Kỷ lục nắng nóng tiếp tục được thiết lập ở miền Bắc

16/07/2020 11:09

Kinhte&Xahoi Năm nay nhiệt độ cực đại chưa vượt kỷ lục năm 2019 nhưng lại khắc nghiệt khi số ngày nắng nóng kéo dài nhất, nhiều dòng sông cạn nhất trong lịch sử.

Người dân chống nắng bằng trang phục kín khi đi trên đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội chiều 15/7 Ảnh: như ý

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, số ngày nắng nóng trong tháng 6 ở nhiều nơi thuộc Bắc Bộ vượt ngưỡng kỷ lục, kéo dài trên 20 ngày với nhiệt độ trung bình cao hơn trung bình nhiều năm 1,5-2,5 độ.

Sang tháng 7, tại Sơn La, Hòa Bình và khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ xuất hiện đợt nắng nóng từ ngày 6-10, sau tạm thời giảm trong ngày 11-12 và gia tăng trở lại từ ngày 13. Khu vực Bắc và Trung Trung Bộ nắng nóng kéo dài liên tục từ đầu tháng 7 đến nay. Trong nửa đầu tháng 7, các khu vực trên phạm vi toàn quốc có nhiệt độ trung bình cao hơn nhiều năm khoảng từ 0,5-2 độ, riêng các tỉnh Bắc và Trung Trung Bộ cao hơn 2 độ.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, phải đến ngày 20/7, nắng nóng mới có dấu hiệu suy giảm ở Bắc Bộ trong khi Trung Bộ vẫn có khả năng kéo dài những ngày sau đó. Dự báo nắng nóng còn tiếp tục xảy ra ở Bắc Bộ trong tháng 7 và giảm dần trong tháng 8. Trong khi đó, ở miền Trung, đặc biệt các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên, tháng 8 vẫn có thể xảy ra các đợt nắng nóng kéo dài 7-10 ngày.

Lý giải hiện tượng này, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, thông thường các đợt nắng nóng kết thúc khi dải mưa dông ở phía bắc (rãnh thấp gió mùa) bị đẩy xuống phía nam qua Bắc Bộ hoặc Bắc Trung Bộ. Năm nay dải mưa dông này hầu như không dịch xuống phía Nam nhiều mà chỉ ảnh hưởng đến khu vực phía nam Trung Quốc, thỉnh thoảng tác động đến vùng núi phía Bắc nước ta, do đó không làm suy giảm được tình trạng nắng nóng trên khu vực.

Nhiều dòng sông cạn

Nắng nóng kéo dài kết hợp với lượng mưa thiếu hụt nghiêm trọng so với trung bình nhiều năm đã đẩy các tỉnh miền Trung vào mùa khô hạn kỷ lục, tương đương, thậm chí có nơi hơn cả năm 2019- năm khô hạn nhất trong lịch sử.

Số liệu quan trắc thủy văn của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho thấy, trên một số dòng sông miền Trung đã xuất hiện mực nước thấp nhất trong lịch sử như sông Mã (Thanh Hóa), sông Cả (Nghệ An), sông La (Hà Tĩnh), sông Bến Hải (Quảng Trị), sông Tả Trạch (Huế), sông Thu Bồn (Quảng Nam). Tổng lượng dòng chảy trên phần lớn các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 16-63%, một số sông thấp hơn trên 70%.

Tình trạng hạn hán, thiếu nước đã xuất hiện tại các tỉnh khu vực Trung Bộ, đặc biệt nghiêm trọng hơn ở ngoài vùng cấp nước của các công trình thuỷ lợi tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận. Những ngày đầu tháng 7, dung tích phần lớn các hồ chứa thuỷ lợi vừa và lớn ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên đạt từ 25-60% dung tích thiết kế.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định,từ nay đến tháng 8, lượng dòng chảy trên các sông miền Trung tiếp tục thiếu hụt từ 30-65%, một số sông thiếu hụt trên 70%. Một số sông tiếp tục có khả năng xuất hiện mực nước thấp nhất trong chuỗi số liệu quan trắc. “Trong thời gian này tình trạng khô hạn thiếu nước, xâm nhập mặn có khả năng lan rộng tại các tỉnh ven biển Trung Bộ ở mức tương đương mùa khô năm 2019, đặc biệt nghiêm trọng hơn ở ngoài vùng cấp nước của các công trình thuỷ lợi các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận”, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia khuyến cáo.

Nắng nóng gia tăng từ ngày mai

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, hôm nay các tỉnh miền Bắc, miền Trung, trong đó có Hà Nội tiếp tục nắng nóng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-37 độ, có nơi trên 37 độ. Riêng các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị nhiệt độ cao nhất phổ biến 35-38 độ, có nơi trên 39 độ. Độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 40-55%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-18 giờ. Dự báo từ mai đến 19/7, nắng nóng có khả năng gia tăng gay gắt hơn ở Bắc Bộ trong khi miền Trung, nắng nóng kéo dài nhiều ngày tới. 

Theo Nguyễn Hoài/ báo Tiền phong

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Giấc mộng trời Âu với cầu thủ Việt Nam

Từ Công Phượng cho tới Văn Hậu đã giã từ môi trường bóng đá đắng cấp nhất thế giới vì không thể thích ứng. Qua họ, có thể thấy chất lượng của bóng đá Việt Nam đang ở đâu trên thế giới...

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/ky-luc-nang-nong-tiep-tuc-duoc-thiet-lap-o-mien-bac-d129516.html