Hà Nội hỗ trợ người lao động bị mất việc làm do dịch Covid -19

13/05/2020 14:56

Kinhte&Xahoi Ngày 12/5, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký Quyết định số 1955/QĐ-UBND về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, các đối tượng được thụ hưởng gói an sinh xã hội 62.000 tỷ đồng theo Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính Phủ và được cụ thể hoá trên địa bàn Thành phố, gồm người lao động, hộ kinh doanh cá thể, người sử dụng lao động phải vay vốn trả lương cho người lao động. Chủ tịch UBND Thành phố giao Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã phê duyệt danh sách đối tượng và kinh phí hỗ trợ các đối tượng trên địa bàn thành phố.

Theo quyết định hồ sơ, trình tự, thủ tục để các nhóm đối tượng được hưởng gói an sinh như sau:

Với người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nghỉ việc không hưởng lương,doanh nghiệp có trách nhiệm lập, hoàn thiện hồ sơ và lấy xác nhận của tổ chức công đoàn cơ sở, cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang tham gia bảo hiểm xã hội. Tiếp đó, doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị đến UBND cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để thẩm định, phê duyệt.

Người dân gặp khó khăn nhận hỗ trợ của Thành phố

Trong 3 ngày làm việc, Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo tổ chức thẩm định, phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ. Sau đó, trong thời gian 5 ngày làm việc, doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả kinh phí cho người lao động, tổng hợp hồ sơ, chứng từ gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Với người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động lập hồ sơ gửi đến UBND cấp xã nơi cư trú hợp pháp. Trong 5 ngày làm việc, UBND cấp xã rà soát và xác nhận mức thu nhập của người lao động, tổng hợp danh sách trình UBND cấp huyện.

Trong quá trình rà soát, UBND cấp xã thành lập Hội đồng xét duyệt do Chủ tịch UBND cấp xã làm Chủ tịch hội đồng, Phó Chủ tịch UBND cấp xã phụ trách văn hóa - xã hội làm Phó Chủ tịch hội đồng; các thành viên là lãnh đạo MTTQ, Trưởng Công an, công chức lao động - thương binh và xã hội, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư, tổ dân phố… Hội đồng cấp xã họp, xét duyệt hồ sơ, lập danh sách trình UBND cấp xã ký xác nhận, sau đó gửi UBND cấp huyện qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội…

Trong 2 ngày làm việc, Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ, trường hợp nào không phê duyệt phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do. Sau khi ban hành quyết định chính thức, người lao động sẽ nhận được tiền hỗ trợ trong vòng 3 ngày.

Với người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm, người lao động lập hồ sơ gửi đến UBND cấp xã nơi cư trú hợp pháp sau ngày 15 hằng tháng.

Người lao động có nơi thường trú và tạm trú không trong phạm vi một xã, phường, thị trấn, nếu đề nghị hưởng hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi tạm trú về việc không đề nghị hưởng các chính sách theo quyết định này và ngược lại.

Thời gian người lao động gửi hồ sơ xét duyệt chậm nhất vào ngày 15/7/2020. Trong 5 ngày làm việc, UBND cấp xã rà soát, tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện thụ hưởng gửi UBND cấp huyện.

Trong quá trình rà soát, lập danh sách, UBND cấp xã thành lập Hội đồng xét duyệt do Chủ tịch UBND xã làm Chủ tịch hội đồng, Phó Chủ tịch UBND cấp xã phụ trách văn hóa - xã hội làm Phó Chủ tịch hội đồng; các thành viên là lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc, Trưởng Công an, công chức lao động - thương binh và xã hội, Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư, tổ dân phố hoặc trưởng thôn, cảnh sát khu vực. Địa phương nào có đối tượng bán vé số lưu động thì mời thêm chi nhánh xổ số kiến thiết quận, huyện, thị xã tham gia…

Sau đó, Hội đồng cấp xã tổ chức họp, xét duyệt hồ sơ, lập danh sách người lao động đủ điều kiện hỗ trợ, công khai với cộng đồng dân cư, niêm yết công khai danh sách tại trụ sở UBND cấp xã, nhà văn hóa thôn, khu dân cư, tổ dân phố, trang thông tin điện tử xã, phường, thị trấn…

Sau 2 ngày niêm yết danh sách công khai, UBND cấp xã tổng hợp danh sách người lao động đủ điều kiện gửi UBND cấp huyện qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội.

Trong 2 ngày làm việc, Chủ tịch UBND cấp huyện chỉ đạo tổ chức thẩm định, phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ. Sau khi ban hành quyết định, Chủ tịch UBND cấp huyện giao UBND cấp xã tổ chức chi trả cho người lao động trong thời gian 3 ngày làm việc.

Với hộ kinh doanh cá thể, các hộ lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ gửi UBND cấp xã. Căn cứ vào đơn đề nghị và các quy định có liên quan, trong thời gian 5 ngày, UBND cấp xã xác nhận vào đơn đề nghị của từng hộ gia đình, niêm yết công khai danh sách dự kiến tại UBND cấp xã trong thời gian 2 ngày làm việc, sau đó tổng hợp báo cáo gửi về Chi cục Thuế.

Trong 2 ngày làm việc, Chi cục Thuế sẽ chủ trì, phối hợp với các phòng, ban liên quan rà soát, thẩm định, tổng hợp danh sách trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ. Trong trường hợp không phê duyệt phải trả lời hộ kinh doanh bằng văn bản và nêu rõ lý do. Sau 3 ngày UBND cấp huyện có danh sách chính thức, các hộ kinh doanh sẽ nhận được tiền.

Với người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động, người sử dụng lao động lập, hoàn thiện hồ sơ và lấy xác nhận của tổ chức công đoàn cơ sở theo các quy định có liên quan; gửi hồ sơ đến UBND cấp huyện nơi đặt trụ sở, chi nhánh, văn phòng, địa điểm kinh doanh… đề nghị xác nhận đối tượng hưởng chính sách vay vốn.

Chậm nhất ngày 5 hằng tháng, người sử dụng lao động gửi hồ sơ đến UBND cấp huyện; thời hạn gửi hồ sơ xét duyệt cuối cùng là ngày 5/7/2020.

Chủ tịch UBND thành phố giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng theo dõi, đôn đốc các quận, huyện, thị xã triển khai chính sách hỗ trợ an sinh xã hội bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch; đồng thời, tổ chức kiểm tra, giám sát quá trình triển khai tại các địa phương, đơn vị.

UBND Thành phố yêu cầu UBND các quận huyện, thị xã chủ động tạm sử dụng ngân sách của quận, huyện thị xã để kịp thời chi trả cho các đối tượng thủ hưởng. Trường hợp khó khăn về nguồn kinh phí UBND quận, huyện, thị xã kịp thời báo cáo UBND Thành phố (thông qua Sở Tài chính) để Sở Tài Chính tham mưu UBND Thành phố xem xét bố trí kinh phí thực hiện từ ngân sách cấp thành phố.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bầu Hiển để Đoàn Văn Hậu ở lại Heerenveen với điều kiện nào?

Tài chính không phải yếu tố quyết định trong bối cảnh đối với Văn Hậu, được tập luyện tại SC Heerenveen là cơ hội lớn để học nghề, phát triển tài năng. Tuy nhiên chính vì mục tiêu này, bầu Hiển chắc chắn sẽ phải cân nhắc trước khi đưa ra quyết định.

Link bài gốc http://laodongthudo.vn/ha-noi-ho-tro-nguoi-lao-dong-bi-mat-viec-lam-do-dich-covid-19-108134.html