Ngày 8/3 đặc biệt của nữ thạc sĩ bỏ phố về quê trồng rau

08/03/2022 09:36

Kinhte&Xahoi Chị Nguyễn Thị Duyên (SN 1983) lấy bằng thạc sĩ nông nghiệp tại Úc, từng có công việc ổn định, đầy hứa hẹn thăng tiến song chị và người chồng có bằng tiến sĩ quyết định nghỉ việc để theo đuổi đam mê làm nông nghiệp sạch.

Cất phấn son đi và cầm cuốc lên...

 Tròn 40 tuổi, chị Nguyễn Thị Duyên trước đây chưa từng nghĩ có một ngày bỏ công việc ổn định tại cơ quan Nhà nước để bắt đầu một giấc mơ phiêu lưu là sản xuất rau hữu cơ. Tuy nhiên, niềm đam mê với rau sạch cùng với sự động viên của người chồng chung chí hướng là anh Nguyễn Đức Chinh (SN 1982) đã khiến chị đi đến quyết định. Quyết định đó cũng khiến chính chị bật cười khi nhắc tới: “Cất phấn son đi và cầm cuốc lên!”.

Chị Nguyễn Thị Duyên rời bỏ công việc ổn định để cùng chồng theo đuổi giấc mơ làm nông nghiệp sạch

Chị Duyên kể rằng, cuộc đời của chị cũng từng trải qua lắm truân chuyên, sóng gió. Gần 20 năm trước, nông dân phía Bắc hầu như chưa có ý niệm về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, vì thế, chị không tìm được công việc phù hợp sau khi tốt nghiệp đại học. Chị Duyên từng có thời điểm phải vào tận Tiền Giang để thử sức song cũng không đi đến đâu. Nản lòng, chị trở về Bắc và thi vào một viện nghiên cứu về nông nghiệp, nơi chị đã gặp anh Nguyễn Đức Chinh.

Thời điểm ấy, công tác tại một viện nghiên cứu lớn, cả chị Duyên và anh Chinh đều yên tâm rằng họ sẽ gắn cuộc đời mình với sự nghiệp nghiên cứu, học thuật. Chị Duyên tiếp tục sự học và lấy bằng thạc sĩ tại Úc, trong khi anh Chinh còn đi xa hơn, trở thành tiến sĩ trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, mối lương duyên với nông nghiệp hữu cơ chưa bao giờ cạn trong lòng cả hai vợ chồng.

Vợ chồng chị Duyên đã trải qua nhiều thất bại trước khi thu được những thành quả đầu tiên từ trang trại rau hữu cơ

Chị Duyên kể, sau nhiều năm ngủ quên, ngọn lửa tình yêu với nông nghiệp sạch được anh Chinh nhen nhóm trở lại sau một dự án quốc tế về rau hữu cơ. Đến năm 2019, hai vợ chồng chị Duyên “quyết tâm làm một cái gì đó”. Họ lang thang nhiều ngày ở các vùng ngoại ô Hà Nội. Một ngày, họ tìm thấy vùng đất bỏ hoang, cỏ mọc ngút đầu ở bãi sông Đáy thuộc xã Hiệp Thuận, huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Xác định đây là vùng đất đẹp, thuận lợi cho cây trồng phát triển, cả hai liên hệ thuê lại trước sự tò mò của người dân xung quanh. Đó là sự khởi đầu cho trang trại rau hữu cơ của người chồng tiến sĩ và người vợ thạc sĩ.

Mầm xanh nảy nở từ những giọt mồ hôi

 Năm 2020, sau khi làm trang trại được 8 tháng, chị Duyên nhận thấy nếu tiếp tục kéo dài tình trạng “chân trong chân ngoài” thì không thể hiệu quả. Chị quyết định nộp đơn xin nghỉ việc.

Vì ít vốn nên ban đầu họ chỉ thuê được 4 công nhân. Đất làm không hết, cỏ mọc nhanh hơn rau. Suốt 1 năm đầu, tháng nào họ cũng lỗ. Nhân công nhìn ruộng rau bị sâu bọ tấn công sốt ruột mách ông chủ “dùng cách này cách kia” nhưng cả nhóm vẫn kiên quyết với lý tưởng làm nông nghiệp sạch.

