Lựa chọn không dễ thay thế với EU

09/09/2023 10:14

Kinhte&Xahoi Mùa đông tới gần lại đặt các nước Liên minh châu Âu (EU) trước những lo lắng tái diễn cuộc khủng hoảng năng lượng tương tự năm ngoái, trong bối cảnh Lục địa già vẫn phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung từ Nga, bất chấp các nỗ lực tự chủ nguồn cung và mong muốn trừng phạt Mátxcơva liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine.

Các nước Liên minh châu Âu sẽ nhập khẩu khối lượng lớn khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Nga trong năm 2023.

Tờ Financial Times (Anh) dẫn một số báo cáo cho rằng, nhằm bảo đảm nguồn cung năng lượng, các nước Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ nhập khẩu khối lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) kỷ lục từ Nga trong năm 2023, mặc dù đang theo đuổi mục tiêu loại bỏ nhiên liệu hóa thạch từ quốc gia này như một phần trong gói biện pháp trừng phạt liên quan tới cuộc xung đột tại Ukraine.

Nhận định này có căn cứ, bởi trong 7 tháng qua, nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng của EU đã tăng 40% so với cùng kỳ năm 2021. Theo Eurostat, lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Nga trong giai đoạn này là 21,6 triệu mét khối, tương đương 16%, trong tổng số 133,5 triệu mét khối mà EU nhập khẩu. Điều này đồng nghĩa, bất chấp hàng loạt rào cản liên quan tới năng lượng, Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn thứ hai của EU, chỉ sau Mỹ. Tổng lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng mà EU nhập khẩu của Nga trong nửa đầu năm nay thậm chí cao hơn khoảng 1,7% so với thời điểm nhập khẩu đạt mức cao kỷ lục vào năm ngoái. Bỉ và Tây Ban Nha hiện là những nước mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng lớn thứ hai và thứ ba của Nga (chỉ sau Trung Quốc).

Theo giới quan sát, nhu cầu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ châu Âu ngày càng gia tăng là điều tất yếu, trong bối cảnh các quốc gia khu vực coi đây là một giải pháp thay thế các loại nhiên liệu “ô nhiễm” truyền thống, đặc biệt là dầu mỏ hay than đá.

Trong khi đó, nguy cơ thiếu hụt khí đốt, giá khí đốt sẽ tăng… là những mối lo hiển hiện của châu Âu khi mùa đông lạnh giá đang tới gần. Bản thân EU cũng không dự trữ nhiều khí đốt tự nhiên hóa lỏng trước khi xung đột tại Ukraine nổ ra. Đó là chưa kể thời gian tới, nhu cầu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Trung Quốc phục hồi càng khiến nguồn cung trở nên eo hẹp. Thậm chí, các quan chức EU từng cảnh báo rằng lệnh cấm nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Nga có nguy cơ gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng.

Trong khi nhu cầu tăng cao, thực tế là việc mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Nga lại ngày càng thuận lợi. Mátxcơva lúc này coi khí đốt tự nhiên hóa lỏng là lựa chọn chính nhằm đa dạng hóa xuất khẩu năng lượng, và đang tìm cách xuất khẩu 100 triệu tấn mỗi năm vào năm 2030, cao hơn nhiều lần so với mức 32,5 triệu tấn vào năm 2022.

Thuận lợi hơn nữa, trong khi dầu mỏ đang gánh hàng loạt rào cản trừng phạt, tuyến đường vận chuyển khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Nga tới châu Âu trước mắt vẫn có nhiều thuận lợi, đồng nghĩa đây là giải pháp thay thế lý tưởng. EU cấm nhập khẩu than đá và dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga sau khi xung đột Ukraine bùng nổ, nhưng khí đốt lại là “ngoại lệ”.

Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng nhiên liệu hóa thạch truyền qua các đường ống từ Nga tới châu Âu giảm mạnh và thậm chí đã “về 0” với than đá, nhưng giao dịch khí đốt tự nhiên hóa lỏng lại tăng vọt.

Dù vậy, cũng không thể phủ nhận bất ổn địa chính trị toàn cầu đang là gánh nặng đối với nỗ lực bảo đảm nguồn cung khí đốt tự nhiên hóa lỏng của châu Âu lúc này. Về chính trị, nhiều ý kiến chỉ trích việc mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ Nga cũng giống như mua dầu mỏ, coi đây là hành vi “đổ dầu vào lửa” xung đột tại Ukraine.

Về kinh tế, các nước EU hiện phải thu mua phần lớn khí đốt tự nhiên hóa lỏng trên thị trường giao ngay, với giá cao hơn nhiều so với giá đàm phán theo các thỏa thuận dài hạn. Châu Âu đang thu mua tới 30% lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng giao ngay của thế giới, và tỷ lệ này được dự đoán có thể lên tới hơn 50% trong năm 2023. Chi phí nhập khẩu loại năng lượng này của khối cũng tăng hơn gấp ba lần vào năm 2022, lên khoảng 190 tỷ USD, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA).

Dù những bất ổn trong quan hệ quốc tế đang đè nặng lên nỗ lực tìm lời giải cho bài toán năng lượng, châu Âu vẫn phải ưu tiên việc bảo đảm các giải pháp nguồn cung cho mặt hàng này. Bởi lẽ, đây là không chỉ là nền tảng bảo đảm hoạt động kinh tế vận hành suôn sẻ, mà còn là một trong các trụ cột của an sinh xã hội.

 Hoàng Linh - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới https://hanoimoi.vn/nam-hoc-moi-cac-truong-hoc-o-ha-noi-duoc-thu-cac-khoan-nao-639732.html