Lo ngại “đội lốt” cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước để bán đất

18/05/2022 11:56

Kinhte&Xahoi Trước bài học từ nhiều vụ việc, các chuyên gia bày tỏ lo ngại việc cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp Nhà nước nếu không chặt chẽ sẽ dẫn đến việc bán công ty để bán đất...

Vấn đề này được các chuyên gia đặt ra tại Hội thảo "Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp", diễn ra ngày 17/5.

Quang cảnh hội thảo

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc đổi mới cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế.

Theo người đứng đầu ngành Tài chính, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn tồn tại nhiều hạn chế, vướng mắc. Do đó, cần phải có sự tham vấn ý kiến của các đại biểu, đặc biệt là lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, các địa phương để Bộ Tài chính tiếp thu, phối hợp với các bộ, ngành trình Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước, tái cơ cấu hiệu quả.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng chỉ rõ một số tồn tại vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn hiện nay như tiến độ chậm, chưa đạt kết quả đề ra theo đề án mà Chính phủ đã ban hành, nguồn thu cổ phần hóa chưa đạt yêu cầu.

Lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho rằng, thời gian qua việc xác định giá trị của doanh nghiệp còn chưa chính xác mà rủi ro lớn nhất là vấn đề xác định giá trị quyền sử dụng đất.

Theo ông Phớc, giá trị quyền sử dụng đất hiện nay có nhiều quan điểm, theo văn bản trước đây thì tiền thuê đất hàng năm thì không tính vào giá trị doanh nghiệp, nhưng tiền thuê đất một lần thì lại tính.


Thế nhưng, bất cập là việc thuê đất một lần khi xác định thì không sát giá trị tại thời điểm xác định. Thứ hai, sau khi chuyển vào giá trị cổ phần hóa hôm nay dù có sát giá trị thì sau 5 năm, 10 năm… vẫn có khoảng cách.


"Đây cũng là một lỗ hổng gây thất thoát, chưa nói đến việc nộp tiền thuê đất một lần thì doanh nghiệp cổ phần hóa có thể chuyển quyền sử dụng đất để làm nhà đô thị, hay công trình khác", Bộ trưởng nói.

Năm 2018, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 60/2018/QH14 nghiêm cấm việc chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc từ doanh nghiệp Nhà nước sang mục đích khác. Năm 2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 140/2020/NĐ-CP chưa quy định rõ có được chuyển đổi mục đích sử dụng đất hay không làm cho chính quyền địa phương lúng túng khi triển khai.

"Đây cũng là vấn đề cần nhận diện một cách chính xác, đúng cốt lõi vấn đề để tham mưu Chính phủ sửa đổi nhất quán về mặt luật pháp, thực hiện một cách đúng đắn, chính xác nhất", ông Phớc nêu vấn đề.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng nêu một số tồn tại trong sắp xếp nhà đất chưa có quy định rõ ràng như xác định lợi thế thương mại, vấn đề liên danh liên kết… Ngoài ra, vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp Nhà nước thời gian qua quyết tâm chưa cao nên tiến độ chưa đạt yêu cầu.

Cũng tại hội thảo, nhiều ý kiến cũng kiến nghị không tính giá đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, thay vào đó, trả đất về lại Nhà nước để sử dụng cơ chế thuê đất hoặc đấu giá quyền sử dụng đất sau khi cổ phần xong.

Theo ông Nguyễn Tấn Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính), cơ chế, chính sách sắp xếp lại nhà, đất và huy động nguồn lực từ đất đai khi cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tương đối đầy đủ, nhưng việc triển khai thực hiện chưa được quan tâm đúng mức.

Ông Thịnh cho biết, có doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thuộc đối tượng sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg nhưng hơn 15 năm nay không kê khai báo cáo và triển khai thực hiện, mặc dù Bộ Tài chính đã có nhiều văn bản đôn đốc.

"Một số doanh nghiệp không chủ động triển khai việc sắp xếp cơ sở nhà, đất, đợi đến thời hạn sắp cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện, dẫn đến nhiều bất cập và có thể ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa. Ngoài ra, một số doanh nghiệp đã được phê duyệt phương án nhưng không thực hiện theo đúng phương án đã được phê duyệt", ông Thịnh nói.

Trong khi đó, TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cho rằng, chính vấn đề liên quan đến đất đai đã và đang làm cản trở quá trình cổ phần hoá, thoái vốn. Hiện trong nhiều trường hợp cổ phần, thoái vốn đang không bán doanh nghiệp mà bán đất, rất nhiều sai phạm cổ phần hoá hiện nay là bán đất nhưng “đội lốt” là bán doanh nghiệp.

Theo ông Ánh, tất cả vấn đề sai phạm như sử dụng sai mục đích, chuyển đổi mục đích sử dụng hay nhượng đất đều xuất phát từ việc chúng ta cho thuê đất quá lâu, trong thời gian dài. Việc áp giá thị trường vào tính giá trị tài sản của doanh nghiệp gây khó khăn cho cổ phần hoá.

"Đất là tài sản của toàn dân, Nhà nước là đại diện quản lý, lý do gì mà định giá tài sản của nhà nước lại để cho thị trường làm. Nên không có giá thị trường mà chỉ nên có định giá theo cơ chế thị trường, không phải cơ chế quản lý hành chính quan liêu. Quan trọng hơn là đất của doanh nghiệp Nhà nước được cho không, giao đất sau khi cổ phần hoá ai có quyền cho thuê hoặc chấm dứt cho thuê, ai có quyền sử dụng đất đó", ông Ánh nêu vấn đề.

 Hậu Lộc - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Việt Nam - Myanmar: Cơ hội rộng mở

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam đang rất quyết tâm đánh bại Myanmar ở bán kết môn bóng đá nữ SEA Games 31 để tiến gần hơn đến tấm huy chương Vàng thứ ba liên tiếp.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/lo-ngai-doi-lot-co-phan-hoa-thoai-von-doanh-nghiep-nha-nuoc-de-ban-dat-196719.html