Hội đồng thẩm định sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1: “Chúng tôi không sai”

13/10/2020 14:33

Kinhte&Xahoi “Những chi tiết được dư luận chỉ ra trong sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 vừa qua, đã từng được Hội đồng thẩm định khuyến cáo nhưng nhóm tác giả vẫn bảo vệ quan điểm”.

Trên đây là ý kiến của GS.TS Mai Ngọc Chừ, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK tiếng Việt lớp 1 về những hạt “sạn” trong sách giáo khoa  (SGK) tiếng Việt lớp 1 gây tranh cãi mấy ngày qua.

Hội đồng thẩm định đã từng đề cập

Trao đổi trên diễn đàn VOV tối 12/10, GS Mai Ngọc Chừ cho biết, không riêng gì SGK tiếng Việt mà cả những cuốn sách khác, Hội đồng thẩm định đã làm việc rất nghiêm túc, cẩn trọng.

Tất cả những vấn đề được cho là “sạn”, Hội đồng thẩm định đã từng đề cập đến, không phải hội đồng “không biết gì” như một số người nói.

Trên tinh thần tất cả những gì sai, buộc nhóm tác giả phải sửa nên bản thảo lúc sửa so với ban đầu tốt hơn rất nhiều.

"Đến thời điểm này chúng tôi vẫn khẳng định, tất cả những bộ SGK tiếng Việt lớp 1, chúng tôi đã thẩm định không có gì sai. Tất cả những gì sai, đã được chỉ ra và giải quyết”, GS Mai Ngọc Chừ nói.

GS.TS Mai Ngọc Chừ, Phó chủ tịch Hội đồng thẩm định SGK tiếng Việt lớp 1.

Về việc vì sao Hội đồng đã khuyến cáo chỉnh sửa những chi tiết trên với nhóm tác giả nhưng cuốn sách vẫn được lọt qua vòng thẩm định và phát hành, GS Chừ cho rằng, theo quy định, đánh giá SGK có các mức độ “phù hợp”, “phù hợp cao” và “phù hợp trung bình”. Nếu chi tiết nào không phù hợp thì phải thay.

Ở đây, các chi tiết như báo chí và dư luận nêu mấy hôm nay, chẳng hạn chuyện “Cua cò và đàn cá”, “Hai con ngựa”…, Hội đồng đã yêu cầu nhóm tác giả thay ngữ liệu này bằng ngữ liệu khác. Điều này được khuyến cáo, có biên bản.

Hội đồng có đưa vấn đề thực nghiệm SGK tiếng Việt lớp 1 trước khi thẩm định hay không?

Ông Mai Ngọc Chừ cho biết, bộ SGK tiếng Việt 1 Cánh diều, nhóm tác giả có cho biết đã thực nghiệm mấy tháng, ở trường nào, làm ra sao và đã được Hội đồng thẩm định kiểm tra cặn kẽ.

Tuy nhiên, tất cả những thực nghiệm này đều do nhóm thực nghiệm chứ không phải Bộ GD&ĐT. 

Tuy nhiên, nhóm tác giả đã bảo vệ được quan điểm, cho rằng các bài học trên không phải dạy thói khôn lỏi mà lừa lọc sẽ bị trả giá.

Từ đó khi dạy trên lớp, cô giáo sẽ rút ra bài học, các em phải sống chân thật.

“Theo quy định, những gì được cho là sai thì phải sửa. Nhưng những chi tiết trên, nằm ở mức độ khuyến cáo (chưa đến mức sai - PV) và nhóm tác giả đã bảo vệ được quan điểm của mình trước Hội đồng.

Chẳng hạn từ “nhá”, chúng tôi đã đưa ý kiến phải thay nhưng nhóm tác giả cho biết, bài học đó học sinh chưa học đến vần “ai”, chỉ học đến “a” nên phải dùng từ “nhá”, GS Chừ cho biết.

Đồng thời, nhóm tác giả cũng thuyết phục được hội đồng thẩm định khi cho rằng, SGK tiếng Việt chủ yếu dạy âm và vần nên rất khó chọn từ ngữ đảm bảo các yếu tố, phải chọn từ ngữ phù hợp với âm của từng bài.

Chẳng hạn từ “nhá”, Hội đồng thẩm định đã đưa ý kiến phải thay nhưng nhóm tác giả bảo vệ được quan điểm. 

Hội đồng thẩm định hay nhóm tác giả chịu trách nhiệm?

Về ý kiến đưa ra, nếu SGK sai thì Hội đồng thẩm định phải chịu trách nhiệm, không phải tác giả.

Ông Mai Ngọc Chừ cho rằng, khi thẩm định bộ SGK tiếng Việt lớp 1 Cánh diều, Hội đồng không có gì sai bởi những gì sai, đã được bắt sửa và chịu trách nhiệm.

Những điều dư luận phản ứng đều nằm trong phần “phù hợp”, “phù hợp cao” hoặc “phù hợp trung bình”, Hội đồng đã khuyến cáo nhưng nhóm tác giả bảo vệ được quan điểm thì không thể gọi là “sai”.

Ông Mai Ngọc Chừ cho biết thêm, tới đây Hội đồng thẩm định sẽ họp nghiêm túc và đưa tất cả các vấn đề được dư luận đặt ra với nhóm tác giả cũng như với nhà xuất bản.

“Với sự điều phối của Bộ GD&ĐT, tôi nghĩ vấn đề cũng dễ giải quyết thôi, bởi cuốn sách chỉ có các hạt “sạn”, không nên bỏ đi hoàn toàn như một số đề xuất.

Bộ SGK vừa dạy mới hơn một tháng, tôi cho rằng phải có thời gian. Ít nhất sau một năm học, mới có tổng kết đánh giá, đặc biệt phải lắng nghe ý kiến giáo viên, phụ huynh học sinh, những người đang sử dụng bộ sách này bởi vai trò của họ rất quan trọng”, GS Mai Ngọc Chừ khẳng định.

Trước mắt, một số ý kiến cho rằng, nhóm tác giả nên bình tĩnh lắng nghe và sửa sai.

Đặc biệt, trong năm học này, cần rà soát và có tài liệu hướng dẫn gấp để không tiếp tục gây phản ứng trong dư luận.

 Mỹ Hà - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vòng 13 V.League: Đội nào hưởng lợi?

Sài Gòn FC và Hà Nội sẽ được chơi trên sân nhà, trong khi các đội bóng đang vật lộn với trụ hạng như Thanh Hóa, Quảng Nam lại phải chơi trên sân khách. Khả năng Sài Gòn FC sẽ vẫn dẫn đầu bảng xếp hạng sau vòng 13 (1/10) là có thể xảy ra.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/hoi-dong-tham-dinh-sach-giao-khoa-tieng-viet-lop-1-chung-toi-khong-sai-20201013091559118.htm