Mùa mưa lũ, Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương chưa thi công công trình bảo vệ đê điều

14/09/2021 14:54

Kinhte&Xahoi Nhiều lần bị Sở NNPTNT tỉnh Hải Dương đốc thúc thi công các hạng mục theo giấy phép liên quan đến đê điều. Tuy nhiên đến nay chủ đầu tư vẫn chưa thực hiện.

Trước đó như Pháp luật Plus đã thông tin tại bài viết: "Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương: Hạng mục bãi xỉ xây dựng thi công không GPXD". Bài viết phản ánh, Dự án xây dựng bãi thải xỉ thuộc Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương của Công ty TNHH điện lực JAKS Hải Dương thi công mắc nhiều sai phạm liên quan đến đất đai, xây dựng, bảo vệ môi trường.

Quên thi công các công trình bảo vệ đê điều

Không những vậy theo tìm hiểu của Pháp luật Plus mặc dù nhiều lần được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương đốc thúc xây dựng hệ thống, công trình, kè bảo vệ, kè bảo vệ mái đê...để đảm bảo an toàn đê điều mùa mưa lũ nhưng Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương vẫn tiếp tục phớt lờ. Chậm trễ triển khai xây dựng gây nguy hiểm cho hệ thống đê điều khi mùa mưa lũ đang tới gần.

Cụ thể vào ngày 12/5/2017, UBND tỉnh Hải Dương ban hành quyết định số 1497/QĐ-UBND cho phép xây dựng, hoạt động cảng thủy nội địa và một số hạng mục công trình bảo vệ đê điều thuộc dự án đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương tại xã Phúc Thành và xã Quang Trung, huyện Kinh Môn; Giấy phép hoạt động liên quan đến đề điều số 811/GP UBND ngày 07/3/2019.

Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương mặc dù đã đi vào hoạt động nhưng vẫn chưa xây dựng công trình bảo vệ đê điều.

Trong giấy phép này đã quy định, Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương có trách nhiệm xây dựng các hạng mục bảo vệ bờ sông, nâng cấp hệ thống để điều khu vực Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương do đơn vị làm Chủ tư gồm các hạng mục công trình: Kè bảo vệ bờ sông phía hạ nguồn cảng dầu, kè bảo vệ mái đê phía sông tại các vị trí đấu nối với đê, kẻ bảo vệ bờ sông vị trí tương ứng K23+046-K23+421 đê hữu Kinh Thầy và đắp áp trúc mở rộng, bê tông hóa mặt đê hữu Kinh Thầy.

Các quyết định nêu rõ là vậy, nhưng nhà máy chính thì đã hoàn thành, tố máy 01 đã vận hành thương mại, tổ máy 02 đang trong quá trình thử nghiệm, ước tính dự án đã hoàn thành được 97% nhưng những công trình bảo vệ đề điều trước mùa mưa bão vẫn chưa được đơn vị này thi công theo cam kết.

Để đốc thúc xử lý việc này, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương đã ban hành các văn bản: Công văn số 550/SNN-ĐĐ ngày 10/4/2019, Công văn số 1497/SNN-CCTL-ĐĐ ngày 15/10/2020 và Công văn số 627/SNN-TL ngày 28/4/2021 về việc đôn đốc thi công các hạng mục công trình theo giấy phép hoạt động liên quan đến để điều của Dự án Nhà máy nhiệt điện BOT Hải Dương.

Theo đó, tại văn bản 1446/SNN-TL ngày 1/9/2021, của Sở Nông nghiệp và PTNT Hải Dương. Sau khi kiểm tra Chi cục Thủy lợi tỉnh Hải Dương đã có báo cáo cụ thể, đến thời điểm hiện nay Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương vẫn chưa thực hiện thi công hoàn thiện các hạng mục công trình nói trên theo quy định.

Theo đó, để đảm bảo an toàn hệ thống để điều khu vực trong thời điểm mùa mưa, lũ, bão năm 2021 và các năm tiếp theo, chấp hành các quy định của pháp luật về đề điều, tuân thủ các quy định của UBND tỉnh Hải Dương, Sở Nông nghiệp và PTNT yêu cầu Công ty TNHH Điện lực Jaks Hải Dương chấp hành nghiêm và khẩn trương thi công hoàn thiện các hạng mục công trình bảo vệ bờ sông, nâng cấp hệ thống để điều theo đúng các quyết định, giấy phép của UBND tỉnh.

Xây dựng công trình không phép

Như Pháp luật Plus đã phản ánh, dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương do Công ty TNHH điện lực JAKS Hải Dương là đại diện chủ đầu tư. Dự án được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương ngày 17/9/2018, Bộ Công Thương ký Hợp đồng Xây dựng - Kinh doanh chuyển giao ngày 28/6/2011 (sửa đổi lần thứ 05 ngày 15/11/2017), được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2011 (điều chỉnh lần thứ 3 ngày 25/11/2019), địa điểm thực hiện dự án thuộc địa giới hành chính 2 xã Quang Thành và Lê Ninh, thị xã Kinh Môn, công suất phát điện 1.200MW.

Theo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng (lần 2) số 2735/QĐ-UBND, ngày 03/8/2018, của UBND tỉnh Hải Dương: Dự án có tổng diện tích 1932011,8m2, trong đó khu nhà máy chính 854,2182m2, khu nhà ở và dịch vụ 82306,0m2, khu công 187.933,6m2, diện tích đường, hành lang đường điện và chân cột điện 60,424m2, khu bãi thải xỉ 747.130m2.

