Những 'giang hồ mạng' như Khá Bảnh kiếm tiền tỷ như thế nào?

04/04/2019 15:58

Kinhte&Xahoi Mạng xã hội đang là “mảnh đất màu mỡ” cho nhiều hiện tượng "giang hồ sống ảo" dễ dàng kiếm lợi nhuận về mặt tài chính bất kể tốt hay xấu

Dễ dàng kiếm hàng tỷ đồng từ Youtube?

Thời gian gần đây,  YouTube rầm rộ xuất hiện hàng loạt tài khoản có tên như Khá Bảnh, Dương Minh Tuyền,… với số lượng người theo dõi từ vài trăm nghìn cho tới hàng triệu.
Thu nhập của kênh YouTube Khá Bảnh từng nhận được từ 15.000 đến 244.000 đô la Mỹ mỗi tháng
Nội dung clip của những tài khoản nói trên thường là hình ảnh các tay “anh chị” người xăm trổ ăn nhậu, hút thuốc cùng vô số lời văng tục chửi bậy, thậm chí thách thức, dằn mặt đánh chém lẫn nhau kiểu giang hồ.

Thậm chí, đối tượng còn có những hành vi phản cảm như đập phá, đốt xe máy... như trường hợp của Ngô Bá Khá (thường được gọi là Khá Bảnh) được cho là quảng bá cho một hãng xe điện.

Mỗi clip của những nhân vật “giang hồ mạng” tung lên đều thu hút từ vài trăm nghìn cho tới hàng chục triệu lượt xem, đem lại nguồn thu khủng cho các nhân vật.

Kênh YouTube của Khá Bảnh là một ví dụ điển hình, theo đó, kênh này có khoảng gần 2 triệu người theo dõi, với 410 video đã đăng tải cùng gần 400 triệu lượt xem. Trung bình mỗi ngày kênh của Khá Bảnh có thêm 11,5 nghìn subcriber và 2,17 triệu lượt xem.

Đích thân nhân vật này đã tung 2 clip khoe có tháng kiếm trăm triệu, có tháng tới 450 triệu đồng từ YouTube.

Giới kiếm tiền online cho biết, với thứ hạng cao, lượng người theo dõi và lượt xem lớn, số tiền mà YouTube trả cho Khá Bảnh có thể vào khoảng từ 15.300 USD - 244.700 USD, tương đương với khoảng trên 350 triệu đồng cho tới cả 5, 6 tỷ đồng mỗi tháng.

Tuy nhiên mới đây, ngày 3/4, YouTube đã chính thức xóa bỏ kênh của Khá Bảnh. Theo đó, Google đã gỡ bỏ tất cả các hình thức quảng cáo trong video Youtube của Khá.

YouTube có tiếp tay cho "giang hồ mạng"?

Các chuyên gia về an ninh mạng cho rằng việc quản lý lỏng lẻo, thậm chí trả tiền, có dấu hiệu làm ngơ của YouTube đã tạo điều kiện cho "giang hồ mạng" xuất hiện đầy rẫy, mặc sức tung hoành.

Hiện nay, YouTube áp dụng chính sách thưởng tiền đối với các nhà sáng tạo nếu đạt các cột mốc về lượng người đăng ký theo dõi kênh của mình.

Theo chính sách này, có 3 cột mốc khen thưởng, gồm: Nút Play Bạc (đạt 100.000 người đăng ký), nút Play Vàng (đạt 1 triệu người đăng ký) và nút Play Kim cương (từ 10 triệu người đăng ký theo dõi).
Các chuyên gia về an ninh mạng cho rằng việc khen thưởng này đã vô tình tiếp tay, giúp các "nhà sáng tạo" dùng mọi chiêu trò để câu view (lượt xem), thu hút người xem mà Khá Bảnh là một điển hình.
Trao nút vàng cho Khá Bảnh, YouTube đang "khen thưởng" cho những video được cho là có tính chất bạo lực. Ảnh: Zing

Đó cũng là lý do mà trên kênh của mình, rất nhiều lần Khá Bảnh mặc nhiên quảng cáo cho các trang web cá cược bóng đá, lô đề, xóc đĩa, cờ bạc trực tuyến... và kêu gọi người xem tham gia. Những thông tin, hình ảnh, video như vậy khiến nhiều người bất bình nhưng một bộ phận khá lớn thanh niên lại hào hứng tham gia.

Theo các chuyên gia nhận định, các quy định về quản lý tài khoản của Youtube còn khá lỏng lẻo khi chỉ xử lý các video dựa vào quy định có tên gọi là "Chính sách cộng đồng". Theo chính sách này, các video có nội dung bạo lực, khiêu dâm, liên quan đến ma túy… có thể bị YouTube xóa, khóa tài khoản. Tuy nhiên, quy định này được đánh giá là thiếu cụ thể, không phù hợp với từng quốc gia. Các video của các "giang hồ mạng" trên YouTube chứa đầy những lời lẽ tục tĩu, cổ động cho việc sử dụng chất kích thích, đánh nhau... nhưng YouTube lại có dấu hiệu làm ngơ. Thậm chí, họ còn trả tiền cho những người tạo ra các video này.

Trước đó, ngày 2/4, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ TT&TT) cho biết đã chính thức gửi yêu cầu tới nhà cung cấp dịch vụ YouTube đề nghị khóa, hạ kênh YouTube của Khá Bảnh. Nguyên nhân là kênh YouTube của Khá Bảnh có chứa những nội dung gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng xã hội.

Bên cạnh đó, dư luận cũng cho rằng việc Google để cho hàng loạt kênh YouTube có nội dung bạo lực của các “giang hồ mạng” mặc sức hoạt động và kiếm tiền đang cho thấy sự lỏng lẻo trong chính sách kiểm duyệt của mình. Cơ quan quản lý cần có giải pháp lâu dài để ngăn chặn tình trạng này xảy ra, tránh để những đối tượng như "giang hồ mạng" lợi dụng mạng chia sẻ video này trở thành công cụ phát tán văn hóa đen gây hại cho thế hệ trẻ.

Theo Dân trí, Dân Việt, NLD, GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Người Thái được gì từ trận thua Việt Nam 4-0?

Thất bại nặng nề 0-4 trong cuộc đối đầu trên sân vận động quốc gia Mỹ Ðình tối 26/3 là kết quả không mong muốn đối với người Thái, nếu không muốn nói quá tồi. Nhưng ở phương diện khác, LÐBÐ Thái Lan (FAT) và nước này vẫn có những lý do khác để vui mừng