Hà Nội hướng tới mục tiêu hình thành chính quyền số

09/07/2021 10:17

Kinhte&Xahoi Hà Nội đang đặc biệt chú trọng thúc đẩy việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. Qua đó, thúc đẩy cải cách hành chính, hướng tới chính quyền phục vụ, cung cấp các dịch vụ số mới dựa trên nhu cầu của người dân, DN.

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Phạm Hùng

Tăng cường áp dụng công nghệ trong quản lý, điều hành

 Thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, TP Hà Nội đã đẩy mạnh nhiều giải pháp để ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và điều hành, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC). Qua đó, phát triển chính quyền điện tử hướng tới mục tiêu hình thành chính quyền số TP Hà Nội tương tác, minh bạch, hoạt động hiệu quả. Trong 6 tháng đầu của năm 2021, TP đã tăng cường triển khai hệ thống họp trực tuyến từ TP đến các điểm cầu của 579 xã, phường, thị trấn. Hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng, triển khai lắp đặt các thiết bị màn hình cảm ứng, trang thiết bị CNTT, camera giám sát để tuyên truyền và hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, phòng, chống dịch bệnh Covid -19 tại các khu chung cư, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố thuộc các quận: Long Biên, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân và các huyện: Hoài Đức, Đông Anh... Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu điện tử để làm cơ sở xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số. TP đã ban hành danh mục 22 cơ sở dữ liệu, tập trung vào các nội dung kinh tế - xã hội ; quản lý dân cư, các dự án đầu tư, quỹ đất... Đáng chú ý, TP tiếp tục duy trì Cổng dịch vụ công TP và các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 dùng chung; tiếp tục triển khai cung cấp cho người dân, tổ chức và DN 1.685 TTHC. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 là 1.217 thủ tục; dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là 468 thủ tục…

Tại các quận, huyện, sở, ngành để xây dựng, phát triển được chính quyền điện tử hướng tới TP thông minh, việc hoàn thiện hạ tầng CNTT được chú trọng, tăng kết nối trong xử lý công việc nội bộ và giải quyết TTHC, hình thành những “công dân điện tử”. Tại một số địa bàn, đã xây dựng các group zalo để chỉ đạo điều hành rất hiệu quả, mỗi thông tin đưa lên nhóm lập tức có người xử lý. Các hoạt động nội bộ được chỉ đạo qua hệ thống quản lý văn bản - điều hành tác nghiệp có tích hợp chữ ký số; việc họp hầu hết trực tuyến từ TP đến tận phường...

Chuẩn hóa quy trình

Tại huyện Đan Phượng, vừa qua đã khai trương 2 hệ thống phần mềm “thông tin báo cáo, chỉ đạo điều hành” và “tiếp nhận phản ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp”. Đây là một trong những địa phương đầu tiên của TP Hà Nội triển khai xây dựng chính quyền điện tử và chuyển đổi số. Hệ thống thông tin báo cáo được xây dựng nhằm góp phần thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành từ dựa trên thông tin, số liệu trên giấy chuyển sang dựa trên dữ liệu số, bảo đảm cập nhật dữ liệu kịp thời, chính xác, an toàn và hiệu quả. Việc đưa CNTT vào tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân và DN cũng giúp xử lý kịp thời những bức xúc dân sinh, đồng thời để người dân giám sát công việc giải quyết của chính quyền.

Cùng với đó, một số đơn vị tiến hành xây dựng kế hoạch triển khai mô hình thực hiện liên thông TTHC "Cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh" và "Cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế", “mô hình sử dụng biên lai điện tử trong việc thu phí, lệ phí tại Bộ phận Một cửa” tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, DN và tổ chức khi thực hiện thủ tục. Đồng thời, từng bước xây dựng chính quyền phục vụ, trong đó người dân và DN là trọng tâm.

Theo mục tiêu đã được UBND TP Hà Nội đặt ra, từ nay đến năm 2025, TP sẽ tiếp tục hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ…; cung cấp dữ liệu mở của chính quyền TP phục vụ người dân, DN. Cơ bản hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử của TP trước năm 2025, hướng tới hình thành chính quyền số TP Hà Nội. Trong đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm TP đặt ra là đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Năm 2021, hoàn thành việc số hóa kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực đạt tối thiểu tương ứng 30%, 20% và 15% đối với kết quả thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp TP, cấp huyện, cấp xã để bảo đảm việc kết nối chia sẻ dữ liệu. Đồng thời, rà soát, chuẩn hóa dữ liệu tại các hệ thống thông tin “một cửa” điện tử dùng chung của TP; tập trung xây dựng Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025, đây là cơ sở quan trọng để xử lý công việc trên môi trường điện tử.

 Hà Nội đã triển khai tích hợp 444 dịch vụ công trực tuyến lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đạt tỷ lệ 31,02%, vượt chỉ tiêu được giao.


Hà Bình - Theo KTĐT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://kinhtedothi.vn/ha-noi-huong-toi-muc-tieu-hinh-thanh-chinh-quyen-so-426543.html