Mở cửa đường bay quốc tế - vừa mừng vừa lo

17/09/2020 14:25

Kinhte&Xahoi Văn phòng Chính phủ ngày 15/9 đã ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý phương án nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ có chở khách giữa Việt Nam và một số đối tác theo đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT).

Các hãng hàng không mong muốn sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, quyết liệt từ phía các cơ quan chức năng.

Theo đó, việc đồng ý mở đường bay quốc tế với một số đối tác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc là tín hiệu đáng mừng dành cho ngành hàng không và ngành du lịch. Theo đó, yêu cầu tiên quyết là cần phải có quy trình nhập cảnh, xuất cảnh thống nhất, đồng bộ, an toàn, công bố nhanh chóng cho khách xuất cảnh, khách nhập cảnh biết và tuân thủ. 

Vẫn chưa “mở cửa” với du khách quốc tế

Mới đây nhất, Báo cáo thứ 7 của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cho biết 53% điểm đến trên toàn thế giới hiện bắt đầu nới lỏng các hạn chế đi lại liên quan tới Covid-19. Trong khi có một số điểm đến đã dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh hạn chế thì một số điểm đến khác vẫn tiếp tục đóng cửa hoàn toàn với du lịch.

Ngành du lịch đang có xu hướng khởi động lại dần nhưng phụ thuộc vào các điều kiện vệ sinh và y tế tại các điểm đến. Trong số những nền kinh tế phát triển, 79% điểm đến du lịch đã nới lỏng các lệnh hạn chế. Trong những nền kinh tế đang phát triển, chỉ có 47% các điểm đến nới lỏng hạn chế đi lại.

Nhìn chung, các điểm đến đã và đang nới lỏng các lệnh hạn chế đi lại có mức độ an toàn vệ sinh, điều kiện y tế cao và rất cao, tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 thấp. Ngoài ra, 64% số các điểm đến đã nới lỏng hạn chế có mức độ phụ thuộc cao hoặc trung bình vào hàng không như một loại hình vận tải cho du lịch quốc tế. 

Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili nói rằng: “Sự điều hành phối hợp và tăng cường hợp tác giữa các chính phủ khiến ngành du lịch chững lại nhưng bắt đầu hồi phục ở nhiều nơi trên thế giới. Việc bắt đầu nới lỏng các lệnh hạn chế về đi lại cũng mở ra cánh cửa cho lợi nhuận kinh tế và xã hội của ngành du lịch.

Trong khi chúng ta vẫn phải duy trì sự cảnh giác và thận trọng, chúng tôi vẫn quan ngại về việc những điểm đến duy trì các lệnh hạn chế đi lại, đặc biệt ở những nơi du lịch là ngành xương sống và sự phát triển kinh tế-xã hội đang bị đe dọa”. 

Đây cũng là vấn đề Việt Nam hiện nay đang lo ngại. Do đó, trong phương án được Cục Hàng không Việt Nam xây dựng thì đối tượng được nhập cảnh khi mở lại đường bay quốc tế trước mắt gồm: các nhà ngoại giao, công vụ; công dân Việt Nam có nhu cầu về nước; công dân Việt Nam đi lao động tại các nước, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc; người nước ngoài là chuyên gia, lao động tay nghề cao, nhà đầu tư, nhân viên các dự án trọng điểm.

Với 6 đường bay quốc tế được mở trong tháng 9, dự kiến mỗi tháng có 20.000 người nhập cảnh Việt Nam qua sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất và Cần Thơ. 

Như vậy, khách du lịch quốc tế vẫn chưa được phép nhập cảnh tại thời điểm này. Việc mở rộng sang các đối tượng không nằm trong các nhóm ưu tiên phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo của dịch bệnh. Có ý kiến cho rằng, đây là giai đoạn thử nghiệm trước khi có thể dỡ bỏ toàn bộ các lệnh hạn chế, mở cửa ồ ạt như trước đây.

Chưa có quy trình đồng bộ

Mở cửa quốc tế song hành với nhiệm vụ kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh. Công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn phải được đảm bảo hàng đầu vì sự an toàn sức khỏe của hành khách, tổ bay và cộng đồng. Được biết, các Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), Vietjet Air (VJA) hay Bamboo Airways (BBA) đều mong chờ thời điểm này nhưng cần được làm rõ về các quy trình kiểm dịch và thủ tục cấp thị thực, xuất nhập cảnh hiện nay.

Theo những quy định mới nhất, khách lên máy bay sẽ phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong vòng 5 ngày, khi vào Việt Nam phải cách ly tập trung 5 - 7 ngày. Trong thời gian này, khách sẽ được xét nghiệm PCR 2 lần, nếu âm tính sẽ tiếp tục cách ly tại nhà hoặc doanh nghiệp, đơn vị đủ 14 ngày dưới sự giám sát của địa phương.

