Quảng cáo thuốc lá đến khi nào hết 'lách luật'?

08/01/2019 15:55

Kinhte&Xahoi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá quy định cấm các hành vi quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức; tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá. Thế nhưng trên thực tế, phần lớn các chủ đại lý kinh doanh và bán lẻ thuốc lá trên cả nước đều vi phạm về trưng bày và quảng cáo trong kinh doanh thuốc lá.

Đủ chiêu lách luật

Đến nay, Việt Nam đã hoàn toàn cấm các hoạt động quảng cáo, khuyến mại thuốc lá công khai trên báo đài, truyền hình, pano, áp phích quảng cáo. Tuy nhiên, hình ảnh các loại thuốc lá vẫn đến được với người tiêu dùng bởi các “chiêu” lách luật quảng cáo rất tinh vi.

Điển hình nhất là hình thức trưng bày bắt mắt tại các điểm bán thuốc lá. Các điểm bán này đã phớt lờ quy định “tại mỗi điểm bán không được phép trưng bày quá một bao/gói hoặc trưng bày quá một tút/hộp của một nhãn hiệu thuốc lá” theo Thông tư số 78/2008/TT-BVHTTDL.

Quy định cho phép trưng bày thuốc lá tại điểm bán chính là “kẽ hở” để các công ty thuốc lá tiếp tục quảng bá hình ảnh của các loại thuốc lá.

 

Có thể thấy, quy định cho phép trưng bày thuốc lá tại điểm bán chính là kẽ hở để các công ty thuốc lá tiếp tục quảng bá hình ảnh của các loại thuốc lá đến người tiêu dùng. Họ nghĩ ra đủ chiêu trò để lách quy định trên.

Ví  dụ, trưng bày nhiều sản phẩm của một nhãn hiệu thuốc lá tạo thành các điểm quảng cáo hấp dẫn, dễ nhận biết tại điểm bán. Dùng mô hình sản phẩm quảng bá mặt hàng thuốc lá cũng như thay đổi cách đóng tút thuốc theo hướng giảm hiệu quả hình ảnh cảnh báo sức khỏe.

Bên cạnh đó, việc trưng bày giấu đi hình ảnh cảnh báo sức khỏe và sử dụng đội ngũ tiếp thị bán thuốc lá hùng hậu là cách được dùng khá phổ biến.

Thậm chí thuốc lá được trưng bày lẫn với các sản phẩm thông thường khác như kẹo, bánh… tạo ấn tượng rằng thuốc lá không phải là một sản phẩm độc hại. Điều này vô tình thúc đẩy hành vi mua và bắt đầu hút thuốc ở thanh thiếu niên, tạo ấn tượng rằng việc hút thuốc là được chấp nhận về mặt xã hội và khiến giới trẻ bị lôi cuốn. Ngoài ra, việc trưng bày này cũng làm những người đã cai thuốc có nguy cơ tái nghiện, gợi nhớ đến ham muốn hút thuốc trở lại ở những người đang cố gắng bỏ.

Thực tế những lời quảng cáo “có cánh” ẩn nấp dưới nhiều vỏ bọc như tri ân, cải tiến chất lượng… đã khiến nhiều người hiểu rằng, thuốc lá thơm ngon như một món ăn bổ dưỡng, đậm đà như một thứ đồ uống, làm họ hiểu sai về tác hại của thuốc lá. Thời gian vừa qua các sản phẩm thuốc lá mới được đưa vào thị trường tiêu thụ dưới nhiều hình thức.

Chiến thuật của ngành công nghiệp thuốc lá ngày càng đa dạng, tinh vi và liên tục thay đổi. Các doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở trong quy định hiện hành đưa ra chiêu thức “né” luật. Chẳng hạn, một số công ty thuê các nữ nhân viên tiếp thị có hình thức bắt mắt để quảng bá sản phẩm.

Mặc dù không mang theo túi đựng thuốc lá, nhưng sau khi mời chào, nếu khách hàng có nhu cầu, họ mới đưa sản phẩm ra tiếp thị và mời dùng thử sản phẩm. Vì thế, số lượng thuốc lá bán ra thị trường vẫn khá lớn.

Anh Nguyễn Văn Thành (32 tuổi, ngụ Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Thông thường những người nghiện thuốc lá sử dụng các sản phẩm quen thuộc bởi họ quen vị của loại sản phẩm đó.

