Nhiều bất cập trong việc dạy và học online

14/09/2021 15:25

Kinhte&Xahoi Học sinh trên khắp cả nước đã bước vào năm học mới được hơn 1 tuần, chủ yếu là học bằng phương pháp giảng dạy trực tuyến tại nhà. Học sinh học ở nhà đồng nghĩa với việc bố mẹ phải bận bịu thêm nhiều thứ, từ việc ăn, ngủ rồi đến cả việc chơi với các con, đồng hành cùng con trong những giờ học online.

Học trực tuyến là giải pháp tình thế

 Dù việc học online được triển khai rộng rãi từ đợt giãn cách xã hội năm 2020 nhưng cho đến tận bây giờ, hiệu quả của nó vẫn còn là một vấn đề cần bàn luận thêm.

Một buổi học trực tuyến của bé Thùy Trang (trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Ba Đình, Hà Nội) khá vất vả. Là học sinh lớp 1 nên em chưa thể sử dụng máy tính, việc tiếp thu kiến thức hoàn toàn phải nhờ chị là học sinh lớp 7. Có anh chị hướng dẫn, kèm cặp như bé Trang là điều đáng mừng vì nhiều học sinh lớp 1 không có anh chị nên việc học là một thách thức không nhỏ.

Học sinh lớp 1 chưa có nền tảng về công nghệ là hạn chế rất lớn trong việc giảng dạy trực tuyến

Qua kiểm tra, học sinh khối lớp 1, 2 chưa được học căn bản, chưa có nền tảng về công nghệ thông tin, nhiều nguy cơ chập cháy điện khi các cháu sử dụng máy mà không có sự giám sát của người lớn. Mới đây là vụ việc đau lòng của bé trai 10 tuổi (học sinh lớp 5 trường Tiểu học Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội) tử vong vì điện giật tại nhà khi học online.

Một phụ huynh có con học cấp 2 ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) tỏ ra lo lắng dù con đã biết sử dụng thiết bị học trực tuyến: "Con nhà tôi học cấp 2, đã biết cách mở máy tính để vào học nhưng khi cháu học vẫn cần người bên cạnh nhắc nhở. Nếu không có bố mẹ bên cạnh là không tập trung, thậm chí nhiều lúc cháu ngồi trước màn hình như kiểu đối phó”.

Ngoài các vấn đề trên, ở các địa phương khác nhau như khu vực đô thị, nông thôn, miền núi lại có những khó khăn rất khó để khắc phục. Ở các vùng ngoại thành một số thành phố lớn, tỷ lệ học sinh không có đủ thiết bị chiếm 20 - 30%.

PGS.TS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam bày tỏ: “Nhiều nhà trường còn cứng nhắc khi thực hiện hình thức dạy và học online. Có thể kể đến một số hiện tượng như: Nhà trường bê nguyên thời khóa biểu dạy học trực tiếp sang thời khóa biểu dạy học online dẫn đến việc học sinh khá mệt mỏi. Khi áp dụng hình thức dạy học online, chúng ta lại không biến chuyển nội dung và cách thức giảng dạy. Nhiều giáo viên bê nguyên giáo án Word trình chiếu cho học sinh hoặc giảng Power Point như đang giao tiếp trên lớp.

Trả lời cho câu hỏi học online có hiệu quả hay không, chúng ta phải có chương trình dạy học phân hóa, có nghĩa là giáo viên phải khai thác thực sự cái thế mạnh của dạy học trực tuyến. Đó là một không gian mà trên đó có rất nhiều tư liệu, cho phép người dạy và người học có thể học theo năng lực và tiến độ của mình, bao gồm cả hoàn cảnh thời gian phù hợp.

Chúng tôi hiểu rằng, các nhà trường đang rất cố gắng để duy trì nền nếp học tập cho học sinh nhưng chúng ta cũng nên khơi gợi, duy trì niềm hứng thú để học sinh có thể tự chủ và tự học”.

Khó khăn, thử thách của việc học trực tuyến khiến học sinh càng phải cố gắng hơn

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc học trực tuyến chưa thật sự hiệu quả, thậm chí còn gây ra nhiều áp lực đối với thầy cô giáo, học sinh và phụ huynh. Nguyên nhân không phải do một cá nhân đơn lẻ bởi chỉ riêng kiến thức học qua trực tuyến đã mang lại rất nhiều hạn chế. Trong đó, hạn chế nhất phải kể đến cô và trò không thể tương tác trực tiếp với nhau, không có nhiều thời gian dành cho nhau. Tuy nhiên, cũng chính từ những khó khăn, thử thách đó, chúng ta càng phải cố gắng hơn nữa, có những cách sáng tạo sao cho phù hợp với tình hình thực tế của dịch bệnh.

