Phụ huynh sẵn sàng phương án dự phòng cho con dù chưa biết điểm thi vào 10

03/07/2022 09:22

Kinhte&Xahoi Nhận định điểm chuẩn vào lớp 10 công lập năm nay sẽ có “diễn biến khó lường” nên dù điểm thi, điểm chuẩn chưa được công bố chính thức, nhiều phụ huynh đã gấp rút chuẩn bị phương án dự phòng cho con.

Hối hả tìm trường, giữ chỗ

 Khi kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập vừa kết thúc, anh Trần Văn Thắng (ở quận Hà Đông, Hà Nội) đã rốt ráo tìm đường cho con trai.

Anh chia sẻ: “Khi thi xong, tôi và con đã cùng xem đáp án và tự chấm điểm. Môn Toán, cháu dự tính được khoảng 9 điểm, Tiếng Anh: 8,5 nhưng môn Ngữ văn dự tính chỉ được khoảng 7 điểm. Khi so sánh điểm chuẩn của các năm trước, tôi lo ngại con khó lòng đỗ được vào trường THPT công lập đã đăng ký”.

Thí sinh Hà Nội tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2022 - 2023

Năm nay, con anh Thắng có nguyện vọng 1 dự tuyển vào trường THPT Quang Trung (Hà Đông) với khoảng gần 1.800 hồ sơ dự tuyển trên tổng số 720 chỉ tiêu. Đây là 1 trong 10 trường có “tỉ lệ chọi” cao nhất TP Hà Nội năm nay.

"Gia đình tôi đã tìm hiểu được vài trường ngoài công lập phù hợp với hồ sơ xét tuyển của con và điều kiện kinh tế của gia đình. Giờ chỉ còn nín thở chờ ngày thành phố công bố điểm chuẩn chính thức”, anh Thắng cho biết.

Nhiều phụ huynh có con thi vào lớp 10 nhận định, tỉ lệ chọi vào các trường THPT công lập năm nay vô cùng khốc liệt khi có trên 106.000 sĩ tử cạnh tranh, giành khoảng 69.000 suất vào lớp 10 trường công lập (không chuyên). Như vậy, chỉ có khoảng 60% số học sinh được tuyển vào trường THPT công lập, còn lại sẽ học trường ngoài công lập, trường nghề. Bởi vậy, dù chưa biết điểm, phụ huynh nào cũng phải vội vàng tìm "đường lùi" cho con bởi tâm lí lo sợ nếu chậm chân, sẽ chẳng còn “ghế trống”.

Cũng giống như anh Thắng, chị Vũ Thị Minh Phương (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã chọn phương án cho con học ngoài công lập dù điểm chuẩn chưa được công bố. Chị Phương chia sẻ: “Từ lúc cháu mới thi xong, gia đình tôi và bản thân cháu đã xác định 90% cháu không trúng tuyển nguyện vọng 1. Cả 3 bài thi của con ở mức khá nên con vẫn có khả năng trúng tuyển nguyện vọng 2, nguyện vọng 3.

Sau khi bàn bạc, cân nhắc, gia đình tôi vẫn thiên về phương án cho con học tại 1 trường THPT ngoài công lập trên địa bàn”.

Chủ động chọn “lối đi riêng”

 Khác với nhiều gia đình, ngay từ khi học sinh lớp 9 căng thẳng trong cuộc đua vào lớp 10, chị Nguyễn Hương Lan (ở quận Hà Đông, Hà Nội) lại cho con về quê nghỉ hè, thư giản, thả lỏng tinh thần. Ai cũng ngạc nhiên trước quyết định của chị nhưng với chị và các con, đây lại là quyết định hợp lý nhất.

