Phòng, chống tham nhũng, trong đó “phòng” là chính, “chống” phải đảm bảo nghiêm minh

09/11/2022 07:45

Kinhte&Xahoi Các đại biểu cũng đề nghị đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó “phòng” là chính, “chống” phải đảm bảo nghiêm minh.

Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội dành cả ngày 08/11 để thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.

Phát biểu giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thực hiện việc thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế, điều quan trọng nhất là nhận thức và sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Giải trình về kháng nghị và kiến nghị của Viện Kiểm sát, Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, trong hầu hết các Báo cáo trước Quốc hội và trước các cơ quan có thẩm quyền, một trong những đề xuất được nhắc đi nhắc lại là Viện kiểm sát các cấp tăng cường kiểm soát hoạt động thi hành án.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng giải trình nội dung đại biểu nêu trong các Cơ quan tư pháp nói chung và thi hành án nói riêng, số lượng việc ngày càng nhiều càng phức tạp. Bộ trưởng đề nghị Quốc hội tiếp tục có ý kiến để việc tăng, giảm biên chế trong khối thi hành án dân sự cho phù hợp với các cơ quan tố tụng khác.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết qua tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy các đại biểu cơ bản đồng tình nhận định với đánh giá của báo cáo nhất là những kết quả đạt được, đông thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế giải pháp nâng cao hiệu quả trong thời gian tới. 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ, Bộ Công an với vai trò là cơ quan chủ trì soạn thảo báo cáo và là cơ quan thực thi công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, trong năm 2022, những biến động phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước đã đặt ra yêu cầu nhiệm vụ rất nặng nề, khó khăn, phức tạp trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an và các bộ, ngành, địa phương quán triệt, triển khai có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội về các giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống bệnh dịch, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước. Công tác bảo vệ an ninh quốc gia tiếp tục được tăng cường, lợi ích quốc gia của dân tộc được bảo đảm. Cùng với dự báo trong nội địa cũng đã xử lý tốt những vấn đề phức tạp ngay từ mới từ khi mới phát sinh, không để bị động bất ngờ. Từ đó, tội phạm về trật tự xã hội được kéo giảm. 

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm chia sẻ, Bộ Công an luôn luôn phấn đấu để thực hiện mục tiêu giảm tội phạm. Hàng năm tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Các vụ án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đều cơ bản được khẩn trương điều tra, làm rõ. Công tác phát hiện, điều tra các vụ án, vụ việc về kinh tế, tham nhũng có bước tiến mới, đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án thuộc lĩnh vực có chuyên môn sâu như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp…

 Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội: Cần tập trung hơn nữa trong phòng, chống “tham nhũng vặt”

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, tình trạng “tham nhũng vặt” như “vòi bạch tuộc” đeo đẳng, bám chặt đã gây bức xúc lớn cho Nhân dân, doanh nghiệp, làm chùn bước các nhà đầu tư, làm cho các hoạt động của xã hội bị chậm lại, làm xói mòn lòng tin của Nhân dân. Trước thực trạng trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ mong muốn của cử tri, của nhân dân là Đảng, Nhà nước cần tập trung hơn nữa việc chống “tham nhũng vặt”, chống tiêu cực trong xã hội.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa - Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định: Cần đảm bảo thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, minh bạch.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định) cho biết trong thời gian qua, có những hành vi, vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán, gây thiệt hại kinh tế cho các nhà đầu tư, làm ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường vốn. Nguyên nhân là do quy định của pháp luật còn có bất cập, sơ hở; sự tinh vi, liều lĩnh, bất chấp thủ đoạn của kẻ phạm tôi, sự buông lỏng quản lý của một số cơ quan có thẩm quyền.

Đại biểu đề nghị sửa đổi các quy định của pháp luật có liên quan đến thị trường chứng khoán và quản lý doanh nghiệp; xử lý nghiêm những cá nhân, pháp nhân thương mại trực tiếp có liên quan; tăng cường kiểm tra, giám sát doanh nghiệp; các cơ quan tư pháp cần kịp thời thông tin tới các cơ quan có thẩm quyền về phương thức, thủ đoạn phạm tội để tăng cường tính cảnh báo, phòng ngừa.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Đẩy mạnh công tác phòng ngừa tội phạm

Nhất trí với những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn ĐBQh tỉnh Hải Dương) cho rằng, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật vẫn còn hạn chế. Theo đại biểu, có một số loại tội phạm tiếp tục gia tăng, như tội phạm về vi phạm trật tự xã hội liên quan đến suy đồi đạo đức, văn hóa và tội phạm hủy hoại rừng.

Theo đại biểu phân tích, trong khi nhiều loại tội phạm giảm rõ rệt, một số loại tội phạm lại tiếp tục gia tăng, đó là nhóm tội phạm về trật tự xã hội, cụ thể là tội cưỡng dâm, dâm ô người dưới 16 tuổi, tội giết người, mua bán người, thậm chí buôn bán trẻ em. Đây là vấn đề vô cùng nhức nhối khi tính mạng, tinh thần con người bị chà đạp, để lại hậu quả nặng nề.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, sau một ngày làm việc khẩn trương, sôi nổi, dân chủ, trách nhiệm, đã có 33 ý kiến phát biểu, 1 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, các kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, phòng, chống tham nhũng. Các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng nhiều ý kiến phát biểu sâu sắc, phân tích thêm rất cụ thể, thiết thực về hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật, sửa đổi bổ sung một số luật và các văn bản pháp luật có liên quan về công tác phối hợp giữa các cơ quan trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, trọng tài, thi hành án với những giải pháp cụ thể, thiết thực. Các đại biểu cũng đề nghị đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó “phòng” là chính, “chống” phải đảm bảo nghiêm minh.

Quang Vũ - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lịch thi đấu World Cup 2022 tại Qatar

World Cup 2022 sẽ diễn ra từ ngày 21/11 đến 18/12 tại Qatar. Do được tổ chức vào mùa đông nên các cầu thủ có thể thi đấu trong thời tiết dễ chịu.

link bài gốc https://www.phapluatplus.vn/nha-nuoc-va-phap-luat/phong-chong-tham-nhung-trong-do-phong-la-chinh-chong-phai-dam-bao-nghiem-minh-d186362.html