Nhà báo Hàn Quốc: Chúng tôi xấu hổ vì vụ cô dâu Việt bị bạo hành

12/07/2019 14:33

Kinhte&Xahoi Viết riêng cho Dân trí, nhà báo Hàn Quốc Lee Sang-ki cho biết hầu hết người dân nước này đều cảm thấy đau lòng và xấu hổ về vụ một người chồng Hàn Quốc đánh đập dã man người vợ Việt.

Ông Lee Sang-ki, người sáng lập Hiệp hội nhà báo châu Á (AJA) và hiện là phó chủ tịch AJA, đã chia sẻ với Dân trí những suy nghĩ của ông trong vụ việc cô dâu Việt bị người chồng bạo hành, vốn gây xôn xao xã hội Hàn Quốc những ngày qua.

Người đàn ông bạo hành cô dâu Việt Nam xuất hiện tại tòa án ở Mokpo ngày 8/7. (Ảnh: Yonhap)

Một vụ việc cho thấy mặt tối của Hàn Quốc đã xảy ra gần đây và hầu hết các tờ báo đã đưa tin về vụ việc gây chấn động này. Cảnh sát ngày 7/7 đã bắt giữ một người đàn ông Hàn Quốc 36 tuổi vì đã đánh đập thậm tệ người vợ Việt 30 tuổi. Anh này còn hét lớn vào đứa con 2 tuổi họ khi đứa bé gào khóc trong lúc chứng kiến cảnh bạo lực.

Người vợ đã bị chẩn đoán bị gẫy xương sườn và các vết thương khác, và dự kiến phải mất hơn 4 tuần mới có thể bình phục hoàn toàn. Hiện cô đang được điều trại tại bệnh viện và đứa trẻ đang được bảo vệ tại các trung tâm chăm sóc trẻ em.

Một cuộc điều tra đang được tiến hành đối với các hành vi của người chồng. Kết quả điều tra sơ bộ của cảnh sát cho thấy người chồng đã dùng bạo lực sau khi uống rượu vì người vợ “không nói tốt tiếng Hàn”.

Thật sự xấu hổ khi những vụ việc như thế này lại xảy ra. Tại Hàn Quốc, nơi đặt mục tiêu trở thành một quốc gia đa văn hóa, chúng tôi hổ thẹn khi điều này lại xảy ra một lần nữa, và chúng tôi xin lỗi các nạn nhân, người dân và đất nước của họ. Người Hàn Quốc phần lớn đều cảm thấy xấu hổ về vụ việc.

Một phụ nữ Việt rời quê hương để xây dựng một cuộc sống mới, một gia đình mới tại một đất nước xa lạ có quyền được hưởng hạnh phúc. Và cộng đồng Hàn Quốc, người chồng cũng như gia đình anh ta phải có trách nhiệm bảo vệ người phụ nữ này. Nhưng thực tế lại ngược lại, anh ta đã dùng bạo lực nhằm vào vợ, thay vì bảo vệ cô.

Tôi cho rằng người chồng nói trên và xã hội Hàn Quốc đều chịu trách nhiệm về vụ việc. Trước tiên, cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế, xã hội Hàn Quốc đã đánh mất nhiều giá trị truyền thống như sự kiên nhẫn, chờ đợi và suy xét. Các cá nhân lao vào các cuộc chạy đua mà hầu như quên mất các giá trị truyền thống. Người chồng Hàn Quốc nói trên có thể nghĩ rằng anh ta thất bại trong cuộc đua này. Khi không vượt qua được cảm giác tự ti như vậy, anh ta dùng tới bạo lực nhằm vào người vợ Việt, người ở trong tình huống khó khăn hơn nhiều và cần được bảo vệ hơn chính anh ta.

Tôi cho rằng vụ việc này là một tiếng chuông cảnh tỉnh. Nó có thể tái diễn trong tương lai, nhưng tôi tin mật độ sẽ giảm đi nhiều. Tôi cũng tin rằng các gia đình Việt - Hàn sẽ rút ra được những bài học quan trọng khi xử lý các vấn đề từ vụ việc.

Tôi cầu mong sự tha thứ của người dân Việt Nam đối với vụ việc đau lòng này và mong rằng các ác cảm về vụ việc sẽ nhanh chóng biến mất. Người Hàn Quốc có một câu nói mà tôi rất thích và tôi muốn trích ra đây: “Sau cơn mưa, trời lại sáng”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Cơn sốt bóng đá tại Phú Thọ

Câu chuyện xây nhà từ nền móng của bóng đá Phú Thọ, địa phương gần như còn hoàn toàn xa lạ với người hâm mộ.

Từ chuyện Văn Thanh - Giữ gìn hình ảnh cũng phải học

Nhắc đến cầu thủ Văn Thanh, nhiều người hâm mộ Việt Nam hẳn chưa quên cái dáng đứng hiên ngang của cầu thủ sau khi ghi bàn quyết định ở loạt sút luân lưu cuối cùng, đưa U23 Việt Nam vượt qua U23 Qatar vào chung kết giải U23 châu Á năm 2018.

Nguồn: Dân Trí/ Pháp luật Plus