Chị Lan chia sẻ: “Nhiều người bảo tôi sao không cho con thi? Cứ thi đi biết đâu lại đỗ thì sao? Tôi hiểu lực học của con hơn ai hết. Với tỉ lệ học sinh thi vào 10 đông như của quận Hà Đông, con tôi nếu không được 8 điểm/môn thì khó “có cửa” vào công lập. Sau 2 vòng thi thử ở trường chỉ đạt 7 điểm trung bình, tôi bàn bạc với chồng, con nộp luôn hồ sơ vào trường THPT dân lập gần nhà”.

Xác nhận nhập học, nộp hồ sơ, học phí cho con xong, chị Lan ung dung, thoải mái. Nhờ chuẩn bị sớm, chị có thời gian dư dả để cân nhắc nhiều lựa chọn và bản thân con cũng không có quá nhiều căng thẳng, áp lực.

"Một số bạn của tôi dù chưa biết điểm thi vào lớp 10 nhưng lo xa bằng cách "đặt cọc" học phí ở một trường tư hoặc trường nghề để con có "đường lui", chị Lan nói.

Trượt trường công lập là điều không ai muốn, do đó để con không bị động hay khủng hoảng khi biết kết quả, theo chị Lan, bố mẹ ngoài động viên, đồng hành cùng con nên chuẩn bị sẵn phương án dự phòng .

Từ thực tế công tác thi, tuyển sinh cho thấy sức nóng của kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 ở Hà Nội, đặc biệt là ở các quận trung tâm của thành phố với mật độ dân cư cao, tốc độ gia tăng dân số nhanh chóng như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông.

Bởi vậy, theo cô Nguyễn Thị Hiền, giáo viên một trường THCS trên địa bàn quận Hà Đông: “Nếu không may mắn đỗ vào trường THPT công lập, các em cũng đừng quá buồn, thất vọng bởi bản thân đã vô cùng cố gắng và dũng cảm. Hãy vui lên vì còn nhiều con đường, nhiều lựa chọn đang chờ các em ở phía trước”.

Theo quy định, một trong những điều kiện bắt buộc với học sinh dự tuyển vào lớp 10 các trường THPT công lập là học sinh, hoặc bố, mẹ của học sinh phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội.

Tuy nhiên, với chủ trương bảo đảm 100% học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học lớp 10, những học sinh chưa có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội có thể lựa chọn đăng ký dự tuyển vào các trường ngoài công lập, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các trường nghề…

Ngoài ra, học sinh còn có thể tham gia dự tuyển vào lớp 10 trường ngoài công lập bằng nhiều cách. Ông Nguyễn Viết Cẩn, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Hà Thành (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, năm học 2022-2023, nhà trường dự kiến tăng từ 270 chỉ tiêu lên 360 chỉ tiêu và áp dụng phương thức xét tuyển để tuyển sinh. Học sinh có hộ khẩu hoặc không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội đều có thể dự tuyển bằng cách sử dụng kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trường công lập hoặc sử dụng học bạ cấp THCS.

Theo Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2022-2023, các trường THPT công lập tự chủ tài chính và trường THPT ngoài công lập trên địa bàn Hà Nội áp dụng phương thức xét tuyển để tuyển sinh học sinh vào lớp 10.

Theo đó, toàn thành phố có 109 trường THPT công lập tự chủ tài chính và trường THPT ngoài công lập tuyển sinh học sinh lớp 10. Hầu hết các trường đều có áp dụng phương thức xét tuyển học bạ cấp THCS của học sinh để tuyển sinh. 

Ngọc Minh - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

U23 Việt Nam - U23 Saudi Arabia: Viết tiếp giấc mơ đẹp

HLV Gong Oh-kyun đã đưa U23 Việt Nam vào tứ kết U23 châu Á ngay trong lần đầu tiên tham dự giải đấu lớn. Với sự tự tin, U23 Việt Nam có thể viết tiếp giấc mơ như chiến tích lịch sử ở VCK U23 châu Á năm 2018.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/phu-huynh-san-sang-phuong-an-du-phong-cho-con-du-chua-biet-diem-thi-vao-10-200119.html