Thâm nhập đường dây mua bán thông tin khách hàng liên tỉnh

26/06/2018 18:04

Kinhte&Xahoi Với cách thức gửi một số data để khách kiểm tra trước, sau khi chuyển tiền sẽ gửi danh sách còn lại, đường dây này đã mua bán trót lọt hàng triệu thông tin cá nhân liên tỉnh.

Trên mạng hiện nay tràn lan hàng loạt địa chỉ rao bán thông tin cá nhân, thông tin loại nào cũng có, giá cũng đủ loại, từ vài triệu đến cả chục triệu đồng. Liên hệ đến một số điện thoại 0933504xxx đang công khai trên facebook, ngay lập tức có người nhận bán dữ liệu, dân trong nghề gọi là data.

Trên mạng xuất hiện tràn lan các địa chỉ rao bán thông tin khách hàng. (ảnh cắt từ clip).

Khi được PV hỏi hiện nay đang có những loại data nào? Vị này cho biết hiện tại đang có các loại data: Phụ huynh, bệnh viện, bất động sản, ngân hàng và bảo hiểm.

Phải mất hơn 2 tuần thuyết phục, người bán mới chấp nhận gặp trực tiếp, thế nhưng chỉ gặp ngoài quán café. Anh này cho biết đang nắm trong tay danh sách phụ huynh của 60 trung tâm tại 10 tỉnh thành của 1 đơn vị dạy tiếng anh “em xem tài khoản riêng vì thực ra là em làm ở trên bộ phận tổng luôn ấy, tài khoản này thì có thể cập nhật hết tất cả luôn”. Để khẳng định thông tin mình bán chính xác 100%, người này cho PV kiểm tra tại chỗ:

Chị có phải là mẹ của bé Hương Giang đúng không ạ? Ừ đúng rồi em ạ!

Chị ơi chị có phải là phụ huynh của bé Thuỳ Dương không ạ? Ừ đúng rồi em.

Một nhân viên bán data khẳng định làm ở trên bộ phận tổng nên có thể cập nhật hết tất cả thông tin của phụ huynh và học sinh tại một trung tâm tiếng anh.(ảnh cắt từ clip).

Hơn 20 số điện thoại của phụ huynh được gọi tất cả đều cho biết đang có con học tại trung tâm tiếng anh trên.

Chỉ 3 triệu đồng cho 1 gói dữ liệu của 10 nghìn phụ huynh học sinh với đầy đủ thông tin như tên, tuổi, số điện thoại và địa chỉ nhà riêng và rất có thể gói dữ liệu này lại tiếp tục được bán cho nhiều người với những mục đích khác nhau.

Tuy nhiên vấn đề đáng nói ở chỗ chuyện mua bán thông tin dữ liệu không chỉ dừng lại ở một vài đầu mối hay một cá nhân riêng lẻ mà có hẳn một đường dây mua bán thông tin cá nhân liên tỉnh. Từ những gói thông tin đơn giản đến những dữ liệu thông tin có phần nhạy cảm.

 * Clip phóng sự thâm nhập điều tra đường dây mua bán thông tin khách hàng liên tỉnh (Nguồn VTV):

Hơn 1 tháng tiếp cận, một đầu mối được xem là chùm dữ liệu mới chấp nhận tiếp PV, người này được cho là có trong tay cả triệu data về những khách hàng giàu có trong lĩnh vực bất động sản, anh này khẳng định thông tin của mình là rất chính xác vì mua trực tiếp từ nhân viên dự án “em mua trực tiếp từ admin. Khách hàng lấy căn nào thì admin thống kê, khi nào được 70- 80 % thì bán thông tin.”

Thấy PV muốn tiếp cận thêm các gói dữ liệu trong lĩnh vực khác, ngay lập tức, người này liền kết nối đầu mối bán sỉ data khác, là một công ty. Tự nhận là nhân viên công ty, anh này cho biết công ty vừa bỏ ra cả trăm triệu để mua cả trăm nghìn data, lĩnh vực nào cũng có đặc biệt là lĩnh vực ngân hàng. Chẳng hạn danh sách hơn 1000 khách hàng gửi tiết kiệm trên 5 tỷ này không phải ai cũng có, người này khẳng định giá bán chỉ bằng 50% chỗ khác, song phải mua số lượng lớn.

Danh sách thông tin về số điện thoại và số tài khoản của nhiều khách hàng gửi tiền tiết kiệm trên 5 tỷ đồng. (ảnh cắt từ clip).

PV đã gọi ngẫu nhiên cả chục số điện thoại trong danh sách trên, nhiều người đã xác nhận đúng tên tuổi, di động và số tích kiệm đang gửi ngân hàng trên.

“Anh đã dùng, mở sổ tích kiệm mở bên em từ tháng 10/2016 đúng không ạ? Ừ. Thế bây giờ anh có nhớ số dư chính xác của anh là trên 10 tỷ đúng không anh? Đúng rồi".

Có số điện thoại trong tay, nếu khách hàng muốn có thêm nhiều thông tin cá nhân thì đã có đầu mối chuyên tìm kiếm. Người này giới thiệu có 6 năm kinh nghiệm tìm thông tin gia tăng cho các gói data. Để chứng minh, anh này liền lôi ra danh sách có số điện thoại, chỉ hơn 20 phút sau đã tìm được đường link, tên Facebook, email và ngày tháng năm sinh của chủ di động và cho biết để làm công việc này cần phải có phần mềm riêng. Đặc biết, người này còn tiết lộ rằng có tháng nhiều thì bán được 50 triệu, ít thì 30 triệu.

