Singapore phạt Grab và Uber gần 10 triệu USD vì vụ sáp nhập

25/09/2018 09:00

Kinhte&Xahoi Cơ quan chống độc quyền của Singapore ngày 24/9 tuyên phạt Grab và Uber số tiền 13 triệu Đôla Singapore, tương đương 9,5 triệu USD...

Hồi tháng 3 năm nay, Uber - công ty có trụ sở Mỹ - bán lại hoạt động tại thị trường Đông Nam Á cho đối thủ Grab để đổi lấy cổ phần 27,5% trong Grab - công ty có trụ sở ở Singapore.

Vụ sáp nhập này đã vấp phải thái độ thận trọng của cơ quan chức năng các quốc gia trong khu vực. Trong một động thái hiếm gặp, Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Singapore (CCCS) đã mở một cuộc điều tra chỉ vài ngày sau khi thỏa thuận Grab-Uber được công bố.

Văn phòng của Uber và Grab ở Singapore hồi tháng 3/2017 - Ảnh: Reuters.

Hãng tin Reuters cho biết, vào ngày thứ Hai, CCCS tuyên bố đã hoàn tất nhiều biện pháp nhằm giảm ảnh hưởng bất lợi của vụ sáp nhập trên đối với tài xế và hành khách tại đảo quốc sư tử, đồng thời đảm bảo sự mở cửa thị trường cho những doanh nghiệp mới tham gia cạnh tranh. CCCS đánh giá rằng vụ sáp nhập làm suy giảm mạnh sự cạnh tranh trên thị trường ứng dụng gọi xe ở Singapore.

Vì lý do này, CCCS phạt Uber 6,6 triệu USD và phạt Grab 6,4 triệu USD, đồng thời yêu cầu Grab phải xóa bỏ những yêu cầu độc quyền đối với các tài xế.

"Những vụ sáp nhập làm suy giảm mạnh mức độ cạnh tranh trên thị trường là bị cấm, và CCCS đã có động thái nhằm vào vụ sáp nhập Grab-Uber vì vụ sáp nhập này loại bỏ đối thủ cạnh tranh gần nhất của Grab, gây ảnh hưởng đến tài xế và hành khách ở Singapore", Giám đốc CCCS, ông Toh Han Li, nói trong một tuyên bố.

Theo CCCS, giá cước Grab thực tế đã tăng 10-15% sau vụ sáp nhập, và công ty này giờ đây đã chiếm thị phần 80% trên thị trường ứng dụng gọi xe ở Singapore. CCCS yêu cầu Grab giữ nguyên cách tính giá cước như trước vụ sáp nhập và giữ nguyên mức phí mà tài xế phải trả cho hãng.

Ngoài ra, CCCS yêu cầu Uber bán lại toàn bộ xe trong công ty cho thuê xe City Rentals của hãng này tain Singapore cho một đối thủ nào đó, với mức giá phù hợp thị trường. Nhà chức trách nói Uber không được bán số xe đó cho Grab nếu không được cơ quan chức năng cho phép.

Đội xe của Lion City tính đến tháng 12 năm ngoái gồm 14.000 chiếc.

Uber nói rằng quyết định của CCCS dựa trên "định nghĩa hẹp hòi, không phù hợp về thị trường, miêu tả thiếu chính xác về bản chất năng động của lĩnh vực, bên cạnh những mối quan ngại khác". Uber cũng tuyên bố sẽ cân nhắc kháng cáo.

Về phần mình, Grab nói thương vụ thâu tóm Uber nằm trong các quyền hợp pháp của hãng, đồng thời tiếp tục khẳng định hãng không cố ý hay vô tình vi phạm luật cạnh tranh.

Grab nói giá cước của hãng không hề tăng sau vụ sáp nhập, và các tài xế luôn có sự lựa chọn tối đa. Hãng cũng nói tất cả các doanh nghiệp vận tải, bao gồm các hãng taxi truyền thống đều cần phải tuân thủ các điều kiện chống độc quyền. Tuy nhiên, Grab nói sẽ tuân thủ các yêu cầu mà CCCS đưa ra.

 

Theo Vneconomy/Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

U23 Việt Nam, trái ngọt từ phương pháp "Trồng người"

Kết thúc ASIAD 2018 đoàn thể thao Việt Nam trở về nước trong sự chờ đợi, chào đón cuồng nhiệt của người hâm mộ. Mọi sự tập trung đều hướng về đội tuyển Olympic bóng đá nam Việt Nam với thành tích lọt vào bán kết môn bóng đá nam, một cột mốc lịch sử mà chưa có thế hệ nào của bóng đá nam Việt Nam làm được.