Siết chặt hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo an toàn thực phẩm

24/02/2023 14:33

Kinhte&Xahoi Thời gian qua, lực lượng chức năng trên địa bàn Hà Nội đã liên tiếp phát hiện, xử lý nhiều vụ việc “tuồn” thực phẩm bẩn vào thị trường để tiêu thụ. Để chặn đứng "thực phẩm bẩn", bảo vệ sức khỏe người dân, lực lượng chức năng cần siết chặt hơn nữa việc kiểm tra, kiểm soát thị trường.

Liên tiếp bắt giữ hàng tấn thực phẩm bẩn

 Thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm của công an thành phố Hà Nội dịp đầu năm 2023, ngày 9/1/2023, đội 4 - Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an thành phố Hà Nội phối hợp cùng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2 - Cục QLTT Hà Nội đã tiến hành kiểm tra đột xuất địa điểm tập kết hàng hóa tại trước số nhà 158 Trần Quang Khải (phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 1 tấn nầm lợn được cất giấu trong 35 bao tải dứa, bên ngoài có in nhãn mác bằng tiếng nước ngoài.

Lực lượng liên ngành phát hiện, thu giữ 1 tấn nầm lợn trong 35 bao tải

Đấu tranh tại chỗ, chủ số hàng không xuất trình được bất kì hóa đơn chứng từ liên quan đến nguồn gốc số nội tạng động vật; Đồng thời thừa nhận, số nội tạng động vật này được đối tượng thu mua trổi nổi từ nhiều nguồn trên thị trường, đang vận chuyển đi phân phối tại các chợ đầu mối, một số quán ăn trên địa bàn thành phố Hà Nội thì bị phát hiện và thu giữ.

Trung tá Phạm Thanh Hải, Đội 4, Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an TP Hà Nội cho biết, hiện nay, để trốn tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng, các đối tượng thường xuyên lựa chọn thời gian chuyển hàng vào ban đêm, đồng thời, thay đổi địa điểm giao hàng liên tục. Điều này khiến công tác trinh sát của lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nếu không được phát hiện kịp thời, số nội tạng động vật này có thể sẽ được tiêu thụ tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, nhà hàng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trước đó, ngày 16/12/2022, Công an quận Hoàng Mai phối hợp với Cục Quản lý thị trường Hà Nội tiến hành kiểm tra điểm tập kết thực phẩm tại ngõ 147A Tân Mai, phường Hoàng Văn Thụ. Tại đây, lực lượng chức năng thu giữ 300kg thực phẩm đông lạnh gồm nội tạng động vật, thịt động vật, có dấu hiệu bốc mùi hôi thối, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Cũng theo thông tin từ Công an quận Hoàng Mai, ít ngày trước đó, ngày 13/12, đơn vị kiểm tra địa điểm kinh doanh tại địa chỉ 51A ngõ 16/77 Định Công Hạ, phường Định Công, quận Hoàng Mai do chị N.T.H (sinh năm 1993; ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội) làm chủ, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ 27kg thịt lợn ba chỉ nhãn Pork belly made in Russia; 22kg ba chỉ bò nhãn beff jerky made in USA; 5kg lườn ngỗng xông khói nhãn HEHHOCTb không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Còn nhiều chồng chéo trong quản lý

 Trong năm 2022, lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường toàn quốc đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 8.514 vụ vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, trong đó có 7.924 cá nhân và 642 tổ chức; Khởi tố 24 vụ với 21 bị can; Xử phạt vi phạm hành chính 8.162 vụ với 7.573 cá nhân, 610 tổ chức. Trong đó, có những vụ việc, cơ quan chức năng thu giữ lên tới gần một trăm tấn thực phẩm không bảo đảm an toàn... Từ số liệu thống kê trên cho thấy, vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn còn nhiều diễn biến phức tạp.

Cán bộ quản lý thị trường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại cửa hàng tự chọn

Hiện, thị trường có 2 hệ thống phân phối chính là chợ và siêu thị. Tại chợ, việc truy xuất nguồn gốc thực phẩm hầu như không thể kiểm soát chặt chẽ toàn diện ở tất cả các mặt hàng.