Qua điều tra, thủ đoạn chủ yếu của đường dây này là giao dịch qua emai, facebook và zalo. Với thủ đoạn này đã mua bán trot lọt hàng triệu data cá nhân liên tỉnh.

Trong quá trình thâm nhập vào đường dây mua bán data, PV đã thu thập được tờ phiếu thu tiền mua bán data cá nhân. Nội dung phiếu thu tiền ghi rõ “mua data dự án bất động sản, mua thông tin khách hàng gửi tiết kiệm” và ở dưới của bên bán data xác nhận rõ chữ ký, giám đốc, con dấu nhưng tất cả lại đều mang tên của một công ty chuyên trong lĩnh vực bất động sản. Câu hỏi đặt ra là liệu có chuyện doanh nghiệp núp bóng doanh nghiệp để mua bán thông tin cá nhân hay không?

Miệng nhận là nhân viên công ty bất động sản, nhưng tay lại mở máy tính, chào bán các gói data về ngân hàng, bảo hiểm, phụ huynh. Anh này cho biết được tuyển vào công ty lâu rồi nhưng không phải đi bán nhà, tư vấn bất động sản mà chỉ đi bán thông tin cá nhân. Khi được hỏi về việc bán data cho cá nhân hay bán cho công ty, người đàn ông này cho biết, "bán cho công ty chứ làm sao em được sỡ hữu”.

Được tuyển vào công ty từ lâu, nhưng những nhân viên này không phải đi bán nhà, tư vấn bất động sản mà chỉ đi bán thông tin cá nhân.

Cũng theo nhân viên này, công ty vừa mua cả triệu data để bán. Chẳng hạn như gói data bất động sản vừa mua với giá gần 100 triệu đồng, hai gói khách hàng gửi tiền tiết kiệm trên 10 tỷ, phải mất cả trăm triệu, không phải ai có tiền cũng mua được “có những gói data công ty mua tới 300- 400 triệu. Nhiều tiền lắm”. Có data mới, theo nhân viên này cho biết, công ty sẽ tung 4- 5 nhân viên đi khắp nơi để tìm khách, người thì bán qua email, facebook, người thì qua zalo.

Trong hình là danh sách thông tin khách hàng bất động sản giàu có không phải ai cũng có thể dễ dàng mua được. (ảnh cắt từ clip).

Nói xong người này cho PV xem 1 lần bán data qua zalo mới đây. Trước tiên sẽ gửi 1 số data cho khách kiểm tra, nếu đúng thì nhận tiền và chuyển phần còn lại. Người này khoe làm tư vấn bất động sản kiếm được ít tiền. Quay sang bán data kiếm được nhiều tiền hơn, công ty ăn nên làm ra nên sẽ mở rộng ra ở các tỉnh thành khi ngỏ ý muốn lên công ty thì bị người này từ chối và nói rằng “không được lên văn phòng, đối tác chỉ được gặp nhau ở ngoài quán café thôi”.

Được biết công ty nói trên là công ty Bất động sản Hà Thành, ngay sau đó PV đã tìm đến nhưng nhiều lần bị từ chối. PV vẫn kiên quyết vào tận văn phòng công ty, một người tự xưng là giám đốc công ty xuất hiện và lý giải không cho lên vì lý do tế nhị.

Người đàn ông tự xưng là giám đốc của công ty Bất động sản Hà Thành.

Qua quan sát, PV nhìn thấy trong căn hộ được thuê làm văn phòng có khoảng chục nhân viên, trong đó có cả những người mới được tuyển vào và được giám đốc trực tiếp đào tạo bán data. Đây là bước được chuẩn bị để mở rộng địa bàn cho việc bán data. Danh nghĩa là giám đốc công ty về bất động sản, nhưng cũng chính người này đã chào bán cho PV một gói dữ liệu cách đây vài tuần.

Liên quan đến việc công ty Bất động sản Hà Thành mua bán thông tin khách hàng liên tỉnh, PV đã liên hệ với Sở Kế hoạch & Đầu tư Hà Nội và được biết, công ty này được cấp giấy phép vào ngày 6/11/ 2015, ngành nghề kinh doanh là kinh doanh, tư vấn và mô giới bất động sản, như vậy toàn bộ hoạt động mua bán thông tin cá nhân đều không thuộc danh mục đăng ký ngành nghề kinh doanh của công ty này với Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội.

Qua loạt phóng sự điều tra kể trên không ai có thể biết là hiện nay đang có bao nhiêu dữ liệu cá nhân đang bị rò rỉ trên thị trường và sẽ xảy ra hậu quả như thế nào?

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Đề cấp đến những hậu quả của hành vi mua bán cá nhân, luật sư Trương Thanh Đức (Công ty luật sư Basico) cho biết, hậu quả của việc mất thông tin cá nhân là rất nguy hại, đặc biệt rơi vào các đối tượng lừa đảo có thể dẫn đến việc mất tài sản, thậm chí là những vụ tống tiền hay là các nguy cơ khác.

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chưa có doanh nghiệp đăng ký “nhận độ” cá cược “chợ đen” vẫn sôi động

Tỷ lệ kèo các giải đấu thể thao quốc tế được đăng tải rộng rãi. World cup 2018 đang diễn ra tại Cộng hòa Liên bang Nga, cũng không phải ngoại lệ. Song, tại Việt Nam, nhiều người băn khoăn, luật hóa đặt cược thể thao có ngăn chặn được nạn cá độ “chợ đen” hay không? Và, đã có doanh nghiệp nào đăng ký để được “nhận độ” chưa?