Nỗi lo đọng lại phía sau bức tranh kinh tế tích cực của Việt Nam

03/01/2022 14:55

Kinhte&Xahoi Năm 2021, bất chấp ảnh hưởng của dịch COVID-19 nền kinh tế của Việt Nam vẫn đạt kết quả tích cực song chúng ta vẫn còn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Bức tranh kinh tế dần khởi sắc

 Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kinh tế - xã hội năm 2021 của nước ta diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng phục hồi khi các nước đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vắc xin phòng chống dịch COVID-19 nhưng sự xuất hiện các biến chủng mới làm cho quá trình phục hồi kinh tế có dấu hiệu chậm lại. Đại dịch gây tắc nghẽn trong chuỗi giá trị toàn cầu, làm tăng giá nguyên liệu sản xuất tạo ra thách thức không nhỏ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các quốc gia.

Trong nước, làn sóng dịch COVID-19 bùng phát từ cuối tháng Tư với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm, diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các tỉnh kinh tế trọng điểm như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Cần Thơ… đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn, an sinh của người dân và phát triển kinh tế - xã hội.

Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo thống nhất của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong ban hành những quyết sách kịp thời để phòng, chống dịch bệnh và phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Cùng với đó là các chính sách bảo đảm an sinh xã hội; sự đồng lòng, nhất trí của các cấp, các ngành, các địa phương; Sự đồng tình, ủng hộ, chia sẻ và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội nước ta đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Cụ thể, uớc tính GDP năm 2021 tăng 2,58% (quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%) so với năm trước do dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là trong quý III/2021 nhiều địa phương kinh tế trọng điểm phải thực hiện giãn cách xã hội kéo dài để phòng chống dịch bệnh.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 12/2021 ước tính tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước, quý IV tăng 6,4%, đưa tốc độ tăng cả năm 2021 đạt 4,8% so với năm 2020 (năm 2020 tăng 3,3%); trong đó, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6% (năm 2020 tăng 4,8%).

Sản xuất công nghiệp dần khởi sắc

Mặc dù tốc độ tăng chỉ số IIP năm 2021 thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng của các năm 2017-2019 nhưng cho thấy ngành công nghiệp đã có sự phục hồi đáng kể trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp (năm 2017 tăng 11,3%; Năm 2018 tăng 10,1%; năm 2019 tăng 9,1%).

Năm 2021, sự bùng phát mạnh của làn sóng COVID-19 lần thứ tư cùng với các đợt phong tỏa nghiêm ngặt, giãn cách kéo dài (đặc biệt là quý III/2021) đã tác động tiêu cực đến gia tăng số lượng doanh nghiệp. Tổng số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường trong năm 2021 đạt gần 160 nghìn doanh nghiệp, giảm 10,7% so với năm 2020; 119,8 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 17,8%, trong đó phần lớn là các doanh nghiệp thành lập dưới 5 năm, quy mô vốn nhỏ.

Tuy nhiên, việc ban hành và triển khai kịp thời Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 trên phạm vi toàn quốc đã góp phần quan trọng trong khôi phục sản xuất và thúc đẩy thị trường, từng bước tạo niềm tin cho các doanh nghiệp. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy doanh nghiệp lạc quan về tình hình sản xuất kinh doanh trong quý I/2022 với 81,7% doanh nghiệp đánh giá sẽ ổn định và tốt hơn so với quý IV/2021.

Trong tháng 12/2021, hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế với tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 66,5 tỷ USD, tăng 6,4% so với tháng trước và tăng 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5%. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD (năm trước xuất siêu 19,94 tỷ USD).

Mặt khác, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục phục hồi, vốn đăng ký mới và tăng thêm giữ xu hướng tăng cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/12/2021 đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020; vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2021 đạt 19,74 tỷ USD, giảm 1,2%.

Hơn nữa, hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tác động tích cực làm thu ngân sách Nhà nước năm 2021 ước tính đạt 1.523,4 nghìn tỷ đồng, bằng 113,4% dự toán năm. Chi ngân sách Nhà nước tập trung ưu tiên cho công tác phòng chống dịch COVID-19, khắc phục thiên tai, đảm bảo quốc phòng, an ninh và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tình hình lao động, việc làm quý IV/2021 khởi sắc so với quý trước nhưng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm tính chung năm 2021 cao hơn năm trước trong khi số người có việc làm, thu nhập của người làm công hưởng lương thấp hơn năm trước.

