Những sự kiện thời tiết cực đoan năm 2021

28/12/2021 17:06

Kinhte&Xahoi Trong khi đại dịch COVID-19 hoành hành năm thứ hai, một số quốc gia trên thế giới còn phải đối mặt với làn sóng các hiện tượng thời tiết cực đoan như các trận động đất lớn ở Haiti đến những cơn bão khắp Châu Âu và Châu Á.

Lốc xoáy và siêu bão kinh hoàng

 Vào ngày 10 và 11/12, nhiều cơn lốc xoáy đã ập xuống bang Kentucky, Mỹ và càn quét qua 4 bang khác, khiến 92 người thiệt mạng. Hàng nghìn người đã bị mất nhà cửa dưới sức tàn phá của trận lốc xoáy kinh hoàng nhất trong lịch sử bang Kentucky, vượt quá con số thương vong của trận lốc xoáy năm 1890 gây ra, cướp đi sinh mạng của 76 người.

Hàng chục cơn lốc xoáy càn quét nước Mỹ chỉ trong một đêm, khiến hàng chục người mất tích và nhiều tòa nhà đổ sập (Ảnh: AFP)

16 năm sau thảm họa bão lịch sử Katrina khiến khoảng 1.800 người tử vong ở New Orleans, cơn bão Ida được phân loại cấp 4 với sức gió lên tới 240km/h. Ida là cơn bão mạnh thứ 5 từng đổ bộ vào lục địa Mỹ. Cơn bão đã gây ngập lụt một khu vực rộng lớn ở bang Louisiana.

Mưa to, gió mạnh làm đổ hàng loạt cây cối và đường điện, khiến thành phố New Orleans chìm trong bóng tối. Siêu bão đã gây mưa to, gió lớn, lũ lụt trên khắp khu vực Đông Bắc nước Mỹ, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng và khiến 91 người thiệt mạng.

Tại Ấn Độ, ngày 17/5, bão Tauktae đổ bộ vào bang ven biển Gujarat khiến 6 người thiệt mạng. Sau đó, bão tiếp tục đổ bộ vào đất liền và làm ít nhất 109 người thiệt mạng. Một số báo cáo cho biết, cơn bão này đã tàn phá biển Arab, lật đổ một tàu kéo và sà lan, khiến 86 người thiệt mạng. Như vậy, tổng cộng có 201 người tử vong do ảnh hưởng của trận bão này.

Siêu bão Rai đổ bộ vào Philippines hôm 16/12 đã khiến hàng trăm người phải sơ tán, ít nhất 375 người thiệt mạng và 500 người khác bị thương. Với sức gió mạnh tới 195km/h, cơn bão có sức hủy diệt vô cùng lớn, khiến nhiều tòa nhà không thể chống chịu được.

Lũ lụt thảm khốc

 Trận lũ lụt lịch sử ở Châu Âu bắt đầu từ hôm 14/7, chủ yếu xảy ra tại các bang Rhineland Palatinate, North Rhine-Westphalia của Đức và nhiều vùng của Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ. Người dân sinh sống tại các khu vực ảnh hưởng đã bị cắt điện hoàn toàn, thông tin liên lạc cũng bị gián đoạn. Tại Bỉ, số người chết sau trận lũ đã lên tới 31 người.

Miền Tây nước Đức cũng hứng chịu những trận mưa lớn dẫn đến trận lũ lụt lịch sử, khiến 196 người thiệt mạng. Đợt mưa lớn này khiến nhiều con sông bị vỡ bờ và gây ngập lụt trên khắp Tây Âu cuốn trôi nhiều ô tô, nhà cửa của nhiều hộ gia đình.

Các phương tiện bị mắc kẹt sau trận mưa lớn như trút nước ở thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc (Ảnh: AP)

Tại Châu Á, mưa lớn ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc đã gây ra lũ lụt và lở đất, cướp đi sinh mạng của ít nhất 302 người vào ngày 20/7; Đồng thời khiến hàng nghìn ngôi nhà bị hư hại, phần lớn ở thành phố Trịnh Châu.

Bên cạnh đó, trận bão cát tồi tệ nhất trong một thập kỷ xảy ra hồi tháng 3 đã khiến Trung Quốc phải hủy bỏ các chuyến bay và đóng cửa trường học.

Tại Bắc Kinh, bầu trời chuyển thành màu cam do khói bụi và ô nhiễm khiến chất lượng không khí trở nên nguy hiểm. Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tình trạng sa mạc hóa, vì mùa hè nóng hơn và mùa đông khô hơn làm giảm độ ẩm.

Mưa xối xả đã đổ xuống khắp Nepal và các bang Kerala, Uttarakhand của Ấn Độ hồi giữa tháng 10 cũng gây ra các trận lũ lụt và lở đất nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của 201 người.

Ngày 14/8, một trận động đất mạnh 7,2 độ đã làm rung chuyển phía Tây Nam Haiti, khiến 2.248 người thiệt mạng, hàng nghìn người khác bị thương và hàng chục nghìn ngôi nhà bị hư hại hoặc bị phá hủy hoàn toàn.

Hiện tượng thời tiết bất thường

 Nhiệt độ hạ xuống -13 độ C ở một số khu vực của tiểu bang Texas miền Tây nước Mỹ hồi tháng 2 khiến 3,5 triệu cơ sở kinh doanh và nhà cửa bị mất điện. Tình trạng mất điện diện rộng trên toàn bang giữa tiết trời giá lạnh ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là những dễ bị tổn thương. Theo thống kê, tổng số người chết trong đợt băng giá kỷ lục là 210 người.

Người dân Texas chống chọi bão tuyết khắc nghiệt (Ảnh: Xinhua)

Trong khi đó, cuối tháng 6 và đầu tháng 7, đợt nắng nóng kỷ lục ập tới và hoành hành tại khu vực phía Tây Canada và Mỹ. Tỉnh bang British Columbia của Canada ghi nhận nhiệt độ cao chưa từng có trong lịch sử hơn 49°C. Nhiệt độ nhiều nơi của Mỹ cũng lên tới hơn 50°C. Trên 800 người đã tử vong ở hai nước do các nguyên nhân liên quan tới nắng nóng.

 Ngọc Ly - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

ĐT Việt Nam trở thành cựu vương của Đông Nam Á

Tối 26/12 trên sân vận động quốc gia Singapore, đội tuyển Việt Nam đã có trận hòa 0 – 0 trước đội tuyển Thái Lan, qua đó thất bại với tổng tỷ số 0 – 2 sau hai lượt trận và chính thức trở thành cựu vương của AFF Cup.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/nhung-su-kien-thoi-tiet-cuc-doan-nam-2021-186668.html