Hà Nội: Cư dân Ciputra phản đối điều chỉnh quy hoạch, lộ nhiều lần điều chỉnh quy hoạch “chui”

20/05/2019 11:17

Kinhte&Xahoi Chủ đầu tư dự án khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra) đã có văn bản gửi Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đề nghị không điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 đối với dự án khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn 2 do cư dân phản đối. Việc làm tưởng rằng rất có trách nhiệm này bỗng nhiên làm hé lộ nhiều lần điều chỉnh quy hoạch “chui” trước đó.

Khu đô thị Ciputra Nam Thăng Long

Theo phản ánh của cư dân Tổ dân phố Nam Thăng Long, khu đô thị Ciputra thì vừa qua người dân Tổ dân phố này đã có văn bản kiến nghị gửi Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và các Sở, ngành liên quan, đề nghị không điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 theo đề nghị của chủ đầu tư.

Có rất nhiều lý do mà người dân đã nêu ra đủ để thuyết phục Thành phố Hà Nội phải xem xét yêu cầu của người dân.

Theo đó, chủ đầu tư dự án khu đô thị Nam Thăng Long là Công ty TNHH phát triển đô thị Nam Thăng Long đã trình phương án điều chỉnh quy hoạch khu đô thị này, với nội dung điều chỉnh mục đích, chức năng sử dụng đất của các lô đất chưa xây dựng, gồm các ô đất: ô I.B29 –NO, I.B30-CX, I.B31-CX, TM13 và ô P-4.

Chủ đầu tư đề nghị điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng mật độ xây dựng các tòa nhà cao tầng, tăng số tầng nhà. Cụ thể, trong phương án quy hoạch mới, chủ đầu tư đề nghị thay đổi mục đích sử dụng đất đối với ô đất I.B29 –NO từ đất xây dựng nhà ở cao tầng sang đất xây dựng nhà ở thấp tầng; ô đất TM -13 từ đất xây dựng công trình thương mại sang đất xây dựng hỗn hợp trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở cao tầng; ô đất P-14 chuyển đổi từ đất xây dựng bãi để nổi trên mặt đất thành bãi để xe dưới hầm kết hợp kinh doanh thương mại;

Trong đó, theo quy hoạch cũ thì ô đất TM-13 được xây dựng 5 tòa nhà cao từ 5 đến 47 tầng nhưng phương án đề nghị điều chỉnh thì chủ đầu tư đề nghị cho xây dựng 8 tòa nhà cao đến 68 tầng. Với việc tăng số nhà cao ốc và số tầng thì rất dễ hiểu, số lượng căn hộ thương mại sẽ tăng lên rất nhiều và lợi nhuận của chủ đầu tư sẽ rất lớn.

Với phương án này, cư dân đang sinh sống tại Ciputra hoàn toàn không đồng ý và người dân cho rằng, chủ đầu tư đã lừa dối người mua nhà khi biến một khu đô thị “đáng sống” nhất thủ đô thành một khu toàn nhà chọc trời.

 Bà Nguyễn Thị Xuyên, Tổ trưởng tổ dân phố Nam Thăng Long.

Theo bà Nguyễn Thị Xuyên, Tổ trưởng tổ dân phố Nam Thăng Long thì việc người dân phản đối điều chỉnh quy hoạch là rất dễ hiểu vì việc điều chỉnh quy hoạch vì lợi ích nhóm của nhà đầu tư, không vì lợi ích của người dân. Cụ thể, việc thay đổi mục đích sử dụng đất đối với ô đất I.B29 –NO từ đất xây dựng nhà ở cao tầng sang đất xây dựng nhà ở thấp tầng để tăng lợi nhuận từ việc xây dựng khu nhà ở thấp tầng, giá trị thương mại cao. Việc dồn khu cao tầng vào ô đất TM -13 bằng việc tăng số tòa nhà (từ 5 lên 8) và tăng số tầng thì rõ ràng chủ đầu tư đang muốn chính quyền tạo điều kiện để họ thu lợi một cách triệt để trên các khu đất chưa xây dựng.

