Nghề báo - nghề cần lắm lửa đam mê!

19/06/2019 15:58

Kinhte&Xahoi Nghề báo - thật khó để có thể nói hết đặc thù công việc trong một bài viết. Nhưng có lẽ chỉ cần nhắc tới thôi, người ta đã mường tượng ra đó là một con đường không được trải bằng những đóa hồng. Đó là cả một sự phấn đấu bằng trí tuệ, bằng cả sức mạnh thể chất lẫn tinh thần, thậm chí cả máu và nước mắt…

Nhà báo - họ là ai?

Nhà báo là người làm nhiệm vụ đưa thông tin đến với công chúng hàng ngày, hàng giờ. Những thông tin đó được thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau, qua các bài viết có kèm hình ảnh trên báo giấy, báo điện tử, qua các video clip trên truyền hình, hoặc các bài nói trên truyền thanh… 

Những vai trò của họ trong một tòa soạn cũng đa dạng, như phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên, thư ký tòa soạn, Tổng Biên tập, các trưởng ban nghiệp vụ… Do đi nhiều, tìm hiểu nhiều thông tin sau từng sự việc, nhà báo thường có vốn kiến thức phong phú, có mối quan hệ rộng và đa dạng.

Nhà báo - khi đến một cơ quan, tổ chức tìm hiểu thông tin về một vụ việc, họ đóng vai trò gần giống với một người đang thi hành công vụ. Nhà báo - khi họ đang theo dõi, điều tra, ghi hình… một hoạt động tiêu cực của một tổ chức, cá nhân nào đó, họ đang làm việc như một thám tử, điều tra viên. Nhà báo - khi họ đang nhâm nhi tách café trong đêm vắng, bên chiếc laptop thân quen, viết lên một câu chuyện hay gửi gắm bạn đọc, họ sẽ có tâm hồn của một nghệ sĩ. Thậm chí, khi nhà báo tìm cách tham gia vào một đường dây buôn lậu để đưa một phóng sự, họ sẵn sàng là một “tay anh chị”… Có thể nói, công việc cần họ là gì, họ sẽ là cái đó.

Nghề báo, nghề vinh quang

Báo chí Việt Nam hiện nay là phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu đối với đời sống, là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước và các tổ chức xã hội, là diễn đàn của nhân dân. Ngày nay, từ góc nhìn hiện đại, các loại hình báo chí được coi là lĩnh vực chủ chốt của truyền thông đại chúng.

Không có vinh quang và hạnh phúc nào bằng đối với người làm báo khi họ làm được một việc tốt, một việc có ý nghĩa qua bài báo của mình. Khi họ mang đến niềm tin cho một cuộc đời bất hạnh, tìm được công lý cho một người oan khuất, tạo ra một sự thay đổi có ích trong một lĩnh vực nào đó hay đơn thuần chỉ là làm lóe lên một chút cảm xúc nhân văn, giúp cho ai đó đọc được bớt đi một chút u ám, thêm vào một chút lạc quan về cuộc sống… đó là sứ mệnh cao cả của người làm báo.

Nghề báo vất vả, hiểm nguy, muốn thành công, cần lắm lửa đam mê

Người làm báo sẽ làm việc dưới sức ép căng thẳng của công việc và thời gian, đặc biệt là những phóng viên. Họ phải đi nhiều, làm bạn với gió sương, thời gian cũng khó mà ổn định, phải liên tục chạy theo các sự kiện mới.

Nếu ở báo in, người làm báo hoạt động tương đối độc lập thì ở lĩnh vực truyền hình và phát thanh, họ làm việc theo đội nhóm nhiều hơn, gồm phóng viên, quay phim, biên tập viên, bình luận viên, thiết kế hình ảnh, âm thanh…

Trong một số trường hợp, nghề báo khá nguy hiểm, đặc biệt với những phóng viên thuộc mảng điều tra kinh tế, tệ nạn xã hội, điều tra chính trị, phóng viên chiến trường… Với tính chất nghề nghiệp của mình, nhà báo không ít lần gặp phải những cản trở trong quá trình tác nghiệp như: Không cung cấp thông tin, thu giữ phương tiện tác nghiệp, cố tình làm hư hỏng phương tiện tác nghiệp, giữ người, vu khống, tấn công, đe dọa đến người thân, gia đình…

Ngoài ra, có một tính nguy hiểm của nghề báo đó là sự bẻ cong ngòi bút đối với một số nhà báo chạy theo cơ chế thị trường, sự cám dỗ của đồng tiền đã khiến một số nhà báo gục ngã. Chính vì vậy, bản lĩnh tác nghiệp, bản lĩnh trong việc cầm bút luôn luôn quan trọng với người làm báo.

Cơ hội việc làm trong ngành báo chí ở Việt Nam

Học ngành báo chí sẽ trang bị cho bạn những kiến thức về quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, những kiến thức cơ bản về chính trị, văn hóa, xã hội, kỹ năng phân tích, bình luận tình hình thời sự. Song song đó là nghiệp vụ như viết bài, phỏng vấn (dưới danh nghĩa là nhà báo hoặc không), biên tập chương trình, chụp ảnh, quay phim, ghi âm, điều tra…

Đây là nghề luôn tiếp thu cái mới, sáng tạo và đổi mới liên tục theo nhu cầu và phù hợp với sự phát triển của xã hội, vậy nên có sự đào thải rất nhanh, đòi hỏi người làm báo phải tự học hỏi, trau dồi thêm kiến thức thời sự, xã hội, chuyên môn để nâng cao trình độ và kỹ năng tác nghiệp.

Với chuyên môn báo chí, ngoài việc công tác ở các tòa soạn báo, bạn còn có thể làm việc tại các phòng Thông tin của các cơ quan, các Bộ, ban, ngành hoặc các tổ chức chính trị - xã hội và làm việc tại các công ty truyền thông… Tóm lại, cơ hội việc làm trong ngành báo chí rất rộng mở.

Những phẩm chất và kỹ năng cần thiết của một nhà báo

- Khả năng phát hiện thông tin, nhanh nhạy trong tiếp nhận và xử lý thông tin

- Khả năng lĩnh hội và sử dụng ngôn từ, biết cách chọn lọc thông tin và khiến nó trở Nên sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu và cần thiết với công chúng

- Sức khỏe tốt, ưa vận động, nhanh nhẹn, không ngại đi nhiều, đi xa

- Khả năng giao tiếp và tạo dựng mối quan hệ

- Với truyền hình hay phát thanh, có một số yêu cầu đặc thù về chất giọng và ngoại hình

- Trung thực, yêu nghề, khách quan, nhạy cảm, có lập trường tư tưởng vững vàng, phẩm chất chính trị trong sáng

- Có lửa đam mê, không ngừng học hỏi để nâng cao vốn kiến thức

Nghề báo – đúng là một nghề không phải là hoa hồng, cũng không phải được thảm đỏ, đó là cả một sự phấn đấu bằng trí tuệ, bằng cả sức mạnh thể chất lẫn tinh thần, thậm chí cả máu và nước mắt…

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Công Phượng thử việc tại CLB nào?

Không phải là Paris FC, Công Phượng sẽ tới đội bóng có rất nhiều điều đặc biệt tại Pháp để thử việc. Đó là CLB Clermont Foot, hiện đang chơi tại Ligue 2.

Nguồn: Hoà Nhập