Kiểm toán Nhà nước chỉ ra thiếu sót trong dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

23/09/2019 10:47

Kinhte&Xahoi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng đề nghị thống nhất lại cách áp dụng định mức ở một số hạng mục cho Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông nhằm tạo cơ sở để phê duyệt dự toán chi tiết, thương thảo điều chỉnh giá hợp đồng EPC.

Dự án đường sắt Cát Linh- Hà Đông xây dựng nhiều năm chưa hoàn thành.

Trước đó, trong thông báo kết quả kiểm toán số 869 ngày 28/12/2018, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có kết luận về tồn tại và thiếu sót về việc Bộ GTVT đã phê duyệt định mức khoan cọc nhồi vào cuội sỏi áp dụng cho Dự án khi chưa lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng.

Trong thông báo trên, KTNN đánh giá Dự án đã tuân thủ quy hoạch, chủ trương, mục tiêu đầu tư. Chủ đầu tư và các cơ quan liên quan đã cơ bản chấp hành các quy định về cơ chế chính sách pháp luật của Nhà nước ban hành trong quá trình quản lý và triển khai thực hiện dự án. Tuy nhiên, trong từng khâu triển khai thực hiện đầu tư dự án còn có tồn tại, thiếu sót. Trong đó có khâu công tác khảo sát, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán. 

Cụ thể, việc Bộ GTVT phê duyệt định mức khoan cọc nhồi vào cuội sỏi áp dụng cho Dự án tại Quyết định số 10360 ngày 20/8/2014 khi chưa lấy ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng là không đúng quy định.  

Sai sót này khiến việc phê duyệt dự toán của Bộ GTVT được cho là chưa đúng quy định, và KTNN đề nghị ban Quản lý duwự án (BQLDA) đường sắt phải báo cáo Bộ GTVT xin ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Xây dựng về định mức khoan cọc nhồi vào cuội sỏi áp dụng cho Dự án là khoảng hơn 87 tỷ đồng. Bộ GTVT phải có trách nhiệm thỏa thuận với Bộ Xây dựng thống nhất về định mức nói trên để làm cơ sở phê duyệt dự toán chi tiết, thương thảo điều chỉnh giá hợp đồng EPC.

Thực hiện kiến nghị trên, mới đây Bộ GTVT đã có Văn bản số 7750 ngày 16/8/2019 gửi Bộ Xây dựng. Bộ GTVT cho hay, trong quá trình thực hiện dự án, do định mức dự toán một số công tác thi công đường sắt trong đô thị chưa được công bố trong hệ thống định mức hiện hành của Nhà nước. Để phù hợp với quy trình, quy phạm, khung tiêu chuẩn về thiết kế, thi công và nghiệm thu cho Dự án, đáp ứng tiến độ, Bộ GTVT đã có Văn bản số 3093 ngày 17/5/2010 gửi Bộ Xây dựng xin ý kiến thỏa thuận.

Cũng theo Bộ GTVT, Bộ Xây dựng đã có ý kiến tại Văn bản số 1426 ngày 22/8/2010, thống nhất áp dụng định mức các công tác xây lắp trong tập định mức do Bộ Xây dựng nhà ở thành thị và nông thôn Trung Quốc ban hành để lập dự toán cho Dự án đường sắt trên cao, tuyến Cát Linh - Hà Đông nếu các định mức này phù hợp với thiết kế, điều kiện thi công, biện pháp thi công, công nghệ thi công của dự án. 

Với các công tác xây lắp có trong tập định mức dự toán do Bộ Xây dựng công bố mà phù hợp với điều kiện thi công, biện pháp thi công, công nghệ thi công, thiết kế và điều kiện thực tế của dự án thì áp dụng các định mức dự toán do Bộ Xây dựng công bố. 

Sau khi có thỏa thuận của Bộ Xây dựng, Bộ GTVT đã chỉ đạo BQLDA đường sắt và các đơn vị có liên quan tiến hành lập định mức dự toán áp dụng cho Dự án và ký hợp đồng với Viện Kinh tế Xây dựng - Bộ Xây dựng để biên soạn Bộ định mức áp dụng cho dự án. Và ngày 20/8/2014, Bộ GTVT đã có quyết định công bố định mức dự toán xây dựng công trình áp dụng cho Dự án. Trong tập định mức này có định mức khoan cọc nhồi vào cuội sỏi.  

Tuy nhiên, để có cơ sở thực hiện kết luận của KTNN, trong văn bản gửi Bộ Xây dựng mới đây, Bộ GTVT đề nghị Bộ Xây dựng chấp thuận việc áp dụng định mức khoan cọc nhồi vào tầng lớp địa chất là cuội sỏi vận dụng theo định mức 1776 ngày 16/8/2007 của Bộ Xây dựng cho Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ thời điểm 2010-2014. Đối với định mức dự toán hạng mục cọc khoan nhồi thực hiện từ năm 2015 về sau (tầng lớp địa chất không phải là cuội sỏi) thì áp dụng theo định mức ban hành theo Quyết định 588 ngày 29/5/2014 của Bộ Xây dựng. 

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008. Dự án được thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC (nhà thầu thực hiện toàn bộ các công việc từ thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công, cung ứng vật tư, thiết bị đến thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình và chạy thử bàn giao cho chủ đầu tư), Tổng thầu EPC do bên tài trợ vốn chỉ định là Công ty Hữu hạn tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc thực hiện. 


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Công Phượng tiếp tục bị cho ra rìa ở CLB Sint-Truidense

Tiền đạo Công Phượng đã không có tên danh sách đăng ký thi đấu của CLB Sint-Truidense trong trận đấu với Sporting Charleroi. Đây là vòng thứ 3 liên tiếp, người ta thấy Công Phượng “mất tích” trong các trận đấu của Sint-Truidense.

Xe thương binh lại tiếp tục 'bủa vây' VFF 'đòi' vé trong lúc người hâm mộ mua vé online bức xúc vì kẹt mạng

Ngày 19/9, VFF mở ba phiên bán vé trận đấu giữa ĐT Việt Nam và ĐT Malaysia trong khuôn khổ Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, diễn ra trên SVĐQG Mỹ Đình vào ngày 10/10 tới. Tình trạng nghẽn mạng, không khớp lệnh và xe thương binh “đòi phục vụ vé” vẫn diễn ra...

Nguồn: Pháp luật Plus