Các sản phẩm từ trang trại của cặp vợ chồng tiến sĩ - thạc sĩ được thị trường đón nhận

Chị Duyên kể, mẻ rau đầu tiên do thời tiết nắng nóng, nước tưới chưa ổn định nên đa số bị xấu, già và dai. Nhìn vẻ bên ngoài không được tươi ngon, một số khách hàng đã gọi điện kêu trời bày tỏ sự thất vọng. Một số khác vốn đã quen ăn các loại rau thông thường, không quen với kiểu rau của trang trại nên cũng phàn nàn. Là người trực tiếp kết nối với khách hàng, chị Duyên áp lực tới phát khóc. Chị chỉ biết nhờ khách hủy rau giúp mình và hoàn lại tiền cho họ.

Người phụ nữ kiên cường tâm sự: “Đúng là lý thuyết khác rất nhiều so với kiến thức sách vở. Sau khi vấp phải những thất bại đầu tiên, vợ chồng tôi dần rút kinh nghiệm. Đối với những luống rau “khó tính”, chúng tôi dùng lưới để che phòng tránh sâu bọ khi cây còn non, sau đó, dùng các vi sinh vật bản địa ngâm với các chế phẩm hữu cơ để tạo thành nguồn đạm bón cho rau.

Vợ chồng chị Duyên tự trồng đậu tượng, mua trứng… lên men để tưới cho cây. Giai đoạn cây trưởng thành, họ cùng nhân công bắt từng con sâu… “Chúng tôi tốn nhiều thời gian để xử lý sâu bệnh và cỏ. Tuy nhiên, rau sau đó đủ nắng đủ gió, tích được đủ dinh dưỡng thì ngọt và ngon hơn hẳn rau bán ngoài chợ”, chị Duyên hồ hởi nói.

Khó khăn còn chưa qua, dịch bệnh lại ập tới. Tháng 6/2021, cả xã Hiệp Thuận phải phong tỏa vì có F0. Tháng 7/2021, Hà Nội giãn cách xã hội. Cả gia đình anh Chinh quyết định di cư xuống căn nhà container rộng 9m2 ở trang trại để tiện cho việc chăm sóc, thu hoạch rau quả. Thời tiết nóng nực, lại thiếu hụt nhân công vì cả xã phong tỏa, vợ chồng tiến sĩ phải đội nắng xuyên trưa cắt bầu, bí, nhổ rau chở ra chốt kiểm dịch nhờ bạn bè đem về nhà đóng gói rồi chuyển đến cho khách.

Bó hoa giản dị và tươi đẹp chị Duyên được nhận trong ngày 8/3

Khi Hà Nội hết giãn cách, trang trại lại đối diện với thách thức về thời tiết. Suốt 1,5 tháng trời, mưa lụt triền miên. Dù đất của trang trại pha cát nhưng cũng không kịp thoát hết nước. Các loại rau cứ lần lượt ngập úng, hết đợt này đến đợt khác. Nhìn đồng ruộng trắng băng, các loại giống đắt đỏ thối hỏng, chị Duyên buốt ruột đến ứa nước mắt.

Trải qua những gian truân ấy, vườn rau của vợ chồng chị Duyên càng lúc càng xanh tươi, ngon ngọt. Hiện tại, họ đã có tập hợp khách hàng thân thiết, đồng thời, mỗi ngày lại thêm nhiều người tín nhiệm sản phẩm rau hữu cơ của cặp vợ chồng tiến sĩ - thạc sĩ.

Đón ngày Quốc tế Phụ nữ trên trang trại rau sạch, không có mít-tinh, không có diễn văn chào mừng, chỉ có bó hoa cải nở trắng lóa trên đôi bàn tay chai sần vì nắng gió và cày cuốc, chị Duyên cười lớn: “Hoa nở trên đá là có thật, các đấng mày râu ạ!”.

 Vũ Cường - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Tuyển chọn tình nguyện viên phục vụ SEA Games 31: Nỗ lực vì một kỳ đại hội thành công

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) sẽ diễn ra vào tháng 5-2022 tại Việt Nam. Để tổ chức thành công kỳ đại hội thể thao lớn nhất khu vực, lực lượng tình nguyện viên là một trong những yếu tố rất quan trọng. Ban tổ chức nước chủ nhà đang tích cực chuẩn bị, nỗ lực vì một kỳ đại hội thành công.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/ngay-83-dac-biet-cua-nu-thac-si-bo-pho-ve-que-trong-rau-191332.html