Còn nhiều khó khăn, thách thức

 Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế nước ta năm 2021 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Cụ thể, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là việc xuất hiện biến chủng mới Omicron có khả năng lây nhiễm cao; số ca nhiễm mới trong cộng đồng có xu hướng tăng ở nhiều địa phương, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao

Ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng từ cuối năm 2020 đến nay, chủ yếu do giá nhập khẩu nguyên liệu tăng cao. Bên cạnh đó, giá thịt lợn hơi giảm liên tục từ cuối tháng Tư, các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ gặp nhiều khó khăn về kênh tiêu thụ và bán với giá thấp hơn giá thị trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ thua lỗ dẫn đến tâm lý lo ngại, không dám tái đàn của người nuôi. Dịch tả lợn Châu Phi diễn biến phức tạp tại một số địa phương làm ảnh hưởng đến nguồn cung phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Trong sản xuất công nghiệp, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 31/12/2021 so với thời điểm năm trước tăng cao (21,9%) do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ cho đầu ra của các ngành sản xuất.

Do dịch COVID-19 bùng phát mạnh vào quý III/2019 nên doanh thu năm 2021 của các ngành dịch vụ bị sụt giảm lớn so với năm 2020. Trong đó, các ngành chịu ảnh hưởng nhiều đó là dịch vụ giáo dục và đào tạo (giảm 37,7%); Dịch vụ vui chơi và giải trí (giảm 20,6%); Dịch vụ hành chính và hỗ trợ (giảm 12,98%)…

Thực hiện các quy định về phòng chống dịch bệnh nên người dân hạn chế các hoạt động vui chơi, giải trí, ăn uống ngoài gia đình. Tính chung cả năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,8% so với năm trước (năm 2020 tăng 1,7%). Hoạt động vận tải năm 2021 gặp nhiều khó khăn, đặc biệt khi đợt dịch COVID-19 lần thứ Tư bùng phát mạnh và trên diện rộng.

Cùng với đó, giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước vận tải, chi phí logistic… tăng cao làm tăng chi phí sản xuất và gia tăng áp lực lạm phát, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô. Năm 2021, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào dùng cho sản xuất tăng 5,51% so với năm 2020; Chỉ số giá nhập khẩu phân bón tăng 10,02%; Chỉ số giá nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 18,34%; Chỉ số giá nhập khẩu xăng, dầu các loại tăng 44,88%.

Hơn nữa, so với quý trước, số lao động có việc làm trong quý IV/2021 đã có dấu hiệu phục hồi sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, tuy nhiên sự phục hồi này chủ yếu do tăng số lao động phi chính thức. Điều này cho thấy sự phục hồi chưa bền vững.

Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã đẩy tỷ lệ thiếu việc làm ở khu vực thành thị cao hơn khu vực nông thôn trong năm 2021. Điều này trái với xu hướng thị trường lao động quan sát trước đây ở nước ta với tình trạng thiếu việc làm ở khu vực nông thôn thường nghiêm trọng hơn so với thành thị.

Kiến nghị các giải pháp tháo gỡ

 Để kịp thời có giải pháp khắc phục khó khăn, đồng thời chủ động khai thác các cơ hội đạt được kết quả phát triển kinh tế - xã hội cao nhất trong năm 2022 tạo đà phát triển mạnh cho những năm tiếp theo, Tổng cục Thống kê kiến nghị nhiều giải pháp.

Thời gian tới cần tiếp tục phát triển mạnh thị trường nội địa bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2020 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; Bảo đảm sự chỉ đạo nhất quán, tập trung, xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương; Bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp.

Thứ hai, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế; Thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cần linh hoạt vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng; Nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

Thứ ba, tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất. Đặc biệt, hỗ trợ cho người lao động bị mất việc làm, mất thu nhập cần được triển khai hiệu quả với phương châm “không để ai bị bỏ lại”, từ đó tạo tâm lý yên tâm, không di dời khỏi nơi làm việc về quê hương, dẫn tới xáo trộn, thiếu hụt nguồn lực lao động.

Thứ tư, phát triển mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản; Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với nguồn gốc xuất xứ, phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.

Thứ năm, cơ cấu lại, phục hồi và phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp đang bị tác động trực tiếp bởi dịch COVID-19 như: Thương mại, dịch vụ, logistics, vận tải, hàng không, du lịch…; Khẩn trương khôi phục thị trường du lịch, tạo thuận lợi cho lưu chuyển hành khách quốc tế, trong nước, hỗ trợ phù hợp các doanh nghiệp du lịch gắn với an toàn dịch bệnh.

Thứ sáu, tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chỉ đạo, điều hành và xử lý công việc; Tái cấu trúc quy trình, đơn giản hóa thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi tối đa các doanh nghiệp

Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân; Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm; Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống...

Văn Huy - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bổ sung kinh phí chuẩn bị tổ chức SEA Games 31

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 31/12/2021 bổ sung 301 tỷ đồng từ nguồn dự toán chi sự nghiệp thể dục thể thao của ngân sách Trung ương năm 2021 để thực hiện các nhiệm vụ chi thường xuyên cần thiết chuẩn bị cho SEA Games 31.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/noi-lo-dong-lai-phia-sau-buc-tranh-kinh-te-tich-cuc-cua-viet-nam-187154.html