Hóa đơn điện tử: Lúng túng thời điểm khởi tạo và chữ ký số

01/08/2019 09:49

Kinhte&Xahoi Đại diện Tổng cục Thuế (TCT) khẳng định thời điểm khởi tạo hóa đơn (HĐ) điện tử (ĐT) và ngày ký HĐĐT phải trùng nhau thì HĐ đó mới được coi là hợp lệ, song thực tế vướng mắc chủ yếu của doanh nghiệp (DN) hiện nay là ngày khởi tạo HĐ và ngày ký HĐ (chữ ký ĐT) không trùng nhau, trong khi việc thể hiện thời gian trên HĐ mỗi cục thuế hướng dẫn một khác.

Triển khai HĐĐT là xu thế tất yếu khi DN triển khai chuyển đổi số

Gần 280 DN đăng ký phát hành HĐĐT

Ngày 12/9/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 119/2018/NĐ-CP hướng dẫn quản lý, sử dụng HĐĐT. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong sử dụng HĐ khi bán hàng, cung cấp dịch vụ, Nghị định này đã đưa ra lộ trình chuyển đổi từ việc sử dụng HĐ tự in, HĐ giấy sang HĐĐT trong vòng 24 tháng. Theo đó, chậm nhất là ngày 1/11/2020, các DN phải hoàn thành việc chuyển đổi sử dụng từ HĐ tự in, HĐ giấy sang HĐĐT. 

Theo ông Nguyễn Hữu Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách (TCT), đến tháng 7/2019, cả nước có 279 DN đã đăng ký phát hành HĐĐT có mã của cơ quan Thuế (Hà Nội  128 DN, TP HCM 118 DN, Đà Nẵng 33 DN). Trong đó, có 255 DN đã xuất HĐĐT có mã với 8,1 triệu HĐ, tổng số HĐ đã được TCT xác nhận là hơn 8.033 tỷ đồng. Ông Tân cũng cho biết, số lượng người nộp thuế đã thông báo phát hành HĐĐT theo Thông tư 32/2011/TT-BTC, tính đến hết ngày 22/7/2019 là 118.620, số lượng HĐĐT (số sử dụng) tính đến thời điểm 30/6/2019 của người nộp thuế đang hoạt động là 2,3 tỷ HĐ. 

Đây là các DN, mà theo TS Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), “là đã tiên phong trong triển khai HĐĐT, xu thế tất yếu khi DN triển khai chuyển đổi số”. Thực tế, việc sử dụng HĐĐT giúp cho DN tiết kiệm được thời gian và chi phí - giảm tới 70% các bước quy trình phát hành và 90% các tranh chấp liên quan đến HĐ, rút ngắn tới 99% thời gian thanh toán, quản lý HĐ, tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi HĐ.

Nghị định có hiệu lực vẫn chưa có hướng dẫn

Vừa là DN cung cấp dịch vụ và là DN tiên phong trong sử dụng HĐĐT, ông  Nguyễn Khơ Din - Giám đốc khối khách hàng DN, Tập đoàn Công nghệ BKAV, Tổng thư ký Câu lạc bộ Chữ ký số và giao dịch ĐT cho biết, mặc dù Nghị định 119 có hiệu lực từ 1/11/2018, nhưng đến nay vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn. Chính vì vậy, đang có những “khoảng trống” quy định và đánh giá các đơn vị triển khai, quy định về ngày ký, ngày lập HĐ chưa rõ ràng, chưa có hướng dẫn cho các loại HĐ đặc biệt…

Đại diện TCty Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp quốc phòng (GAET) - bà Nguyễn Hoài Hương cho biết, vấn đề nổi cộm nhất hiện nay là chữ ký số trên HĐĐT có bắt buộc thể hiện ngày ký hay không? Theo bà Hương, khi khởi tạo HĐĐT thì thể hiện ngày khởi tạo, nhưng liên gửi khách hàng lại không thể hiện ngày. “Chúng tôi đã có văn bản hỏi trực tiếp TCT nhưng đến nay chưa có văn bản hướng dẫn. Trong khi đó, các Chi cục Thuế yêu cầu bắt buộc phải thể hiện ngày ký, phát hành chữ ký số”, bà Hương nói.

Một vấn đề mà nhiều DN đang lúng túng là sau khi tạo HĐ, hàng xuất đi sau đó mới có chữ ký của lãnh đạo DN, thì thời điểm nào là hợp pháp? Để kê khai thuế và xác định nghĩa vụ thuế thì ngày khởi tạo HĐĐT hay ngày ký? 

Bà Trịnh Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Sản phẩm và giải pháp, TCty Giải pháp DN Viettel cho biết, là đơn vị cung cấp HĐĐT, Viettel cũng bị vướng mắc ở việc có bắt buộc phải hiển thị ngày ký, trong khi đó có sự khác nhau giữa các địa phương. Ví dụ ở Huế, Đồng Nai yêu cầu bắt buộc nhưng Hà Nội lại không nhất thiết phải thể hiện ngày ký trên bản hiển thị.

Theo đại diện Vụ Chính sách (TCT), nguyên tắc là HĐ phải có chữ ký mới là HĐ hợp lệ; ngày khởi tạo HĐ cũng là ngày ký HĐ. Thực tế, ý kiến này khiến không ít DN hoang mang. Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam cho biết, trước đây bà đã đưa ý kiến này ra trao đổi tại hội thảo HĐĐT tại Hà Nội và TP HCM. TCT đã trả lời là “trong trường hợp chữ ký sau thì lấy ngày hợp pháp là ngày lấy chữ ký số”. 

Theo bà Cúc, khi sử dụng HĐ giấy, việc lập HĐ có thể là ngày hôm nay, nhưng vì lý do nào đó, lãnh đạo DN đi công tác xa hoặc vắng mặt ở cơ quan, chưa thể ký, thì có thể ký và hoàn thiện HĐ sau vài ngày. Tuy nhiên, khi ứng dụng HĐĐT việc lập HĐ ngày nào thì hiện rõ ngay ngày lập và khi HĐ giao đi rồi mà chưa có chữ ký số thì cũng là tình trạng thực tế mà DN gặp phải vì lý do bất khả kháng. Đây cũng chính là điểm khác biệt giữa việc triển khai HĐĐT và HĐ giấy trong thực tiễn mà DN gặp phải.

Tiếp thu ý kiến của DN, đại diện TCT cho biết, tới đây cơ quan này sẽ có hướng dẫn cụ thể. “Tuy nhiên, đây là nội dung rất lớn, không chỉ đơn thuần là các DN có điều kiện mới áp dụng HĐĐT mà hướng tới việc toàn bộ DN phải thực hiện HĐĐT. Điều này đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật thông tin lớn, cần thời gian để chuẩn bị nên không thể làm trong một sớm một chiều…”, ông Nguyễn Hữu Tân - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách khẳng định.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Báo Thái Lan lên cơn sốt với Xuân Trường sau hai siêu phẩm tại V-League

Màn trình diễn của tiền vệ Xuân Trường trong chiến thắng của HA Gia Lai trước Thanh Hoá ở vòng 18 V-League nhận được sự quan tâm đặc biệt của giới truyền thông Thái Lan. Thậm chí báo chí xứ Chùa vàng còn đánh giá tiền vệ từng chơi bóng ở Buriram sở hữu bàn chân vàng.

Nguồn: Pháp luật Plus