Nhớ tết Trung thu

26/09/2020 17:42

Kinhte&Xahoi Ngày Tết Trung thu đã có từ thuở xa xưa lắm, từ trong câu chuyện mà ngoại vẫn thường kể cho chúng tôi những ngày còn bé.

(Hình minh họa)

Ngày đó, lũ chúng tôi được biết về chị Hằng Nga xinh đẹp dịu hiền như cô tiên, biết về chú Cuội ham chơi để trâu ăn lúa, biết về tiếng trống “thùng thình” vui tai mà thằng bé nào nghe phải cũng thấy rạo rực nhảy nhót không yên.

Rồi cả thế giới trò chơi náo nhiệt như: ô ăn quan, kéo co, đánh quay, cướp cờ, nhảy dây, đánh khăng, cà kheo, ném còn...Và cái mà lũ trẻ như chúng tôi chờ đợi nhất đó là khi phá cỗ trung thu, kẹo bánh được nhét căng cả các túi áo quần với cái mồm cũng đang nhộm nhoạm căng phồng đầy kẹo.

Năm tháng qua đi cùng với những mùa trăng mới, lũ trẻ chúng tôi ngày ấy giờ đây đành phải nhường chỗ cho lũ trẻ sau nhưng những lời ngoại kể vẫn còn đọng lại mãi trong kí ức…

Ngày Tết Trung thu vẫn là ngày hội tưng bừng cho những đứa trẻ, là ngày hội của những nụ cười vô tư, thánh thiện với đôi mắt trong veo. Chỉ tiếc một điều rằng những đứa trẻ hôm nay không còn “may mắn” như lũ trẻ chúng tôi ngày trước có thể thả mình với những trò chơi dân gian nữa.

Hình ảnh những chiếc mặt nạ được bố khéo léo cắt tỉa một cách cẩn thận từ bìa carton sau một ngày làm việc mệt nhọc, những cây tre được chẻ vót làm thành những chiếc đèn ông sao năm cánh với giấy màu đủ sắc lung linh bên ngọn nến... , giờ đây đang dần bị quên lãng và thay thế bởi đồ chơi chạy bằng bin, bằng điện được bày bán đầy ngoài đường, những chiếc mặt nạ đủ màu sắc bằng nhựa được nhập về từ Trung Quốc, đèn lồng và súng ống nhựa đủ kiểu được truyền tay trẻ.

Người lớn ngày nay cũng khác, họ hối hả trong việc kiếm tiền và ít đi thời gian quan tâm đến niềm vui của trẻ. Lựa chọn những thứ đồ chơi có sẵn mà quên mất một điều rằng chính mình đang từ bỏ đi những nét đẹp dân gian cần lưu truyền. Xem ngày Tết Trung thu là một cái cớ để quà cáp cho nhau nhằm phục vụ lợi ích của mình hay vì sợ mất lòng. Đồng tiền, sự tính toán đã chen lấn trong cuộc sống đang dần đánh mất đi những nét đẹp trong sáng của truyền thống cũng như những nụ cười thánh thiện của trẻ thơ.

Người lớn họ cũng quên rằng chính những trò chơi dân gian đó sẽ giúp trẻ phát triển khả năng tư duy, sáng tạo, sự khéo léo giúp các em tìm về cội nguồn truyền thống văn hóa của dân tộc. Thông qua trò chơi còn là sự gắn kết giữa những thế hệ trong gia đình, thu hẹp khoảng cách trong cộng đồng.

Một mùa trăng nữa lại về, không khí ngày Tết Trung thu cũng đã lan tỏa khắp phố phường. Đám trẻ con vẫn háo hức chờ đón đêm trăng, chị Hằng và chú Cuội... Thầm nghĩ người lớn chúng ta nên bớt ít thời gian để tổ chức những trò chơi tập thể, tái hiện những trò chơi dân gian để trẻ được thỏa mình trong đó, để chúng được tận hưởng niềm vui thời thơ ấu.

 Phan Hiền - Theo Công Lý

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

“Bóng đá Việt Nam rồi sẽ như Nhật Bản“

Đó là nhận định của tân GĐKT VFF ông Yusuke Adachi tại lễ công bố và giới thiệu tân Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) LĐBĐVN. Tại buổi lễ, ông đã chia sẻ nhiều điều về lộ trình phát triển của bóng đá Việt Nam.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/nho-tet-trung-thu-d136219.html