực hiện vào tháng 12/2017, kè bê tông xây dựng vào tháng 3/2018.

Quá trình kiểm tra, Công ty Đông Tùng không cung cấp được bất cứ các giấy tờ pháp lý nào liên quan đến việc xây dựng 2 công trình nêu trên.

Đoàn công tác cho rằng, việc xây dựng hạng mục kè bê tông cốt thép của  công ty này không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép, không có hồ sơ thiết kế thẩm định, phê duyệt theo quy định.

Xây dựng công trình trên diện tích đất thuộc nhà nước quản lý và lấn chiếm lòng chảy sông Lô vi phạm  khoản 1, điều 9, nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/05/2015 của Chính phủ.

Vụ việc từng được nhiều đơn vị chức năng lập biên bản xử lý nhưng công ty này vẫn cố tình xây dựng khiến dòng sông Lô bị thu hẹp 15m.

Cho đến thời điểm hiện tại công ty Đông Tùng vẫn chưa hoàn thành phá dỡ công trình bê tông ảnh hưởng đến dòng chảy.

Đối với Công ty Cổ phần Bê tông và Xây dựng Hưng Phụng (Công ty Hưng Phụng) có trụ sở tại tổ 5, phường Ngọc Hà, TP Hà Giang (tỉnh Hà Giang).

Thời điểm kiểm tra, công ty Hưng Phụng đã xây xong trạm hạ thế công suất 35KV, tập kết vật liệu cát, sỏi phục vụ cối trộn bê tông, xây dựng xong cối trộn bê tông dây truyền công suất 40m3/giờ.

Tại thời điểm kiểm tra, công ty Hưng Phụng báo cáo chưa thực hiện việc chuyển mục đích sử đụng đất, tổng diện tích đo đạc được thời điểm này là 3,936,93m2.

Trong đó, diện tích có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 875m2; lấn chiếm đổ đất, tạo mặt bằng 1,575,33m2; diện tích lấn chiếm hành lang đường giao thông là 173,3m2.  Thêm vào đó, công ty Hưng Phụng mua lại đất của ông Nguyễn Đức Hậu có diện tích 1,313,3m2 cũng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Qua đó, đoàn công tác cho rằng, Công ty Hưng Phụng đã xây dựng trạm hạ thế trên hành lang giao thông, xây dựng công trình khi chưa chuyển đổi mục đích xây dựng, vi phạm tại khoản 3, điều 12, luật đất đai năm 2013.

Ngoài ra, công ty này còn đổ đất xuống sông Lô gây ách tắc dòng chảy, vi phạm khoản 1, điều 12, luật đất đai năm 2013.

Về vụ việc này, báo cáo của đoàn công tác cho hay để xảy ra những sai phạm trên trách nhiệm một phần thuộc về UBND xã Đạo Đức vì đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý nhà nước về đất đai trên địa bàn xã này quản lý dẫn đến việc lấn chiếm,vi phạm.

Theo đó, UBND huyện Vị Xuyên cũng phải chịu trách nhiệm vì đã không kịp thời ngăn chặn để dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất đai, dòng chảy, gây bức xúc dư luận.

Đề xuất hướng giải quyết trên, đoàn công tác do Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Giang làm trưởng đoàn đã yêu cầu Công ty Đông Tùng phải hoàn thiện các thủ tục về đất đai đối với phần diện tích đang sử dụng, ký hợp đồng thuê đất nhà nước theo quy định pháp luật.

Đồng thời, yêu cầu Công ty Đông Tùng phải phá dỡ toàn bộ kè bê tông và lấn chiếm dòng chảy sông.

Đối với Công ty Hưng Phụng, buộc phải tháo dỡ trạm hạ thế xây dựng trái phép trên hành lang giao thông quốc lộ 2, tháo dỡ cối trộn bê tông xây dựng trên đất nông nghiệp, đất ở chưa được phép chuyển sang mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp của cấp có thẩm quyền.

Khắc phục và vận chuyển khối lượng đất do công ty đổ, lấp xuống sông, tạo mặt bằng để trả lại nguyên trạng dòng sông Lô.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.

 

Theo Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

U23 Việt Nam, trái ngọt từ phương pháp "Trồng người"

Kết thúc ASIAD 2018 đoàn thể thao Việt Nam trở về nước trong sự chờ đợi, chào đón cuồng nhiệt của người hâm mộ. Mọi sự tập trung đều hướng về đội tuyển Olympic bóng đá nam Việt Nam với thành tích lọt vào bán kết môn bóng đá nam, một cột mốc lịch sử mà chưa có thế hệ nào của bóng đá nam Việt Nam làm được.