Tiến độ cam kết phải vận hành thương mại tổ máy 1 từ ngày 01/12/2020, vận hành thương mại toàn bộ nhà máy từ ngày 01/6/2021. Hiện nhà máy chính đã hoàn thành, tổ máy 1 đã vận hành thương mại, tổ máy 2 đang trong quá trình thử nghiệm, ước tính dự án đã hoàn thành được 97%.

Hiện nay, Công ty TNHH điện lực JAKS Hải Dương đã sử dụng toàn bộ diện tích theo Dự án nhưng tại khu vực bãi thải xỉ đang có một số vướng mắc, vi phạm.

Ống khói chính của Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương chỉ cách các khu dân cư ở phường Đồng Lạc (Chí Linh) khoảng 1 km. Ảnh Báo Hải Dương.

Cụ thể, toàn bộ diện tích quy hoạch bãi thải xỉ chưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn điều chỉnh ra khỏi hành lang thoát lũ khu vực nên đến nay chưa có giấy phép xây dựng.

Ngoài ra dự án này còn 158.124 m2 chủ yếu là đất rừng phòng hộ (157.305m2), Sở Tài nguyên và Môi trường chưa đủ cơ sở pháp lý để tham mưu UBND tỉnh quyết định thu hồi đất, cấp GCNQSD đất và bàn giao đất trên thực địa, vì: Tuy HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số 18/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018, UBND tỉnh có Quyết định số 651/QĐ-UBND ngày 26/02/2019, điều chỉnh giảm diện tích rừng phòng hộ 17,75ha tại 02 xã Lê Ninh, Phúc Thành (nay là xã Quang Thành), giảm 4,47ha rừng sản xuất tại xã Phúc Thành để thực hiện Dự án Nhà máy Nhiệt điện BOT Hải Dương, chủ đầu tư đã nộp số tiền trồng rừng thay thế 1.813.274.000 đồng theo Quyết định số 996/QĐ-UBND ngày 263/2019, của UBND tỉnh, nhưng theo Nghị quyết số 87/NQ-CP ngày 7/10/2019, của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) trên địa bàn tỉnh Hải Dương thì Hải Dương phải giữ nguyên diện tích đất rừng phòng hộ. Về vấn đề này hiện nay tỉnh Hải Dương vẫn chưa có giải pháp cụ thể.

Cũng theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, do sức ép tiến độ phải vận hành thương mại tổ máy 1 từ ngày 1/122020, vận hành thương mại nhà máy từ ngày 1/6/2021 nên chủ đầu tư và nhà thầu, đơn vị thi công đã nóng vội, dẫn đến có nhiều tồn tại, vi phạm trong quá trình thi công.

Lớp bụi trắng bốc lên từ bãi thải xỉ của nhà máy. Ảnh ghi lại năm 2020, tác giả Hoàng Giang

Cụ thể, việc thi công bãi thải xỉ trên cả phần diện tích khoảng 530m2 chưa hoàn thiện thủ tục về đất, chưa được Sở Tài nguyên và Môi trường bàn giao đất trên thực địa, quá trình thi công bãi thải xỉ đã làm mất các mốc ranh giới được bàn giao, có dấu hiệu của việc diện tích thực tế thi công bãi thải xỉ đã vượt ra khỏi ranh giới quy hoạch được duyệt; một phần do địa hình phức tạp nên có vị trí thi công vượt cao độ được phép.

Đặc biệt, trong quá trình thi công, chủ đầu tư và đơn vị thi công là Công ty Cổ phần Đông Hải 27-7 có thời điểm không chấp hành đúng các yêu cầu của chính quyền địa phương khi thi công mà chưa được bàn giao mặt bằng, Trạm Quản lý rừng Kinh Môn đã có một số biên bản kiểm tra, yêu cầu đơn vị thi công dừng san gạt đất (Biên bản các ngày 15/1/2019, 15/1/2020) nhưng sau đó khu vực vẫn tiếp tục được thi công.

UBND thị xã Kinh Môn có một số Công văn yêu cầu Công ty TNHH điện lực JAKS Hải Dương dừng ngay việc san gạt, hạ thấp độ cao, vận chuyển đất ra ngoài (Công văn số 776/UBND-TNMT ngày 12/11/2020, số 843/UBND-TNMT ngày 10/12/2020) nhưng Công ty TNHH diện lực JAKS Hải Dương không chấp hành.

Tiếp đó, ngày 7/5/2021, UBND thị xã Kinh Môn có Công văn số 294/UBND-VP chỉ đạo kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm (nếu có), đoàn kiểm tra của thị xã đã kiểm tra hiện trạng ngày 18/5/2021 nhưng chủ đầu tư và đơn vị thi công không hợp tác nên đến nay chưa có kết quả.

Pháp luật Plus sẽ tiếp tục thông tin.

 Hải Đăng - Pháp luật Plus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sân vận động Mỹ Đình đã được lắp đặt VAR

Ngày 5/9, hệ thống video hỗ trợ trọng tài (VAR) đã được các chuyên gia của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) và bộ phận kỹ thuật truyền hình lắp đặt xong tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội).

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/bat-dong-san/mua-mua-lu-du-an-nha-may-nhiet-dien-bot-hai-duong-chua-thi-cong-cong-trinh-bao-ve-de-dieu-d166238.html