Quảng bá mỹ phẩm 'trá hình', Skin Plus có đang lừa người tiêu dùng?

20/11/2018 09:18

Kinhte&Xahoi Dù là mỹ phẩm nhưng Skin Plus lại được Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ phẩm Skin Plus quảng bá “trá hình”, tâng bốc về công dụng, có khả năng đặc trị như một loại thuốc.

Theo quảng cáo trên trang web skinplusvietnam.com, mỹ phẩm Skin Plus là sản phẩm của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ phẩm Skin Plus, có địa chỉ tại 380/1/14 Phạm Văn Chiêu, P.9, Q.Gò Vấp, TP.HCM.

Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ phẩm Skin Plus ở địa chỉ 380/1/14 Phạm Văn Chiêu, P.9, Q.Gò Vấp, TP.HCM không dùng để hoạt động mà chỉ là nơi đăng ký giấy phép kinh doanh và treo bảng hiệu.

Tự giới thiệu và khẳng định toàn bộ sản phẩm được chiết xuất từ nguyên liệu thiên nhiên, không chứa chất paraben gây ung thư, Skin Plus đã cho ra đời hàng loạt các mỹ phẩm có nhiều công dụng khác nhau.

Để sản phẩm thu hút và bán “chạy”, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ phẩm Skin Plus còn tung ra các chiêu trò, quảng bá “trá hình” sản phẩm có công dụng như một dược phẩm. Cụ thể, tại danh mục sản phẩm của Skin Plus được thể hiện trên trang web, khách hàng dễ dàng nhìn thấy được mục “Mỹ phẩm đặc trị”.

Trên trang web của mình, Skin Plus ngang nhiên quảng cáo sản phẩm là mỹ phẩm đặc trị

Đặc biệt, trong số các sản phẩm tại danh mục này, Skin Plus giới thiệu 3 sản phẩm mỹ phẩm có khả năng điều trị “đội lốt” như dược phẩm ngay từ tên gọi: Kem đặc trị mụn nhanh Anti-Acnes; Serum đặc trị mụn; Serum đặc trị nám, tàn nhang Nano Whitening.

Theo thông tin in trên hộp mỹ phẩm Serum đặc trị nám, tàn nhang Nano Whitening thể hiện, sản phẩm này có công dụng làm đều màu da, loại bỏ nhanh chóng các đốm nâu tích tụ lâu ngày trên da. Trị nám da và tàn nhang, ức chế việc hình thành và sản sinh Melanin… Thế nhưng, trong phiếu công bố sản phẩm mà phía Skin Plus cung cấp cho PV thì mục đích của Serum đặc trị nám, tàn nhang Nano Whitening chỉ có công dụng “làm trắng da và dưỡng da”.

Trong khi trên hộp mỹ phẩm thì công dụng là điều trị...

...nhưng trong phiếu Công bố sản phẩm mỹ phẩm đã được Bộ Y tế ký đóng dấu thì sản phẩm Nano Whitening chỉ được đánh dấu tick vào ô Sản phẩm làm trắng da (khoanh đỏ).


Những từ như “đặc trị”, “trị nám và tàn nhang” được Skin Plus lấy từ đâu để giới thiệu cho sản phẩm của mình, trong khi trong phiếu công bố sản phẩm không hề nhắc đến các công dụng này? Và mỹ phẩm có chức năng “đặc trị” từ bao giờ? Đó là những câu hỏi được người tiêu dùng đặt ra, bởi theo Hiệp định mỹ phẩm ASEAN về quản lý mỹ phẩm, một quy định được áp dụng tại Việt Nam trong quy chế quản lý mỹ phẩm thì công dụng “đặc trị” hay “điều trị” không được coi là công dụng của mỹ phẩm và bị cấm trong hoạt động quảng cáo mỹ phẩm.

Thế nhưng, Skin Plus lại ngang nhiên “lăng xê” sản phẩm của mình một cách công khai, khiến nhiều khách hàng hiểu lầm về công dụng của loại mỹ phẩm này. Phải chăng Skin Plus đang cố tình quảng bá “trá hình” công dụng các sản phẩm mỹ phẩm này để đánh vào thị hiếu cũng như lòng tin của khách hàng mong muốn có một làn da đẹp.

Khi PV thắc mắc về vấn đề này, C.E.O SKIN PLUS - Phước Phạm khẳng định, sản phẩm của công ty là mỹ phẩm chứ không phải thuốc. Người này cho tiết lộ, sản phẩm Skin Plus do một công ty khác sản xuất còn Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Mỹ phẩm Skin Plus chỉ chịu trách nhiệm lấy sản phẩm về phân phối.

Ngoài ra, khi PV đưa ra hàng loạt các sai phạm mà Skin Plus mắc phải thì người này vẫn vô tư tươi cười và cho rằng công ty đã làm đúng. “Quảng cáo là đặc trị vì trong sản phẩm có tinh chất đặc trị, vì vậy em sử dụng từ đặc trị thì có sai đâu”, C.E.O SKIN PLUS khẳng định.

Không chỉ vậy, người này còn liên tục chối bỏ trách nhiệm về chiêu trò quảng cáo của mỹ phẩm Skin Plus và cho rằng, những kiến thức về quảng cáo cho mỹ phẩm thì không được rõ, vì không được học nên không biết. “Khi làm, bên em cũng mua các mỹ phẩm của các hàng khác rồi về bắt chước theo chứ cũng không có kinh nghiệm”, C.E.O SKIN PLUS cho biết. Khi PV tiếp tục đưa ra những chứng cứ cho thấy Skin Plus đang có sự lừa dối trắng trợn người tiêu dùng thì vị C.E.O này lại nhẹ nhàng như không có chuyện gì xảy ra và nói “sai phạm của bên em rất là nhỏ, hầu như ai cũng bị”.

Với những câu trả lời của mình, phải chăng chính C.E.O Skin Plus không có kiến thức cơ bản về kinh doanh mỹ phẩm nhưng vẫn vô tư quảng cáo, “nổ” về công dụng của các loại mỹ phẩm này? Liệu đây có phải chiêu trò mà Skin Plus sử dụng để lừa dối người tiêu dùng?

Theo quy định tại Điều 4, Nghị định 181/2013/NĐ-Cp ngày 14/11/2013, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng Cáo:

1. Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu sau đây:

a, Phiếu Công bố mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về dược;

b, Tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có).

3, Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Theo quy định tại Điều 21, Thông tư 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 quy định về quản lý mỹ phẩm:

“Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu chứng minh tính an toàn và hiệu của của mỹ phẩm và phải tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của ASEAN”. 


Theo GĐ&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Việt Nam quyết đấu Myanmar: Việt Nam sẽ chiến thắng

Một chiến thắng trước Myanmar giúp tuyển Việt Nam gần như cầm chắc vé vào kết, thậm chí là ngôi nhất bảng A. Thầy trò HLV Park Hang Seo làm tất cả để hoàn thành mục tiêu trong trận đấu tối nay tại Yangon.