Tuy nhiên, dạo gần đây nhiều sản phẩm mới ra đời có bao bì rất bắt mắt, hình thức đẹp, đặc biệt là những cải tiến chất lượng được ghi trên các sản phẩm khiến nhiều người thay đổi quan điểm, chuyển sang trải nghiệm những loại thuốc mới. Đặc biệt, một số hãng thuốc lá còn sử dụng chính sách khuyến mại để hấp dẫn người tiêu dùng như tặng bật lửa, giảm giá thuốc khi bóc tem trả lại…”.

“Kẽ hở” vì luật chưa “kín”?

Trong khi Việt Nam đã phê chuẩn Công ước khung về Kiểm soát Thuốc lá (FCTC)  từ năm 2004. Theo đó Việt Nam cần ban hành quy định cấm triệt để bất cứ hình thức trưng bày sản phẩm nào và cấm bày sản phẩm thuốc lá ở các điểm kinh doanh, kể cả đại lý cố định và người bán rong trên phố. So với yêu cầu này, thì Thông tư 78/2008/TT-BVHTTDL của Việt Nam vẫn còn yếu và là một kẽ hở để các công ty quảng cáo thuốc lá lách luật.

Theo Điều 13 FCTC quy định cấm quảng cáo, khuyến mại và tài trợ thuốc lá bao gồm cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá từ lãnh thổ quốc gia tham gia FCTC và từ nước ngoài vào lãnh thổ quốc gia tham gia FCTC. Bên cạnh đó, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá tại Khoản 2, 3, 8 Điều 9 và Điều 16 có quy định các hành vi bị cấm, hoạt động tài trợ đối với thuốc lá.

Cụ thể, các các hành vi bị cấm gồm: quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức; tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật này; sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em.

Bà Trần Thị Trang - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế đánh giá thực tiễn thực hiện các quy định về quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá, bà chỉ rõ những vấn đề tồn tại điển hình như: trưng bày quá 1 bao/tút thuốc của cùng 1 nhãn hiệu thuốc lá; dùng mô hình sản phẩm quảng bá hàng hóa thuốc lá; trưng bày giấu đi hình ảnh cảnh báo sức khỏe; dùng đội ngũ tiếp thị bán thuốc lá…

Theo bà Trang, nguyên nhân của tình trạng trên là do nhận thức về các quy định cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá chưa tốt và tính tuân thủ quy định pháp luật về cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ và trưng bày thuốc lá tại điểm bán chưa cao. Ngoài ra, lực lượng thanh tra mỏng, địa bàn rộng và chậm triển khai trong việc xử phạt từ phía các cán bộ thực thi nhiệm vụ, chưa đẩy mạnh sự phối hợp giữa các sở ngành liên quan... trong công tác kiểm tra, giám sát.

Bà Lê Thị Thu - Tổ chức Health Bridge Canada chia sẻ, một số cơ quan báo chí hiện nay vẫn đang vi phạm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá trong việc đăng tải hoạt động tài trợ của doanh nghiệp thuốc lá và vi phạm Công ước Khung FCTC trong việc phối hợp với doanh nghiệp thuốc lá thực hiện hoạt động tài trợ.

Thực tế cho thấy, để thực hiện tốt Công ước Khung các cơ quan chức năng liên quan cần thực hiện cấm toàn bộ mọi hình thức quảng cáo, khuyến mại, tài trợ thuốc lá, bao gồm cả hoạt động gọi là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp thuốc lá và khuyến cáo xuyên biên giới.

Đặc biệt, cần tăng cường thông tin, giáo dục, truyền thông về các quy định Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và Công ước Khung FCTC, cũng như tăng cường quản lý và phối hợp của các cơ quan chức năng trong việc giám sát và xử lý các vi phạm về quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị của các công ty thuốc lá trên báo chí.

 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Bóng xích ở sân Mỹ Đình đang bị “lãng quên”?

Sau khi Đội tuyển bóng đá Việt Nam đoạt chiếc cúp vô địch AFF Cup 2018 vào tối ngày 15/12, nhưng 40 quả bóng xích ở sân vận động Quốc gia Mỹ Đình vẫn chưa được trả về vị trí cũ. Phải chăng những quả bóng xích này đã bị lãng quên?