Khai mạc kỳ họp đặc biệt của Quốc hội khoá XIV

20/10/2020 07:34

Kinhte&Xahoi “Đặc biệt” là từ Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc sử dụng để khái quát về ý nghĩa, tính chất của kỳ họp thứ 10 của Quốc hội - kỳ họp bản lề của khoá XIV, khai mạc sáng nay, 20/10.

Kỳ họp 10 là kỳ họp áp chót của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIV.

Chất vấn "mở" sau một năm "tạm đóng"

"Đặc biệt" bởi kỳ họp này có tính chất tổng kết lại rất nhiều nội dung, nhiệm vụ đã được Quốc hội đề ra từ đầu nhiệm kỳ khoá XIV. Là kỳ họp “áp chót” của khoá (dự kiến tháng 3/2021, Quốc hội họp một kỳ ngắn sau Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng, chủ yếu chuẩn bị công tác nhân sự cho khoá mới trước khi kết thúc sứ mệnh 5 năm, chờ Quốc hội mới tập họp sau cuộc bầu cử vào tháng 5- PV) nhưng Quốc hội sẽ thực hiện ngay việc đánh giá hoạt động toàn nhiệm kỳ.

Quốc hội sẽ xem xét, đánh giá việc thực hiện các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn, các chương trình mục tiêu quốc gia trong cả giai đoạn 2016 - 2020; dự kiến các mục tiêu chủ yếu và một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và các kế hoạch tài chính 5 năm, đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Liên quan đến việc đánh giá kết quả nhiệm kỳ khoá XIV, Quốc hội cũng sẽ có một phiên chất vấn “đặc biệt”, nhìn nhận lại việc thực hiện lời hứa của Chính phủ, các tư lệnh ngành, lĩnh vực, kết quả thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề và nghị quyết chất vấn, trả lời chất vấn của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ và cả những nghị quyết được chuyển giao từ Quốc hội khóa trước. Tổng Thư ký Quốc hội thông tin, tới nay, Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành đã có báo cáo chi tiết về các nội dung này gửi đến Quốc hội. Các cơ quan của Quốc hội cũng đã tiến hành thẩm tra, chỉ rõ những vấn đề chưa làm được và các vấn đề Chính phủ, các bộ, ngành phải tiếp tục làm rõ, có giải pháp.

Văn phòng Quốc hội đã tổng hợp tất cả các báo cáo này, hệ thống hóa và gửi đến các đại biểu Quốc hội. Đây là nguồn thông tin hết sức quan trọng để các đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát, quyền chất vấn của mình tại kỳ họp thứ 10, yêu cầu Chính phủ, các Bộ trưởng, Trưởng ngành giải trình rõ tại sao chưa làm được, vướng mắc ở đâu và hứa đến bao giờ thực hiện được.

Theo đó, phiên chất vấn kỳ này sẽ rất “mở”, bất kỳ thành viên Chính phủ, Bộ trưởng, Trưởng ngành nào cũng có thể “lên ghế nóng”, cũng phải sẵn sàng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Sau đó, Quốc hội sẽ có nghị quyết để chuyển cho Quốc hội khóa sau tiếp tục giám sát, chất vấn.

“Quốc hội sẽ giám sát đến cùng những vấn đề đã chỉ ra. Kỳ họp này chắc chắn nội dung chất vấn sẽ rất sôi động” – ông Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định.

Phiên chất vấn cuối nhiệm kỳ càng được quan tâm, kỳ vọng khi hoạt động chất vấn đã tạm gián đoạn trong năm nay. Kỳ họp giữa năm, do tình hình dịch Covid-19 căng thẳng, Quốc hội thống nhất không tổ chức phiên chất vấn, dành thời gian để cơ quan điều hành tập trung ứng phó dịch bệnh.

Ghế trống và nhân sự mới

Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu chào cờ tại phiên khai mạc mỗi kỳ họp.

Có những sự kiện không vui diễn ra gần thời điểm Quốc hội họp kỳ họp này. Đó là tình hình bão lũ lịch sử đang gây nhiều hậu quả nặng nề với miền Trung, nhất là những thiệt hại về người. Chính Quốc hội cũng “mất” một đại biểu ưu tú trong đợt mưa lũ, sạt lở đất nghiêm trọng tại huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Thiếu tướng Nguyễn Văn Man – Phó Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu thuộc đoàn Quảng Bình hi sinh cùng 12 cán bộ, chiến sỹ khác khi đang trên đường đi cứu hộ tại thuỷ điện Rào Trăng 3.

Số lượng đại biểu Quốc hội tiếp tục “hao hụt” tại kỳ họp này khi ông Phạm Phú Quốc, đại biểu thuộc đoàn TPHCM sẽ bị bãi nhiệm.

Như vậy, từ danh sách 496 người trúng cử, 494 người được công nhận tư cách đại biểu Quốc hội từ đầu khoá, cho đến kỳ họp áp chót, Quốc hội còn lại 481 đại biểu. Nhiều đại biểu đã không thể đi trọn nhiệm kỳ công tác.

Nói về việc “những chiếc ghế trống” tại Quốc hội do đại biểu có vi phạm, mất uy tín với cử tri, mất tư cách đại biểu, Phó Chủ nhiệm UB Các vấn đề Xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi từng chia sẻ: “Trong suốt 4 khóa tham gia Quốc hội vừa qua, tôi chưa thấy sự việc như nhiệm kỳ này. Có nhiều lý do khiến khoá XIV có nhiều đại biểu “rơi rụng” vì phát hiện sai phạm nhưng nói chung đó là việc đáng buồn. Công tác cán bộ của chúng ta, như thế, cần đánh giá, xem xét lại”.

Để công tác cán bộ chất lượng hơn, chuẩn bị cho nhiệm kỳ khoá tới, tại kỳ họp này, Quốc hội cũng có nội dung xem xét nhiều thay đổi nhân sự quan trọng, ở những vị trí chủ chốt cho bộ máy các cơ quan nhà nước, nhất là cơ quan điều hành. Quốc hội làm quy trình miễn nhiệm 2 nhân sự cấp Bộ trưởng là Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã được Bộ Chính trị điều động đảm nhiệm công việc khác.

Song song với việc này, Quốc hội cũng xem xét việc phê chuẩn bổ nhiệm để chọn nhân sự mới làm Bộ trưởng KH&CN, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và Bộ trưởng Y tế. Đây được xem là những cán bộ lãnh đạo cho cả khoá sau.

Chừng ấy công việc, vấn đề đang chờ Quốc hội trong một kỳ họp đặc biệt, kỳ họp bản lề của khoá XIV và XV.

Phương Thảo - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vòng 13 V.League: Đội nào hưởng lợi?

Sài Gòn FC và Hà Nội sẽ được chơi trên sân nhà, trong khi các đội bóng đang vật lộn với trụ hạng như Thanh Hóa, Quảng Nam lại phải chơi trên sân khách. Khả năng Sài Gòn FC sẽ vẫn dẫn đầu bảng xếp hạng sau vòng 13 (1/10) là có thể xảy ra.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/xa-hoi/khai-mac-ky-hop-dac-biet-cua-quoc-hoi-khoa-xiv-20201019203441870.htm