Hà Nội: Điểm danh những chung cư bị chiếm dụng quỹ bảo trì

26/06/2018 16:30

Kinhte&Xahoi Câu chuyện cư dân các chung cư ở Hà Nội chật vật đi đòi quỹ bảo trì bị chủ đầu tư chiếm dụng đã không còn mới mẻ.

Theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện có đến 215 dự án bất động sản đang xảy ra tranh chấp, trong đó có 108 dự án xảy ra tranh chấp giữa chủ đầu tư với cư dân hoặc giữa các chủ thể liên quan trong phạm vi dự án, với nội dung tranh chấp nhiều nhất là về phí bảo trì chung cư. Nhiều chủ đầu tư không hoặc chậm bàn giao, hay chỉ bàn giao một phần phí bảo trì chung cư cho ban quản trị, vi phạm qui định hiện hành.

Mới đây nhất, cư dân tại dự án chung cư The Pride (quận Hà Đông, Hà Nội) do Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát làm chủ đầu tư vô cùng bức xúc và căng băng rôn phản đối chủ đầu tư về hàng loạt bất cập, sai phạm. Trong đó, cư dân vô cùng bức xúc về việc chủ đầu tư cố tình trì hoãn việc thành lập Ban quản trị khi cư dẫn đã sinh sống ổn định 3 năm nay. Họ cho rằng, hành động này của chủ đầu tư là để cố tình “chiếm dụng” hàng chục tỷ đồng phí bảo trì của gần 2.000 căn hộ chung cư tại dự án.

Chủ đầu tư chung cư The Pride được cho là cố tình “chiếm dụng” hàng chục tỷ đồng phí bảo trì của gần 2.000 căn hộ chung cư tại dự án.

Cũng trong “cuộc chiến” đòi phí bảo trì, hàng trăm cư dân chung cư Hồ Gươm Plaza ở Mộ Lao (Hà Đông, Hà Nội) không ít lần căng băng rôn đòi chủ đầu tư là Công ty Cổ phần May Hồ Gươm không chịu bàn giao gần 20 tỷ đồng tiền phí bảo trì của tòa nhà.

Đại diện Ban Quản trị chung cư Hồ Gươm Plaza cho biết, mặc dù các cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc, liên tục yêu cầu Công ty Hồ Gươm phải trả lại phí bảo trì và công ty này cũng đã cam kết nhưng đến nay số tiền này chủ đầu tư mới trả khá “nhỏ giọt”…

Dự án Star City (81 Lê Văn Lương, Hà Nội, do Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội làm chủ đầu tư) được hoàn thành và bàn giao từ năm 2014. Nhưng tới nay, phần quỹ bảo trì mà chủ đầu tư mới bàn giao cho cư dân chỉ khoảng 2,4 tỷ đồng, trong tổng số hơn 30 tỷ đồng. Hiện nhiều hạng mục trong tòa nhà bị hỏng, xuống cấp nhưng cư dân chưa đòi được số tiền nói trên để tiến hành việc sửa chữa. Gần đây, cư dân tòa nhà đã có đơn kiến nghị gửi cơ quan quản lý, đồng thời tập trung căng băng rôn yêu cầu chủ đầu tư thực hiện việc bàn giao quỹ bảo trì nhưng đến nay hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung bởi còn phụ thuộc tình hình tài chính của chủ đầu tư.

Còn tại chung cư Thăng Long Garden (250 Minh Khai, Hà Nội), ban quản trị được dân bầu ra cũng cho biết, từ khi được thành lập là cuối tháng 8/2016 đến giữa năm 2017, đã nhiều lần có văn bản yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần May Thăng Long bàn giao quỹ bảo trì mà theo ước tính của cư dân vào khoảng 14,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn vị này phớt lờ những kiến nghị đó.

Hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư là trái quy định của pháp luật.

Sau cùng, khi Ban quản trị có văn bản gửi Sở Xây dựng, UBND TP Hà Nội về việc cưỡng chế bàn giao quỹ bảo trì, nhà sinh hoạt cộng đồng, hồ sơ dự án… đối với chủ đầu tư thì Công ty cổ phần May Thăng Long mới chịu bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân, song việc thanh toán cũng phải tiến hành nhiều lần mới hoàn tất.

Căng thẳng hơn khi không có tiếng nói chung với chủ đầu tư, Ban Quản trị đơn nguyên 1 và 3 tòa nhà CT3, KĐT mới Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã chính thức đệ đơn lên Tòa án nhân dân quận Tây Hồ kiện chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Xây dựng số 1 Sông Hồng khi cố tình chây ì bàn giao hơn 6 tỷ đồng phí bảo trì.

Bộ Xây dựng cho biết, hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư là trái quy định của pháp luật.

Với số lượng cả trăm chung cư đang xảy ra tranh chấp về phí bảo trì, số tiền có thể lên đến cả ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, có những trường hợp phí bảo trì chung cư bị chủ đầu tư chiếm dụng, chây ì chuyển giao hết năm này sang năm khác; đến khi chuyển giao thì phớt lờ các khoản lãi phát sinh từ khoản tiền chiếm dụng đó, cuối cùng cư dân phải chịu thiệt.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Xây dựng đã đề xuất Bộ Công an và các ngành liên quan tiến hành tổ chức, điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với những chủ đầu tư vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định của pháp luật.

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chưa có doanh nghiệp đăng ký “nhận độ” cá cược “chợ đen” vẫn sôi động

Tỷ lệ kèo các giải đấu thể thao quốc tế được đăng tải rộng rãi. World cup 2018 đang diễn ra tại Cộng hòa Liên bang Nga, cũng không phải ngoại lệ. Song, tại Việt Nam, nhiều người băn khoăn, luật hóa đặt cược thể thao có ngăn chặn được nạn cá độ “chợ đen” hay không? Và, đã có doanh nghiệp nào đăng ký để được “nhận độ” chưa?