Một buổi truyền thông về phòng, chống doping cho các vận động viên do Trung tâm Doping và Y học thể thao thực hiện. Ảnh: Mai Hồng
Mỗi lần mỗi kiểu
Giữa năm 2023, án phạt dành cho 5 VĐV điền kinh dương tính với doping tại SEA Games 31 đã được công bố. Theo đó, các VĐV đều bị tước huy chương tại SEA Games 31 và cấm thi đấu từ 16 - 18 tháng.
Giải trình với Cơ quan phòng chống doping quốc tế (WADA), các VĐV trên nói rằng họ đã tự ý sử dụng một loại thực phẩm chức năng trong quá trình tập luyện. Loại thực phẩm chức năng này chưa qua kiểm định để xác định rằng có chứa chất cấm hay không.
Các VĐV cũng khẳng định rằng họ không cố ý sử dụng doping để giành thành tích tại SEA Games 31 do trình độ của họ ở các nội dung đăng ký thi đấu đều trội hơn so với đối thủ. Qua sự kiện này, lãnh đạo Cục Thể dục thể thao (TDTT) kết luận rằng, các VĐV không được mua thực phẩm chức năng “trôi nổi” để tránh tối đa nguy cơ dương tính với doping.
Không kể đến 5 VĐV trên, cũng trong năm 2022, đã có 6 trường hợp VĐV thể hình Việt Nam không được đăng ký dự SEA Games 31. Nguyên do là trong quá trình kiểm tra doping trong thời gian tập huấn, cả 6 đều có mẫu thử dương tính.
Và lần này, đến lượt một VĐV đội tuyển Aerobic có mẫu thử dương tính với doping khi tham dự giải aerobic vô địch châu Á 2023 ở Mông Cổ (từ ngày 15 tới 17-9-2023). Lý do dẫn đến việc này là do VĐV sử dụng thuốc điều trị liên quan tới sức khỏe nhưng không kiểm tra kỹ thành phần - có thể hiểu là VĐV không cố ý sử dụng doping.
Sau khi xem xét giải trình của Trần Hà Vi với WADA, mức phạt được xác định là cấm thi đấu 24 tháng. Theo ông Phạm Mạnh Hùng - bác sĩ Đoàn thể thao Việt Nam trong nhiều kỳ SEA Games và ASIAD, nếu xác định VĐV cố ý sử dụng doping, chắc chắn mức phạt dành cho Trần Hà Vi không thể là 24 tháng.
Vẫn cần kiên trì truyền thông
Thực tế, nhận thức về doping của HLV, VĐV Việt Nam đã tăng đáng kể. Bác sĩ Phạm Mạnh Hùng kể rằng, cho đến nay, nhiều VĐV Wushu Hà Nội tham gia đội tuyển quốc gia trước mỗi giải quốc tế đều hỏi ông về các loại thuốc để chữa bệnh, thuốc bổ mà họ định sử dụng để tránh nguy cơ "dính" doping.
Còn theo Trưởng bộ môn Cử tạ (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội) Dương Thị Ngọc, đến nay, các HLV và VĐV trong đội đều rất cẩn thận trong việc sử dụng thực phẩm chức năng, thuốc bổ, thuốc chữa bệnh. Đặc biệt, WADA cũng thường xuyên lấy mẫu thử đột xuất với VĐV trên toàn thế giới và điều này có tính cảnh báo rất lớn đối với VĐV.
Trong nhiều lần chia sẻ với báo giới, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt luôn khẳng định: “Thể thao Việt Nam luôn nói không với việc sử dụng chất bị cấm. Ngành Thể thao luôn đề cao công tác giáo dục tư tưởng, kiểm tra sát sao các VĐV”.
Về phía địa phương, ở Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội vào năm 2023 cũng lần đầu tiên có lớp tập huấn về phòng, chống doping với tất cả các HLV, VĐV chủ chốt của các bộ môn. Sau đó, tài liệu, kiến thức từ lớp tập huấn được chuyển tới các VĐV khác...
Kể ra để thấy bước tiến nhất định trong phòng, chống doping của thể thao Việt Nam. Nhưng, việc những ca dương tính với doping vẫn xuất hiện cho thấy cần có sự sát sao, thực chất và liên tục hơn trong khâu truyền thông. Bởi đơn cử như trường hợp VĐV Trần Hà Vi, nếu cô thông báo tới HLV về việc dùng thuốc chữa bệnh thì sự thể có thể đã khác. Không kể, như người trong nghề cho hay thì khi chuẩn bị xét nghiệm, VĐV sẽ phải thông tin qua tờ khai với bộ phận xét nghiệm về việc sử dụng thuốc gì trước và trong thời gian thi đấu. Bởi thế, sự thể đáng tiếc cho thấy kiến thức, ý thức của VĐV Việt Nam còn có sự thiếu hụt nhất định.
Ở Việt Nam, Trung tâm Doping và Y học thể thao Việt Nam là cơ quan đang thực hiện các chương trình về lĩnh vực này. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 là tổ chức các lớp truyền thông về phòng, chống doping tại các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ; đẩy mạnh công tác truyền thông trực tiếp về phòng, chống doping tại 15 giải đấu thể thao trong năm 2024...
Bên cạnh đó, cần có nguồn kinh phí để có thể xét nghiệm doping ở tất cả giải đấu vô địch quốc gia của từng môn. Còn hiện tại, ngân sách nhà nước cho lĩnh vực thể thao mỗi năm chỉ khoảng 800 tỷ đồng. Hầu hết kinh phí được chi cho việc ăn, ở, tập huấn và thi đấu quốc tế của các đội tuyển quốc gia, kinh phí kiểm tra doping rất hạn hẹp - chỉ có thể thực hiện vài ba chục mẫu xét nghiệm mỗi năm.
Dù bằng cách nào thì ngành Thể thao cũng phải đạt được cái đích cuối cùng là để VĐV hiểu được tầm quan trọng của công tác phòng, chống doping cũng như hậu quả của việc sử dụng doping (dù vô tình hay cố tình) cho chính bản thân mình. Chỉ có hiểu đúng thì mới mong VĐV có thể làm đúng, tránh nguy cơ "dính" chất cấm.
Minh An - Hà Nội mới