Thời tiết đang chuyển sang mùa hè: Đề phòng nguy cơ “dịch chồng dịch”

14/04/2021 07:37

Kinhte&Xahoi Hiện thời tiết đang chuyển sang mùa hè, khí hậu nóng ẩm tại khu vực miền Bắc và bắt đầu mùa mưa ở miền Trung, miền Nam. Đây là điều kiện thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, đường tiêu hóa và các bệnh do muỗi gây ra. Nếu không sớm triển khai các biện pháp mạnh, thì nguy cơ “dịch chồng dịch” rất dễ xảy ra.

Nhân viên y tế phường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) phun thuốc diệt muỗi tại một hộ kinh doanh trên địa bàn để phòng bệnh sốt xuất huyết. Ảnh: TTXVN

Lo ngại dịch bùng phát theo chu kỳ

Thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thấy, từ đầu năm 2021 đến hết ngày 11-4, cả nước ghi nhận 18.436 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 4 trường hợp tử vong tại 3 tỉnh: Kiên Giang, An Giang và Long An. So với cùng kỳ năm 2020, hiện số ca mắc tăng 4,3 lần và gia tăng chủ yếu ở khu vực miền Nam, như thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Long An, Đồng Tháp, An Giang.

Tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Y tế, trong tuần từ ngày 5 đến 11-4, trên địa bàn thành phố ghi nhận 28 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, rải rác tại 9 quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Long Biên, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Đông Anh, Đan Phượng, Thanh Trì. Như vậy, từ đầu năm 2021 đến nay, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 82 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, phân bố rải rác tại 67 xã, phường, thị trấn thuộc 28/30 quận, huyện, thị xã, tăng 62 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái.

"Hằng năm, thành phố Hà Nội ghi nhận từ 1.000 đến 3.000 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng. Bệnh này thường gia tăng vào khoảng tháng 4-5 và tháng 9-10. Thời gian gần đây, số ca bệnh tay chân miệng có xu hướng gia tăng và chủ yếu gặp ở lứa tuổi nhỏ (dưới 5 tuổi)", Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết.

Trong khi đó, bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Trưởng khoa Nội, Trung tâm Bệnh nhiệt đới trẻ em (Bệnh viện Nhi trung ương) lưu ý, một số trường hợp mắc bệnh tay chân miệng ở thể nặng có thể gây biến chứng nguy hiểm, như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp..., dẫn đến tử vong. Bệnh nhẹ có thể chăm sóc tại nhà, nhưng khi bệnh nhân có biểu hiện tiểu ít, khó thở, giật mình và sốt trên 38,5 độ C, kéo dài hơn 48 giờ, cần được đưa ngay đến bệnh viện.

Cùng với bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết cũng là bệnh có nguy cơ bùng phát mạnh trong dịp hè. Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng, từ đầu năm 2021 đến nay, cả nước ghi nhận 19.048 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 5 trường hợp tử vong tại 4 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Phú Yên và Sóc Trăng. So với cùng kỳ năm 2020, số ca mắc sốt xuất huyết ở thời điểm hiện tại giảm 12,7%, nhưng số ca tử vong lại tăng 2 trường hợp. Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2021 đến nay, ghi nhận 56 trường hợp sốt xuất huyết, phân bố tại 48 xã, phường, thị trấn của 20/30 quận, huyện, thị xã, giảm 46% so với cùng kỳ năm ngoái.

Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống dịch và tiêm chủng vắc xin, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương Vũ Minh Điền cho biết, theo chu kỳ, 4 năm 1 lần dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát mạnh ở miền Bắc. Năm 2017, dịch bệnh này gia tăng mạnh ở miền Bắc, trong đó Hà Nội trở thành điểm nóng với 37.651 ca mắc và 7 trường hợp tử vong. Như vậy, năm 2021 đúng vào chu kỳ đó, tiềm ẩn nguy cơ lớn sốt xuất huyết bùng phát thành dịch. “Hiện nước ta vẫn phải đối mặt với các dịch bệnh thường lưu hành hằng năm như sởi, quai bị, thủy đậu, rubella, tay chân miệng, sốt xuất huyết... Nếu chỉ mải phòng, chống dịch Covid-19, bỏ quên các nguy cơ gây ra các dịch bệnh khác, thì tình trạng “dịch chồng dịch” hoàn toàn có thể xảy ra”, bác sĩ Vũ Minh Điền khẳng định.

Phân tuyến điều trị, tránh lây nhiễm chéo

Giáo viên Trường Mẫu giáo số 3 (quận Ba Đình) vệ sinh lớp học, khử khuẩn dụng cụ, đồ chơi phòng bệnh tay chân miệng. Ảnh: Đỗ Tâm

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu mùa hè năm 2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, Bộ đã chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường giám sát, phát hiện sớm, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh. Các địa phương cần củng cố các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ tuyến dưới khống chế ổ dịch. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố phải đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn và tổ chức phát động chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng… phòng bệnh sốt xuất huyết.

Liên quan đến việc kiểm soát ca mắc mới tay chân miệng, theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà, các quận, huyện, thị xã cần chỉ đạo phòng giáo dục và đào tạo phối hợp với trung tâm y tế hướng dẫn nhà trường các biện pháp xử lý môi trường, như vệ sinh bằng xà phòng hoặc cloramin B. Các xã, phường, thị trấn phải tăng cường kiểm tra các cơ sở giáo dục trên địa bàn, đặc biệt là yêu cầu các trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học và các nhóm trẻ nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh tay chân miệng theo hướng dẫn của ngành Y tế.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên lưu ý, các địa phương phải tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát, phát hiện và điều trị bệnh ở tất cả các tuyến y tế, nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế. Ngoài ra, các cơ sở y tế cần tổ chức tốt việc phân tuyến điều trị, bố trí khu điều trị riêng cho bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm, hạn chế người nhà vào thăm bệnh nhân. Thực hiện tốt phòng, tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở điều trị, nhất là phòng, chống lây nhiễm chéo giữa bệnh tay chân miệng với bệnh sởi, viêm phổi và viêm đường hô hấp khác.

 Thu Trang - Hà Nội mới

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Nguồn: Hà Nội mới http://www.hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Doi-song/996244/thoi-tiet-dang-chuyen-sang-mua-he-de-phong-nguy-co-dich-chong-dich