Một cư dân trú tại Nhà L2, khu Ciputra khẳng định, việc điều chỉnh quy hoạch gây áp lực lớn lên hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội và môi trường. “Theo phương án điều chỉnh quy hoạch mới thì số dân có thể tăng gấp đôi quy hoạch cũ, trong khi hạ tầng kỹ thuật không thay đổi. Đó là điều cấm kỵ đối với việc phát triển đô thị đang quá tải hiện nay. Do đó, cư dân chúng tôi quyết liệt phản đối phương án quy hoạch theo kiểu bóc lột hạ tầng như đã nêu trên”, cư dân này cho biết.

Với việc người dân phản đối quyết liệt việc điều chỉnh quy hoạch theo phương án đề xuất, ngày 9/5/2019, chủ đầu tư dự án là Công ty TNHH phát triển khu đô thị Nam Thăng Long đã phải gửi văn bản đến Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội đề nghị không điều chỉnh quy hoạch nữa để doanh nghiệp này thực hiện dự án theo đúng tiến độ.

Theo văn bản này, chủ đầu tư nêu rõ, đề xuất điều chỉnh quy hoạch của Chủ đầu tư đã không được cộng đồng dân cư ủng hộ nên để đảm bảo tiến độ thực hiện dự án, Chủ đầu tư đề nghị giữ nguyên chức năng sử dụng của ô đất TM13 là thương mãi hỗn hợp đã được phê duyệt quy hoạch theo Quyết định số 114/QĐ-UBND ngày 28/7/2004 của UBND Thành phố Hà Nội.

Như vậy, ý kiến xác đáng và đúng pháp luật của người dân đã được thừa nhận từ phía chủ đầu tư. Nhưng, từ sự việc này lại làm phát lộ ra việc chủ đầu tư nhiều lần điều chỉnh quy hoạch mà không lấy ý kiến người dân theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, quy hoạch khu đô thị Nam Thăng Long giai đoạn 2 trước đó đã được điều chỉnh nhiều lần, gồm các lần điều chỉnh quy hoạch năm 2016 đối với ô đất I.A 20 và I.A25 (tăng cư dân 2440 người), lần điều chỉnh quy hoạch năm 2017 đối với ô đất I.A.23 (tăng cư dân 4674 người). Những lần điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng mật độ dân số này cư dân hoàn toàn bị “đánh úp”, không được xin ý kiến.

Theo Luật sư Trần Việt Hùng, Luật Xây dựng và Luật quy hoạch đô thị quy định việc điều chỉnh quy hoạch bắt buộc phải lấy ý kiến cư dân và phải có những điều kiện nhất định mới được điều chỉnh quy hoạch. Trong các điều kiện điều chỉnh quy hoạch, hoàn toàn không có điều kiện nào cho phép điều chỉnh quy hoạch theo hướng gây áp lực cho hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội mà làm lợi cho chủ đầu tư. Do đó, từ việc lập đến duyệt phương án điều chỉnh quy hoạch đều sai, có dấu hiệu lợi ích nhóm.

Theo Luật sư Trần Văn Toàn, việc điều chỉnh quy hoạch này rõ ràng là làm lợi cho chủ đầu tư, bởi việc tăng quy mô dân số đồng nghĩa với việc tăng số lượng căn hộ, số nhà cao tầng. Với số lượng nhà ở thương mại được tăng lên thì rõ ràng chủ đầu tư có nhiều lợi nhuận hơn. Song, những người mua nhà trước đó hoàn toàn không hề biết. Lỗi này thuộc về chủ đầu tư và chính quyền Thành phố.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Pháp luật Plus


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

HLV Park Hang Seo và bài toán trung phong tại King's Cup

Đội tuyển quốc gia đang thiếu chân sút có phong độ tốt, nhưng gọi là khan hiếm thì chưa hẳn. Nhiều chân sút nội đang thi đấu tại V-League đủ sức đảm đương nhiệm vụ trong sắc áo đội tuyển Việt Nam.