Học online là giải pháp tối ưu khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, sự chủ động thích ứng của các nhà trường, giáo viên sẽ biến những mệt mỏi, nhược điểm của việc học qua những chiếc máy tính trở nên vui vẻ và hào hứng.

Những tình huống dở khóc, dở cười…

Cách đây ít lâu, trên mạng xã hội lan truyền đoạn video của một cô học trò xin lỗi cô giáo vì đã bật camera và mic để giới thiệu sản phẩm. Trong lời xin lỗi đó đã được thêm vào những đoạn giới thiệu sản phẩm mà bạn ấy bán và nói với mọi người muốn mua hãy comment số điện thoại ở khung Zoom chat để chốt đơn. Có lẽ video đó đã lấy đi tiếng cười của tất cả người xem.

Trong quá trình học có không ít đoạn xin phép như sau: “Cô ơi, cho em xin phép nghỉ sớm để đi nấu cơm trưa ạ!”, “Thầy ơi, trời mưa rồi thầy cho em đi hốt lúa nha thầy!”… Sự trẻ con của "lũ quỷ nhỏ" thể hiện ngay cả việc vừa học vừa nhai nhồm nhoàm đồ ăn sáng hoặc kẹo bánh.

Trên lớp học trực tuyến này cũng có cả những tình huống tấu hài từ người lớn khiến cô giáo không biết nên cười hay mếu. Chẳng hạn như câu chuyện được cô giáo chia sẻ mới đây trên một hội nhóm dành cho giáo viên. Trong buổi học online, học sinh thì mở mic, bố học sinh "thò đầu" vào rồi hỏi: Cô giáo mày à, béo nhỉ? Câu nói đó đã khiến giáo viên "đứng hình". Lại có những chuyện ở trước màn hình máy tính, phụ huynh chê con là tiếp thu chậm rồi “giảng bài” cho con to hơn cả cô giáo

Cô Ngọc Anh, Phó Hiệu trưởng phụ trách trường Tiểu học Thủ Lệ (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, điều khó khăn nhất khi dạy học online là duy trì nền nếp lớp học. Với học sinh lớp 1, lớp 2, giáo viên cũng chật vật vì không thể kèm trực tiếp từng em. Do quen được nuông chiều nên khi lên lớp, trẻ thường xuyên mất tập trung hoặc làm việc riêng. Giống những câu chuyện được các phụ huynh chia sẻ lên mạng, học sinh của cô thường nói chuyện, tố cáo nhau khi đang học. Thậm chí, nhiều em rủ bạn xem phim hoạt hình khi cô giáo đang giảng bài.

Cô Ngọc Anh nhận xét, dạy học online giúp đảm bảo an toàn cho học sinh trong mùa dịch nhưng khó đảm bảo hoàn toàn chất lượng dạy và học, nhất là với cấp tiểu học. "Dạy online bất tiện ở chỗ học sinh hỏi một câu thì cô giáo phải trả lời 10 câu, rất mất thời gian. Lớp có hơn 40 học sinh cũng ồn ào và khó kiểm soát", cô giáo trẻ nói.

Dạy và học trong điều kiện dịch bệnh, những giáo viên như cô Ngọc Anh phải nhắc nhở cha mẹ kèm thêm cho con ở nhà. Nhiều phụ huynh thông cảm, phối hợp cùng giáo viên để giúp con học tập, vượt qua mùa dịch.

Cô Ngọc Anh cùng nhiều giáo viên khác hy vọng tình hình dịch bệnh tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung sẽ sớm được cải thiện để giáo viên, học sinh tiếp tục đến trường.

 Khánh Vy - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Sân vận động Mỹ Đình đã được lắp đặt VAR

Ngày 5/9, hệ thống video hỗ trợ trọng tài (VAR) đã được các chuyên gia của Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) và bộ phận kỹ thuật truyền hình lắp đặt xong tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội).

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nhieu-bat-cap-trong-viec-day-va-hoc-online-177312.html