Hạ tầng giao thông Hà Nội ngày càng phát triển đồng bộ và hiện đại

02/09/2022 09:18

Kinhte&Xahoi Hệ thống giao thông luôn giữ vai trò trọng yếu và là huyết mạch của đô thị. Do đó, những năm qua, với sự quan tâm của Chính phủ cũng như những nỗ lực vượt bậc của Nhân dân, các cấp chính quyền thành phố, Hà Nội đã xây dựng được một hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đa dạng, xứng tầm với vị thế trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của cả nước.

Mở rộng, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông

 Hà Nội là đô thị loại đặc biệt và có số dân đông thứ hai ở nước ta, do đó giao thông Hà Nội có vai trò rất quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hành khách và hàng hóa ngày một tăng.

Trong những năm qua, diện mạo Hà Nội ngày càng thay đổi theo hướng khang trang, hiện đại. Thành phố đã huy động được nhiều nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, dự án hạ tầng giao thông. Các công trình kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư đồng bộ, hiện đại.

Hiện nay, đường bộ chính là một trong những thế mạnh của Hà Nội với 11 tuyến đường vành đai, trục hướng tâm đi qua địa bàn thành phố. Trong đó có 7 tuyến hướng tâm gồm: Hà Nội - Hải Phòng; Hà Nội - Hạ Long; Láng - Hòa Lạc - Hòa Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Lạng Sơn; Hà Nội - Lào Cai; Pháp Vân - Cầu Giẽ với tổng chiều dài 113,2km.

Cùng với đó là 3 tuyến vành đai: 3, 4, 5 có tổng chiều dài 129,5km và tuyến quá cảnh cao tốc Tây Bắc - QL5 dài 35 km. Hiện 8/11 tuyến đường bộ cao tốc đã cơ bản hình thành, tương ứng với 170,2km, trong đó có 7 tuyến hướng tâm.

Tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, hiện trở thành phương tiện di chuyển quen thuộc của nhiều người ở Hà Nội

Việc đầu tư hình thành các tuyến cao tốc như đã nêu trên góp phần kết nối giao thông, phục vụ vận chuyển hàng hóa và hành khách, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho 4 hành lang kinh tế quan trọng khu vực phía Bắc mà Hà Nội là hạt nhân trung tâm. Đó là các hành lang: Lào Cai - Hà Nội - Quảng Ninh; Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội; Hà Nội - Thái Nguyên.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng nhận định, Hà Nội đang phát triển theo xu hướng chùm đô thị. Vai trò đô thị trung tâm của Hà Nội được quyết định trước hết bởi vị trí địa lý kinh tế quan trọng, là nơi có hệ thống giao thông thuận tiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội của chính nó, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các đô thị khác trong vùng.

Hà Nội còn có thế mạnh đặc biệt với cửa khẩu hàng không quốc tế Nội Bài, cánh cổng mở ra kết nối với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới. Trong bối cảnh đường sắt và đường thủy liên vùng còn nhiều hạn chế, khó khăn, hàng không và đường bộ đã phát huy mạnh mẽ vai trò chính yếu để đảm bảo cho Hà Nội giữ vững vị thế trung tâm chính trị, kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa giáo dục.

Đồng thời là đầu mối giao thông quan trọng của Vùng Thủ đô, của cả nước và đang dần vươn tầm ra khu vực. Với đòn bẩy giao thông, Hà Nội đã trở thành một trong những địa phương thu hút đầu tư mạnh mẽ nhất cả nước, nền kinh tế phát triển toàn diện cả công - nông nghiệp, dịch vụ, du lịch… có sức lan tỏa sâu rộng đến mọi miền đất nước.

Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hạ tầng giao thông đô thị

 Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, thời gian qua, kết quả đầu tư hạ tầng giao thông Thủ đô đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo thế và lực để Hà Nội kết nổi, nâng tầm vị thế. Nhiều lĩnh vực công tác liên quan đến giao thông vận tải trên địa bàn Thủ đô đã được triển khai hiệu quả.

Đại diện lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết: Bám sát chỉ đạo của Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã chủ động xây dựng kế hoạch, tích cực triển khai thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, chương trình công tác trên tinh thần 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ quy trình, rõ trách nhiệm, và rõ hiệu quả”, “một việc - một đầu mối xuyên suốt, đáp ứng các yêu cầu đề ra.

Đáng chú ý, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã tham mưu thành phố đưa vào sử dụng nhiều công trình hạ tầng giao thông lớn trên địa bàn Thủ đô như Đường sắt Cát Linh - Hà Đông, cầu vòm thép vượt hồ Linh Đàm, nút giao đường Vành đai 3 với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng... góp phần giúp giao thông Thủ đô từng bước được hòan thiện, tăng khả năng kết nối, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Cùng với hạ tầng, Hà Nội cũng cùng lúc đưa vào khai thác tàu điện trên cao và xe buýt điện phục vụ vận tải hành khách công cộng. Việc các tuyến buýt điện đầu tiên đã chính thức lăn bánh phục vụ người dân và ngay lập tức được đánh giá cao bởi công nghệ hiện đại, sự tiện lợi, thân thiện với môi trường.

Trong khi đó, với tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông, hiện nay, tuyến tàu điện này đang duy trì ở mức vận chuyển 22.000 - 25.000 lượt hành khách mỗi ngày, trở thành phương tiện di chuyển quen thuộc của nhiều người ở Hà Nội.

Theo dự kiến, dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội, đoạn đầu của tuyến Nhổn - Hoàng Mai (tuyến đường sắt số 3) phần nổi dài 8,5km phải hoàn thành vào cuối năm 2022 để đưa vào khai thác sử dụng.

Hạ tầng giao thông đô thị của Hà Nội ngày càng đồng bộ, hiện đại

Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (HRB Hà Nội), dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm của Hà Nội, đoạn Nhổn - Ga Hà Nội được coi là một biểu tượng cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Pháp. Hiện dự án thực hiện đến nay đạt tiến độ tổng thể 74,36%, trong đó riêng đoạn trên cao đạt 94,7%.

Bên cạnh dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm thành phố Hà Nội đoạn Nhổn - ga Hà Nội, được biết hiện Hà Nội cũng phát triển nhiều dự án khác như: Dự án xây dựng hầm chui Lê Văn Lương được khởi công từ tháng 10/2020 với tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, dự kiến vào quý IV/2022 sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

Dự án xây dựng cầu Vĩnh Tuy 2 với tổng mức đầu tư trên 2.500 tỷ đồng nhằm khép kín tuyến Vành đai 2, tăng cường kết nối giữa hai bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc, tạo tiền đề cho việc hình thành chuỗi đô thị phía Bắc, dự kiến sẽ hoàn thành cơ bản các nhịp cầu dẫn phía Long Biên trong năm 2022.

Đặc biệt, Hà Nội đang tập trung triển khai dự án đường Vành đai 4 để tạo động lực phát triển mới cho Thủ đô, thúc đẩy phát triển những vùng còn khó khăn như khu vực phía Nam của thành phố.

Với “bức tranh” giao thông như hiện nay và những nhiệm vụ mới, cách làm mới trong nhiệm kỳ này, Hà Nội hoàn toàn có thể hy vọng về một hệ thống giao thông hiện đại trong tương lai, giải quyết tối đa các vấn đề tồn tại của đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Thanh Hà - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ha-tang-giao-thong-ha-noi-ngay-cang-phat-trien-dong-bo-va-hien-dai-204724.html