Thị trường thiết bị phòng cháy, chữa cháy: Nơi "nóng sốt", nơi "nguội lạnh"

08/08/2022 14:38

Kinhte&Xahoi Nhiều cửa hàng kinh doanh thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC) lâm vào tình trạng ế ẩm dài ngày dù hỏa hoạn liên tiếp xảy ra trên địa bàn Thủ đô.

Cửa hàng thiết bị phòng cháy chữa cháy đìu hiu

Thời gian qua, trên cả nước đã có nhiều vụ cháy nổ xảy ra gây thiệt hại nặng nề về người và của. Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, trong 6 tháng đầu năm cả nước xảy ra 848 vụ cháy, làm chết 41 người, bị thương 42 người.

Mới đây vào chiều ngày 1/8, sự hy sinh dũng cảm của 3 cán bộ, chiến sĩ Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) Công an quận Cầu Giấy trong vụ cháy quán karaoke ISIS - 231 Quan Hoa đã để lại niềm thương xót, tiếc nối cho gia đình, bạn bè của các chiến sĩ và người dân cả nước, đồng thời làm dấy lên nhiều lo ngại trong công tác đảm bảo PCCC tại khu dân cư và các hộ kinh doanh.

Những tưởng sau nhiều vụ cháy lớn diễn ra liên tục sẽ khiến người dân Thủ đô quan tâm nhiều hơn đến việc mua thiết bị phòng cháy chữa cháy để đảm bảo an toàn cho gia đình nhưng tình hình kinh doanh không mấy khả quan của những cửa hàng kinh doanh thiết bị phòng cháy chữa cháy đã cho chúng ta thấy điều ngược lại.

Cửa hàng thiết bị phòng cháy chữa cháy đìu hiu

Qua một cuộc khảo sát và phỏng vấn các cửa hàng bán thiết bị phòng cháy chữa cháy và bảo hộ lao động trên khu vực đường Khuất Duy Tiến quanh Đại học Phòng cháy Chữa cháy, chúng tôi đã ghi nhận nhiều sự thật đáng buồn. Dường như những vụ hỏa hoạn từ đầu năm cho tới nay chưa thực sự dấy lên một hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng của việc đảm bảo những quy chế nghiêm ngặt về phòng cháy chữa cháy, với bước đơn giản nhất là có một chiếc bình xịt cứu hỏa tại chính căn nhà của mình.

Giá của những bình xịt cứu hỏa khá rẻ, chỉ dao động từ 80.000 - 270.000 nghìn/bình nhưng đối tượng chủ yếu của các cửa hàng này đa phần là các công ty, doanh nghiệp, rất ít khách hàng mua lẻ. Không chỉ vậy, mặc dù các cửa hàng đề biển bán đồ PCCC nhưng nguồn thu chủ yếu là từ bán đồ bảo hộ lao động.

Giá của một chiếc bình cứu hỏa sử dụng cho ô tô hoặc xe máy chỉ khoảng 80.000 đồng

Khi được hỏi rằng liệu sau những vụ cháy lớn liên tiếp xảy ra trong suốt 6 tháng đầu năm nay, lượng khách hàng cá nhân mua lẻ dụng cụ PCCC có tăng lên hay không, chị Nguyễn Hồng Nhung, chủ một cửa hàng bán thiết bị bảo hộ lao động và PCCC trên đường Khuất Duy Tiến chia sẻ: “Hiện tại thì lượng khách hàng vẫn chưa có gì thay đổi nhiều. Phần lớn khách đến mua hàng đều là doanh nghiệp hoặc chủ hộ kinh doanh lớn chứ khách hàng mua lẻ, đặc biệt là người trẻ thì ít lắm. Nếu có khách lẻ thì chủ yếu họ mua đồ bảo hộ lao động là nhiều”.

Anh Tiến, một chủ cửa hàng bán đồ PCCC khác chia sẻ: “Khách mua bình cứu hỏa nhiều nhất là chỉ có sau cái đợt cháy quán karaoke ở Cầu Giấy năm 2016, 2017 gì đấy. Năm đấy mọi người đổ xô đi mua bình cứu hỏa mà cũng được một đợt rồi lại thôi. Chứ bình thường cứ bày ở đấy cho người ta biết là mình có bán thôi chứ ít người vào mua lắm”.

Cửa hàng bán dụng cụ PCCC nhưng nguồn thu nhập chính lại đến từ việc bán đồ BHLĐ

Khác với tình hình kinh doanh ế ẩm tại các cửa hàng, một số cửa hàng kinh doanh online lại khởi sắc hơn. Chị Trần Thu Hiền (Hoàn Kiếm, Hà Nội) lo lắng, tìm kiếm những trang thiết bị PCCC để trang bị cho gia đình sau khi vụ cháy tại Quan Hoa, Cầu Giấy xảy ra.

“Tôi mua 4 chiếc mặt nạ phòng độc với giá 300.000 đồng/chiếc, một bình chữa cháy và thang dây thoát hiểm. Nhà tôi sống tại khu tập thể, rất chật chội, cũng không thấy nhà nào trang bị thiết bị phòng cháy chữa cháy gì cả. Sau khi theo dõi thông tin vụ cháy ở Cầu Giấy, tôi liền đi tìm hiểu để mua”, chị Hiền cho biết.

