Hà Nội: Ai "chống lưng" cho chuyển đổi đất trái phép ở Tả Thanh Oai?

18/01/2019 15:21

Kinhte&Xahoi Những người dân xã Tả Thanh Oai gần đây xôn xao câu chuyện cơ quan chức năng có dấu hiệu "làm ngơ" cho người dân tự ý chuyển đổi, mua bán, sử dụng đất không đúng mục đích tràn lan.

Gần đây, UBND Thành phố Hà Nội ban hành kế hoạch 122 của UBND TP về việc "tăng cường kỷ cương trong công tác quản lý, sử dụng đất, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật đất đai, lấn chiếm đất công, đất nông nghiệp" nhằm hạn chế tình trạng vi phạm về đất đai của các tổ chức được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, tình trạng sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp ở các huyện ven đô như địa bàn huyện Thanh Trì vẫn diễn ra khá phức tạp bởi vấn đề này thường vấp phải "lợi ích nhóm" ở địa phương.

Từ nhiều năm nay, huyện Thanh Trì là “điểm nóng” về vi phạm quản lý, sử dụng đất đai, trật tự xây dựng của TP Hà Nội. Tình trạng lấn chiếm đất công, sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích xảy ra ở nhiều xã như Tả Thanh Oai, Tân Triều, Vĩnh Quỳnh...

Chỉ cần lên mạng tìm kiếm cú pháp "Cần mua đất nông nghiệp làm nhà xưởng tại xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội" là chúng ta đã tìm được nhiều người có nhu cầu giao mua bán trên mạng.

Lần theo những số điện thoại trên đó, nhóm PV đã hẹn gặp được nhiều người có nhu cầu mua bán, chuyển nhượng đất nông nghiệp ở xã Tả Thanh Oai để phục vụ vào mục đích khác. Cũng có những người làm dịch vụ trung gian hưởng lợi vì thị trường giao dịch loại đất này gần đây khá nhộn nhịp ở địa phương ven đô này.  

Theo người dân địa phương cho biết, khu vực cánh đồng Ao Vàng, xã Tả Thanh Oai là đất nông nghiệp, trong đó có phần lớn diện tích là đất trồng lúa, một phần là đất trồng hoa mầu, một phần là đất ao hồ và một phần là đất cho đấu thầuđược giao cho người dân canh tác và chăn nuôi.

Họ khẳng định rằng, Đây là đất trồng lúa, nhưng không hiệu quả nên tự cải tạo thành vườn trồng cây ăn quả. Một số hộ dân khác thầu hồ, ao thì san lấp lên làm khu chăn nuôi gia súc gia cầm. Ban đầu chính quyền xã Tả Thanh Oai cũng ra nhắc nhở và không cho làm. Nhưng sau đó, một số hộ vẫn lén lút tự cải tạo và san lấp. Cái này, chính quyền cũng có biết nhưng không thấy ai nhắc nhở nữa, chắc họ cho làm nên mới hình thành như bây giờ. Bãi này diện tích cũng phải mấy héc ta, chỗ thì họ làm bãi để máy, chỗ thì họ để hàng gì đó.

Cánh Đồng Ao Vàng được cho thuê để tập kết phương tiện máy móc

 

Theo phản ánh của báo chí và kiểm tra của chúng tôi nhận thấy thông tin về chuyển đổi mục đích sử dụng đất được người dân làm "chui" và được mua đi bán lại chẳng khác gì đất thổ cư là có cơ sở. PV gặp một chủ đất muốn mua một mảnh đất vốn trước đây là một cái ao để trồng hoa cây cảnh thì được người chủ đất sẵn sàng chấp nhận giao dịch. Thập chí họ còn mách cho hướng lách luật bằng hợp đồng cho mượn hay hợp đồng cùng liên doanh sản xuất để làm bình phong cho việc giao dịch thật.

Anh N. một người địa phương cho biết, anh mới thuê lại mảnh đất này từ người khác, tiền đất phần cứng thì ít nhưng phần mềm bôi trơn thì nhiều. Anh đã phải lo hết các cửa rồi không phải lo gì, nhất là mục đích thuê, mua với mục đích trồng hoa cây cảnh thì yên tâm. Anh đảm bảo chẳng ai động đến.

Lướt qua một vòng trên địa bàn xã Tả Thanh Oai, chúng tôi không khó để nhận ra nhiều mảnh đất nông nghiệp màu mỡ được sử dụng với mục đích phi nông nghiệp, thập chí còn có cả máy móc để ngổn ngang như công trường.

Có lẽ nào các cơ quan chức năng ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội lại không thấy được thực trạng trên? Việc người dân tự ý chuyển đổi, mua bán, sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp là tự phát hay có sự làm ngơ của những người có trách nhiệm nơi đây?

Để trả lời cho những câu hỏi trên, chúng tôi đã liên hệ với người có trách nhiệm của UBND xã Tả Thanh Oai qua điện thoại, nhưng có lẽ thấy số lạ họ chưa bắt máy. Để có câu trả lời về nội dung này chúng tôi đang đặt lịch với UBND huyện Thanh Trì và các cơ quan có liên quan.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc ở những bài viết tiếp theo!

 

Theo Khoẻ 365/GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bóng xích ở sân Mỹ Đình đang bị “lãng quên”?

Sau khi Đội tuyển bóng đá Việt Nam đoạt chiếc cúp vô địch AFF Cup 2018 vào tối ngày 15/12, nhưng 40 quả bóng xích ở sân vận động Quốc gia Mỹ Đình vẫn chưa được trả về vị trí cũ. Phải chăng những quả bóng xích này đã bị lãng quên?