Để yên tâm hơn, nhiều người dân lựa chọn mua thực phẩm ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Tuy nhiên, vụ việc một số chuỗi siêu thị, cửa hàng bị phanh phui thu gom rau, thực phẩm ở chợ đầu mối đưa về đóng gói, dán nhãn VietGAP để bán đã khiến người tiêu dung mất niềm tin.

Chị Trần Hoàng Yến (38 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Giờ chẳng biết mua thực phẩm ở đâu cho an toàn. Trước tôi hay mua ở siêu thị với mấy cửa hàng thực phẩm sạch cho yên tâm nhưng từ đợt đọc thông tin người tiêu dùng phản ánh việc cửa hàng bán sản phẩm hết hạn, trộn hàng ngoài chợ, tôi hãi lắm”.

Để kiểm soát lưu thông thực phẩm hiện có sự tham gia phối hợp của lực lượng công an, QLTT, cơ quan thú y, thanh tra y tế. Tuy nhiên, lực lượng còn mỏng, chỉ đủ quân số để thanh tra, kiểm tra tại các chợ đầu mối, chợ dân sinh, hệ thống siêu thị trong khi mặt hàng này được bày bán ở khắp nơi, đặc biệt là trên các mạng xã hội.

Đăng nhập vào mạng xã hội Facebook và gõ từ khóa “thực phẩm” sẽ xuất hiện hàng loạt hội nhóm buôn bán thực phẩm. Mỗi nhóm đều có hàng chục nghìn thành viên, cá biệt có nhóm lên tới gần 120.000 thành viên. Tại đây, khách hàng có thể tìm mua số lượng lớn các loại thực phẩm có mẫu mã và quy cách giống như thực phẩm trong nhiều vụ việc bị lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ. Việc mua bán cũng như chất lượng hàng hóa rất khó kiểm soát, quản lý, kiểm tra vì người mua và người bán trao đổi qua tin nhắn, điện thoại, không có địa chỉ kho hàng... Điểm đến của những đơn hàng này ở đâu thì càng khó đoán định, phát hiện.

Chia sẻ với báo chí, khi nói về những khó khăn trong quá trình ngăn chặn thực phẩm bẩn, Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, Chính phủ đã ban hành Luật An toàn thực phẩm năm 2020. Tuy nhiên Luật cũng quy định có tới 3 Bộ gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương và Y tế cùng tham gia quản lý dẫn đến việc thiếu phân định rõ trách nhiệm từng ngành nên dễ rơi vào tình trạng chồng lấn hoặc bỏ sót trách nhiệm trong quá trình kiểm tra, kiểm soát.

Đại diện Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cũng cho biết, đơn vị đã ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng giả, hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; Trong đó, tập trung vào các mặt hàng có sức tiêu thụ cao như thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt gia súc, gia cầm nhập lậu; bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thuốc lá…

Cục cũng phối hợp kiểm tra các điểm tập kết, kho hàng tại địa bàn các quận, huyện và trên các tuyến giao thông đường bộ, đường sắt từ các tỉnh phía bắc, miền trung, phía nam tới Hà Nội.

Lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành ký cam kết, tuyên truyền đến các hộ sản xuất, doanh nghiệp, người kinh doanh về tác hại của việc sản xuất, kinh doanh rượu, thực phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, từ đó hạn chế các hành vi vi phạm.

Đối với người tiêu dùng, cơ quan chức năng khuyến cáo, nên chọn mua sản phẩm tại các địa chỉ uy tín, có đầy đủ thông tin, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không vì giá rẻ mà mua những thực phẩm "bẩn" ảnh hưởng tới sức khỏe bản thân và gia đình.

 Diệu Linh- TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Khai mạc Hội thi truyền thống vật dân tộc thời Mạc năm 2023

Sáng 2/2, Hội thi truyền thống vật dân tộc thời Mạc lần thứ 2 năm 2023 chính thức được khai mạc. Đây là Hội thi do Ban Quản lý Di tích Từ đường họ Mạc Cổ Trai xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thuỵ) phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hải Phòng tổ chức.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/siet-chat-hon-nua-viec-kiem-tra-kiem-soat-thi-truong-dam-bao-an-toan-thuc-pham-218033.html