Theo chia sẻ của chị Hiền, tham khảo giá tại một số cửa hàng online và cả các cửa hàng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm thì mặt nạ chống độc dao động từ 80.000 - 500.000 đồng/chiếc, có 2 loại là 1 phin và 2 phin. Bình chữa cháy bột loại 1-8kg có giá 160.000 - 300.000 đồng/bình; bình chữa cháy CO2 từ 3-5kg có giá 360.000 - 570.000 đồng/bình. Thang dây thoát hiểm có hai loại là dây dù và dây bằng cáp, bán kèm là bộ dây đai, giá cả dao động 90.000 - 150.000 đồng/m.

Trong khi đó, những thiết bị được nhập khẩu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ có giá cao hơn. Cụ thể, dây thoát hiểm xuất xứ từ Hàn Quốc có giá từ 3,6 - 4,9 triệu đồng/bộ. Mặt nạ phòng độc của Mỹ giá từ 2 triệu đồng/chiếc. Bình chữa cháy công nghệ cao có giá 700.000 đồng/bình,...

Một trong những vấn đề đáng nói, hiện rất ít gia đình tự trang bị thiết bị phòng cháy, chữa cháy trong nhà. Sống trong khu tập thể cũ trên phố Hàng Thùng hơn 20 năm nay, khi được hỏi “trong nhà có đồ phòng hộ không?”, anh Hoàng Tùng trả lời: "Hiện gia đình mình chỉ có bình chữa cháy mini nhưng cả năm nay không động vào, không biết có sử dụng được nữa không?”.

Trang bị đồ bảo hộ chống cháy trong gia đình là cần thiết

Rõ ràng, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội. Để tránh để xảy ra những hậu quả đáng tiếc như vụ cháy tại phường Quan Hoa vừa qua, đã đến lúc người dân cần nâng cao cảnh giác hơn nữa về tầm quan trọng của công tác PCCC, hạn chế thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra.

Các chuyên gia khuyến cáo, khi xảy ra cháy tìm mọi cách báo cháy nhanh nhất cho mọi người xung quanh biết, gọi điện thoại cho Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy theo số 114 hoặc đội dân phòng, chính quyền địa phương, công an xã, phường gần nhất, đồng thời sử dụng phương tiện để chữa cháy và thoát nạn theo tình huống đã dự kiến.

Những chiếc bình cứu hỏa cũ kĩ, phủ đầy bụi bặm được trưng bày ngày qua ngày nhưng cũng rất ít người đến mua

Khi xảy ra cháy, dùng nước để dập lửa là hiệu quả nhất. Khi thiết kế nhà, phải có hệ thống phun nước chữa cháy ở hành lang và trong nhà. Để khi có cháy, hệ thống này tự động phun nước là sẽ dập tắt được đám cháy. Các gia đình có thể trang bị bình CO2 được thiết kế giống như quả gấc. Khi nhiệt độ cao, tự nó sẽ nổ để dập tắt đám cháy.

Ngoài ra, hệ thống đường dây điện, bóng điện phải được thiết kế đúng chuẩn, tránh tạm bợ dẫn đến chập cháy. Trong nhà phải có chuông báo cháy.

Khi thiết kế nhà, không nên làm cửa lùa mà nên làm cửa đóng vì cửa lùa rất dễ bị kẹt khi xảy ra cháy do nhôm bị nóng chảy. Với cửa mở cánh, nên trang bị khóa cửa đủ dài để chống lại áp suất mạnh đẩy vào cửa khi xảy ra cháy. Ở các cửa sổ, không nên đóng kín mà nên cài khóa ở chế độ không khóa. Khi xảy ra cháy, có thể mở cửa này hoặc cửa ban công để ra ban công.

Trang bị đồ bảo hộ chống cháy trong gia đình là cần thiết, song theo các chuyên gia, kỹ năng xử lý khi có sự cố cháy còn quan trọng hơn để bảo vệ an toàn tính mạng của mình và người thân. Để hạn chế đến mức thấp nhất những hậu quả thương tâm, đau lòng và những mất mát, hy sinh, đã đến lúc công tác PCCC, phòng chống cháy nổ tại mỗi hộ gia đình, mỗi cơ quan, doanh nghiệp và các điểm kinh doanh cần phải được coi là nhiệm vụ sống còn, phải được quan tâm và đầu tư đúng mức. Ngoài những trang thiết bị bắt buộc phải có theo quy định, lối thoát hiểm, cần nghiên cứu, xem xét, bắt buộc phải đầu tư, trang bị những trang thiết bị hiện đại, phù hợp hơn nhằm phòng ngừa, ngăn chặn nguy cơ cháy nổ, giảm bớt những thiệt hại có thể xảy ra, nhất là về nhân mạng.

Ngoài ra, cần xử lý mạnh tay hơn đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, các điểm kinh doanh các loại hình dịch vụ có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao nhưng thiếu các biện pháp an toàn để phòng ngừa, ngăn chặn; vi phạm pháp luật nghiêm trọng công tác PCCC.

Diệu Linh - Hà Chi - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Kỳ thủ Việt Nam gặt hái danh hiệu, hệ số elo tại các giải cờ vua quốc tế

Sau 5 ngày thi đấu, giải đấu thứ hai thuộc hệ thống “Giải cờ vua Kiện tướng quốc tế Hà Nội năm 2022” kết thúc vào chiều 5/8 tại Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hệ thống giải đấu do Liên đoàn Cờ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội tổ chức. Đây cũng là lần đầu tiên, có hai giải cờ vua quốc tế được liên tiếp tổ chức tại Hà Nội.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/thi-truong-thiet-bi-phong-chay-chua-chay-noi-nong-sot-noi-nguoi-lanh-202941.html