Sẽ có "vòng kim cô" với doanh nghiệp “phớt lờ” không đóng góp Quỹ bảo vệ môi trường

26/05/2022 10:27

Kinhte&Xahoi Bộ TN&MT sẽ thanh, kiểm tra và xử lý doanh nghiệp không kê khai đóng góp vào Quỹ BVMT Việt Nam bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022. Theo đó, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm, bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý (như thuốc bảo vệ thực vật, kẹo cao su, tã bỉm, băng vệ sinh, khăn ướt, thuốc lá...) phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường (BVMT) Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động xử lý chất thải trước ngày 20/4/2022.

Tã, bỉm và băng vệ sinh,... là một trong những sản phẩm khó tái chế và khó phân hủy. Ảnh Pháp luật Plus

Quy định là thế, nhưng theo thông tin từ Quỹ BVMT Việt Nam cho biết, tính tới nay số tiền đã đóng góp vào Quỹ chỉ khoảng 177 tỷ đồng.

Điều này cho thấy còn rất nhiều doanh nghiệp đang “phớt lờ”, chưa thực hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường như lời cam kết trong quá trình sản xuất, phân phối các sản phẩm bao bì chứa chất độc hại, khó có khả năng tái chế hoặc gây khó khăn cho thu gom, xử lý. Việc doanh nghiệp chưa đóng góp quỹ tạo nên sự không công bằng đối với các doanh nghiệp đã thực hiện.

Theo Quỹ BVMT Việt Nam, những doanh nghiệp đã kê khai và đóng góp vào quỹ đến thời điểm hiện nay trong ngành hàng tã, bỉm và băng vệ sinh được kể đến: Công ty Kimberly-Clark Việt Nam; Procter & Gamble Việt Nam; Johnson & Johnson và Diana Unicharm… Đối với ngành hàng kẹo cao su gồm: Công ty Mondelez Kinh Đô và Công ty Perfetti Van Melle.

Mặt hàng kẹo cao su thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải. Ảnh minh họa, nguồn Internet.

Trước đó ngày 18/05, tại cuộc họp trực tuyến với đại diện các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020.

Tại cuộc họp nhằm phổ biến và thực thi chính sách tới các doanh nghiệp, ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT đã giải đáp các câu hỏi của doanh nghiệp xoay quanh quy định trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu.  

Trả lời câu hỏi của đại diện Công ty Kimberly-Clark Việt Nam về công bằng giữa trách nhiệm tái chế và trách nhiệm xử lý. Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT cho biết, trách nhiệm tái chế đối với sản phẩm có thể tái chế cao, còn đối với sản phẩm không thân thiện với môi trường chứa chất độc hại khó tái chế và nếu tái chế thì giá trị tái chế thấp gây khó khăn trong việc thu gom xử lý chất thải sản xuất phải có trách nhiệm thực hiện sớm, Bộ TN&MT không có thẩm quyền lùi việc thực hiện quy định này.

Ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ TN&MT tại cuộc họp trực tuyến với doanh nghiệp. Ảnh Pháp luật Plus

Trường hợp các công ty sản xuất khăn ướt, tã bỉm, băng vệ sinh vừa để xuất khẩu và bán trong nước thì đóng góp tài chính vào Quỹ BVMT Việt Nam để hỗ trợ xử lý chất thải chỉ áp dụng và kê khai phần sản phẩm bán trong nước, không phải tính phần sản phẩm xuất khẩu.

Đối với sản phẩm tã bỉm, băng vệ sinh, khăn giấy ướt được đóng gói trong các bao bì nhựa thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải. Phần bao bì trực tiếp của tã bỉm, băng vệ sinh, khăn giấy ướt sẽ không thuộc đối tượng thực hiện trách nhiệm tái chế.

Cách tính số tiền đóng quỹ thì chỉ có một số sản phẩm như tã bỉm, băng vệ sinh, kẹo cao su,... là tính theo phần trăm giá trị nhập khẩu, còn lại tính theo số tiền nhân với kg nhựa sử dụng. Việc kê khai toàn bộ sản phẩm, hàng hóa nhằm đảm bảo việc kê khai của nhà sản xuất, nhập khẩu là đúng, đủ đối tượng sản phẩm, bao bì phải thực hiện trách nhiệm. Thông tin kê khai của doanh nghiệp nhằm phục vụ công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện trách nhiệm của nhà sản xuất, nhập khẩu đảm bảo tiêu chí công khai, minh bạch và công bằng giữa các nhà sản xuất, nhập khẩu. Bộ TN&MT không sử dụng thông tin kê khai của doanh nghiệp với mục đích khác.

Một số sản phẩm tã bỉm phổ biến tại Việt Nam, hiện được các bà mẹ tin dùng.

Qua đó, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ TN&MT cho biết thêm, hiện Bộ TN&MT đã có danh sách của các doanh nghiệp thuộc đối tượng thực thi, thời gian tưới sẽ tiến hành thanh, kiểm tra, nhắc nhở và xử lý ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, dự kiến cuối tháng 5 năm nay.

Việc thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm nhằm bảo đảm sự tuân thủ và nghiêm minh của pháp luật mà còn là bảo đảm sự công bằng, bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Không thể để tình trạng trong cùng một ngành hàng mà doanh nghiệp này thực hiện trong khi đó doanh nghiệp kia không thực hiện, Vụ trưởng Vụ Pháp chế nhấn mạnh. Ngoài các mức phạt nặng, các doanh nghiệp có các hành vi vi phạm còn bị công khai tên trên Cổng thông tin điện tử EPR Quốc gia.

Tại buổi làm việc, Vụ Pháp chế - Bộ TN&MT cũng đánh giá cao loạt bài viết phản ánh về sự nguy hiểm của bỉm, tã khi thải ra môi trường của Pháp luật Plus (Báo Pháp luật Việt Nam), góp phần vào sự tuyên truyền đến người dân xung quanh vấn đề bảo vệ môi trường. Cũng như phản ánh thực trạng việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường cần được các doanh nghiệp, người dân thực hiện nghiêm túc.

Đào Xuân - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Đoàn Thể thao Hà Nội đóng góp 151 huy chương ở SEA Games 31

Kết thúc SEA Games 31, Đoàn thể thao Việt Nam giành được 205 Huy chương Vàng (HCV), 125 Huy chương Bạc (HCB), 116 Huy chương Đồng (HCĐ), phá vỡ "kỷ lục" 194 HCV mà đoàn Indonesia giành được ở SEA Games 19 tổ chức năm 1997. Đóp góp vào thành tích này là những tấm huy chương của Đoàn thể thao Hà Nội.

SEA Games 31 và những con số ấn tượng

Với 205 Huy chương Vàng, 125 Huy chương Bạc và 116 Huy chương Đồng, Việt Nam xếp nhất toàn đoàn trên Bảng tổng sắp huy chương SEA Games 31. Không những vậy, Việt Nam còn vượt xa kỷ lục của Indonesia lập tại SEA Games Jakarta 1997, với 194 HCV.