Hà Nội, những gánh hàng rong

02/07/2018 17:19

Kinhte&Xahoi Khi nói đến hàng rong là nói đến những người đi bán hàng dạo, rong ruổi khắp các con phố, ngõ ngách.

Với chiếc xe đạp, xe đẩy, đôi quang gánh, bất kể ngày nắng hay mưa, họ bán đủ các thứ thiết yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường ngày. Từ mớ rau thơm, đồ ăn vặt, hoa quả cho đến quần áo, những vật dụng nhỏ như bấm móng tay, móc chìa khóa. Hằng ngày trên mỗi con đường, tuyến phố chúng ta đều bắt gặp hình ảnh của những người bán hàng rong mưu sinh cho cuộc sống.

Xe đẩy bán chuối và một số hoa quả khác.

Bà lão với đôi quang gánh với những đồ nhựa vật dụng sinh hoạt.

Bên cạnh hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sầm uất, người nội trợ vẫn thường xuyên chờ đón những gánh hàng rong, xe đẩy với đủ các loại rau xanh, hoa quả vừa tiện, vừa rẻ và tươi. Những người bán hàng rong đa phần là những người ở ngoại tỉnh hội tụ về thủ đô kiếm kế sinh nhai, mỗi người một số phận nhưng điểm chung đều có hoàn cảnh khó khăn mới phải xa quê. Số tiền kiếm được hằng ngày chỉ đủ để tằn tiện nuôi sống bản thân và dành dụm gửi về cho gia đình.

Công việc của những người bán hàng rong luôn đi liền với sự bấp bênh, nhọc nhằn trong cuộc sống. Bán ngày được ngày không, nhiều lúc gặp trời mưa, có khi gặp trời nắng gắt càng thêm vất vả, mệt nhọc, đôi quang gánh, chiếc xe thồ lại nặng thêm. Đi bán hàng tất bật cả ngày, buổi trưa họ tiện đâu nghỉ đấy, tiện gì ăn nấy. Nhiều khi họ lấy chính món hàng của mình ăn qua loa thay bữa để làm sao có thể tiết kiệm nhất.

Đôi quang gánh với nồi chè.

Dù ngày nắng hay mưa, dù mùa đông lạnh cắt da cắt thịt, hay mùa hạ với cái nắng nóng bỏng rát vai gầy, những người gánh hàng rong vẫn mải miết gồng mình với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền và tương lai của những đứa con thơ. Những gánh hàng rong bắt đầu với nhịp đập của cuộc sống đô thị từ khi còn tờ mờ sáng, với những nồi cháo, nồi chè nóng hổi hay mớ rau, quà vặt, những món đồ khô hay gánh hoa quả. Những người bán hàng rong không có chỗ bán cụ thể, họ cứ thong dong qua các con phố, ngõ ngách nơi tụ tập đông người, thỉnh thoảng mới dừng lại nghỉ chân bên ven đường nào đó và bán hàng.

Mỗi gánh hàng rong mang một hương vị riêng, bán những thứ khác nhau. Đa phần những người bán hàng rong xuất thân từ các tỉnh lẻ ven thành phố, vùng nông thôn, họ thuộc những người thu nhập thấp, lao động chân tay, vốn liếng chẳng được bao nhiêu nên phải chọn cách lang thang mưu sinh nay đây mai đó, kiếm sống qua ngày.

Hai cụ già bán những móc khóa, vật dụng nhỏ.

Xe đạp đẩy với những hoa quả.

Tuy nghề bán hàng rong có nhiều mặt tích cực như góp phần lưu thông hàng hóa, kịp thời phục vụ tận tay người tiêu dùng, tạo nguồn thu nhập chính đáng trước mắt, nhưng vẫn còn nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp cho việc quản lý, phát triển thành phố về mọi mặt. Đôi khi, người bán hàng lại lấn chiếm vỉa hè, tràn cả xuống lòng đường gây nguy cơ mất an toàn hoặc làm ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ tan tầm. Công việc bán rong còn gây ra mất vệ sinh công cộng do vứt rác bừa bãi. An toàn vệ sinh thực phẩm từ các loại đồ ăn, thức uống bày bán ở những chiếc xe đẩy, gánh hàng rong cũng là vấn đề đáng lo ngại.

Sự phát triển của nền kinh tế thị trường khiến cuộc sống trở nên ồn ào, tấp nập hơn, mỗi gánh hàng rong mang theo một hoàn cảnh, một nỗi lo riêng nhưng nhìn chung họ giống nhau là đều xuất phát từ những gia đình khó khăn và chịu khó, với mơ ước, khát vọng được đổi đời hay đơn giản hơn chỉ để duy trì sinh hoạt hằng ngày.

Đi bộ với một ít rau.

Thiết nghĩ, trong quá trình ra quân lập lại trật tự đô thị, chính quyền địa phương cần quan tâm bố trí địa điểm phù hợp, tạo điều kiện cho những người lao động nghèo mưu sinh, ổn định cuộc sống. Có thể thấy mỗi gánh hàng rong mang một hương vị riêng, một nét riêng của đất Hà Thành. Vì Hà Nội, trong con mắt của nhiều du khách là dòng xe tâp nập, những công trình lịch sử từ hàng trăm năm hay khu phố cổ thăng trầm qua thời gian. Tuy nhiên, còn một "đặc sản" của thành phố này mà hiếm nơi nào có được đó là “những gánh hàng rong”.

 

Theo KD & PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chưa có doanh nghiệp đăng ký “nhận độ” cá cược “chợ đen” vẫn sôi động

Tỷ lệ kèo các giải đấu thể thao quốc tế được đăng tải rộng rãi. World cup 2018 đang diễn ra tại Cộng hòa Liên bang Nga, cũng không phải ngoại lệ. Song, tại Việt Nam, nhiều người băn khoăn, luật hóa đặt cược thể thao có ngăn chặn được nạn cá độ “chợ đen” hay không? Và, đã có doanh nghiệp nào đăng ký để được “nhận độ” chưa?