Mối liên hệ mật thiết giữa chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đàm phán hạt nhân Triều Tiên

01/04/2019 11:40

Kinhte&Xahoi Nhà báo Carry Huang của SCMP nhận định rằng chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Triều Tiên có mối liên hệ mật thiết tới nhau

Từ trái qua: Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Ảnh: Nikkei)

Thương mại và vũ khí hạt nhân dường như là 2 vấn đề không có liên quan tới nhau vì một bên liên quan tới hợp tác kinh doanh, một bên là địa chính trị.

Tuy nhiên, ông Huang nhận định rằng, hiện thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un dường như đang ở trong một ván cờ 3 bên, trong đó mỗi bên dường như sử dụng một vấn đề để làm “đòn bẩy” cho vấn đề còn lại.

Chính vì vậy, cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới và tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên được cho là có liên quan mật thiết tới nhau, theo ông Huang.

Tổng thống Trump, một chính trị gia từng làm kinh doanh, dường như quan sát mọi vấn đề theo hướng rằng đây là một món hàng hóa và có thể đàm phán để đạt được điều mà ông muốn. Ông nhiều lần ca ngợi, rồi lại đổ lỗi cho Bắc Kinh về sự hỗ trợ cũng như tác động cản trở của nước này với Triều Tiên ngay cả khi đàm phán giải quyết cuộc chiến thương mại vẫn chưa ngã ngũ.

Bắc Kinh cũng không là ngoại lệ khi họ dường như tận dụng mọi cơ hội để gợi nhắc Washington rằng họ có thể ngăn trở mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân Triều Tiên nếu Mỹ và Trung Quốc thất bại trong việc đưa ra một thỏa thuận thương mại.

Theo ông Huang, khi Triều Tiên và Mỹ nối lại liên lạc trực tiếp hồi tháng 3 năm ngoái, Bắc Kinh được cho là quan ngại họ sẽ bị mất đi tầm ảnh hưởng với Bình Nhưỡng. Kể từ đó tới nay, Bắc Kinh đã mời ông Kim sang công du 4 lần, trong đó có 2 chuyến thăm diễn ra ngay trước 2 hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Mỗi lần ông Trump đưa ra quan điểm cứng rắn về thương mại, ông Kim lại được mời sang Trung Quốc. Theo ông Huang, Bắc Kinh muốn gửi thông điệp rằng Mỹ sẽ không thể đàm phán nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc. Giới quan sát đánh giá rằng Bắc Kinh có tầm ảnh hưởng không nhỏ tới Triều Tiên khi họ là đối tác thương mại chính với nền kinh tế bị bao vây và cấm vận trong thời gian qua vì tham vọng tên lửa và hạt nhân.

Chiến lược chủ chốt của ông Trump là dùng lệnh trừng phạt gây nên áp lực tối đa cho Triều Tiên, nhưng trên thực tế chiến lược này lại phụ thuộc vào Trung Quốc vì 90% hoạt động giao thương ra nước ngoài của Triều Tiên đều qua Bắc Kinh.

Sau khi hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều diễn ra ở Hà Nội tháng trước không đạt được kết quả như kỳ vọng và căng thẳng giữa 2 bên có dấu hiệu leo thang trở lại, ông Trump dường như lại tiếp tục hướng đến Trung Quốc để xử lý thế bế tắc.

Điều này dường như lý giải lý do vì sao Đặc phái viên Triều Tiên của Mỹ Stephen Biegun tới Trung Quốc hồi tuần trước. Chuyến thăm của ông Biegun diễn ra vài ngày trước khi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cùng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tới Bắc Kinh để đàm phán. 

Theo ông Huang, vấn đề Triều Tiên mang lại cho Trung Quốc lợi thế trong việc đàm phán với Mỹ. Để có thể giải quyết 2 vấn đề, Mỹ có thể sẽ phải chấp nhận nhượng bộ nhiều hơn.

Theo Dân trí/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Người Thái được gì từ trận thua Việt Nam 4-0?

Thất bại nặng nề 0-4 trong cuộc đối đầu trên sân vận động quốc gia Mỹ Ðình tối 26/3 là kết quả không mong muốn đối với người Thái, nếu không muốn nói quá tồi. Nhưng ở phương diện khác, LÐBÐ Thái Lan (FAT) và nước này vẫn có những lý do khác để vui mừng