Trường hợp khách có dấu hiệu nhiễm sẽ được đưa đi cách ly tập trung. Các chi phí cách ly do người nhập cảnh (gồm cả người Việt Nam và nước ngoài) tự chi trả.

Đáng nói, quy trình cách ly có sự khác nhau giữa các đối tượng. Với người nước ngoài mang hộ chiếu ngoại giao, công vụ và thân nhân, phải có giấy xác nhận RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 của cơ quan y tế có thẩm quyền nước sở tại cấp trong vòng 3 ngày trước khi lên máy bay. Ngay sau khi nhập cảnh tại địa điểm cách ly, họ được xét nghiệm RT-PCR và chuyển tới nhà công vụ của cơ quan đại diện hoặc tại khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định để cách ly.

Còn đối với người nước ngoài là chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động kỹ thuật cao, thân nhân và học sinh, sinh viên quốc tế, thân nhân người nước ngoài của công dân Việt Nam, sau khi cung cấp giấy xác nhận âm tính, được xét nghiệm thì sẽ được cách ly tại nhà máy, trụ sở doanh nghiệp hoặc khách sạn, cơ sở lưu trú.

Với người Việt Nam cũng phải tuân thủ những quy định nêu trên nhưng được cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung do quân đội quản lý hoặc các khách sạn, cơ sở lưu trú theo quy định. Các đối tượng, điều kiện nhập cảnh vào Việt Nam không bao gồm người quá cảnh từ nước thứ ba. 

Đặc biệt, phi hành đoàn và hành khách bay quốc tế sẽ được đo thân nhiệt trước khi lên máy bay và đeo khẩu trang trong suốt hành trình bay, riêng tổ bay sẽ được trang bị thêm bộ đồ bảo hộ y tế toàn thân. Máy bay sau khi hạ cánh tại Việt Nam cũng phun khử trùng tàu bay và cách ly tổ bay để tăng cường hiệu quả phòng, chống dịch.

Với những thông tin sơ bộ như trên, Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT, Cục Hàng không chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao trao đổi, thống nhất với các đối tác ở 6 địa bàn nêu trên về đối tượng nhập cảnh, quy trình nhập cảnh, điều kiện của Việt Nam đối với người muốn nhập cảnh trước khi lên máy bay. Như vậy, quy định cụ thể hơn sẽ được thông báo sau quá trình thảo luận, đàm phán giữa các bên. 

Đại diện Vietnam Airlines bày tỏ mong muốn Chính phủ có một đơn vị đầu mối chủ trì với các bộ, ban, ngành liên quan nhằm thống nhất được bộ quy trình phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp hàng không và hành khách.

Theo đó, quy định, thủ tục cần đơn giản, dễ hiểu, thuận tiện, chi phí hợp lý mà vẫn kiểm soát được khách nhập cảnh không mang mầm bệnh vào cộng đồng. Đây cũng là những mong muốn cấp thiết và thực tế của tất cả hãng hàng không trong thời điểm này, với mục tiêu phục hồi nhanh hơn sau khi mở lại đường bay quốc tế, nhưng vẫn đảm bảo nhiệm vụ kép của đất nước. 

Mặt khác, trách nhiệm của hãng hàng không trong việc đảm bảo an toàn trong mọi thời điểm từ mặt đất đến trên máy bay cũng phải được quy định rõ ràng, công khai với hành khách để họ có sự yên tâm khi đi lại, tránh sự phiền hà khi phát sinh tranh chấp, khiếu nại. 

Đến nay, các hãng hàng không mặc dù đều sẵn sàng nhân lực và phương án khai thác trở lại các đường bay quốc tế, nhưng không quá kỳ vọng vào sự đột phá ở phân khúc khách quốc tế.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng phải thừa nhận: “Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, chúng ta không thể trông chờ việc mở cửa nhanh chóng, vội vàng tăng doanh thu để vực dậy kinh tế. Trước mắt, du lịch và hàng không vẫn cần tập trung kích cầu, phục hồi hoàn toàn du lịch nội địa. Mở cửa bầu trời từ từ, thận trọng sẽ là bước đà, bước thí điểm để cả hàng không và du lịch thực tập, chuẩn bị kỹ hơn cho bước mở tiếp theo, sâu hơn vào thị trường du lịch quốc tế”.

 Diệu Bảo - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

“Bóng đá Việt Nam rồi sẽ như Nhật Bản“

Đó là nhận định của tân GĐKT VFF ông Yusuke Adachi tại lễ công bố và giới thiệu tân Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) LĐBĐVN. Tại buổi lễ, ông đã chia sẻ nhiều điều về lộ trình phát triển của bóng đá Việt Nam.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/mo-cua-duong-bay-quoc-te--vua-mung-vua-lo-d135401.html