Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh: Chính Dám nghĩ, dám làm phát triển Tây Nguyên nhanh và bền vững

01/07/2022 18:59

Kinhte&Xahoi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Tây Nguyên.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị

Ngày 1/7, tại Đắk Lắk, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 18/1/2002 và Kết luận số 12-NQ/TW ngày 24/10/2011 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên.

Tây Nguyên phát triển chưa tương xứng với tiềm năng

 Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ đồng tình với những đánh giá, nhận định tâm huyết, trách nhiệm, khoa học và giàu tính thực tiễn của các đại biểu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên trong thời gian qua; Ghi nhận những đề xuất về nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển Tây Nguyên trong thời gian tới.

Theo Thủ tướng, sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW và 10 năm thực hiện Kết luận 12-NQ/TW, kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên đạt được nhiều kết quả khá toàn diện. Quy mô kinh tế được mở rộng, năm 2020 đạt khoảng 287 nghìn tỉ đồng, gấp khoảng 14 lần năm 2002; GRDP bình quân giai đoạn 2002 - 2020 là 7,98%, cao nhất trong các vùng; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng dịch vụ; Công nghiệp phát triển nhanh. Nông nghiệp trở thành vùng sản xuất nông sản lớn, với nhiều mặt hàng chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu của cả nước như cà phê, cao su, tiêu, cây ăn quả...

Trong toàn vùng, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Đời sống văn hóa của người dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được phát huy. Công tác giảm nghèo từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm khá. Công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học đã được quan tâm. Công tác quản lý bảo vệ phát triển rừng, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước đã được các cấp, ngành, địa phương chú trọng và được xác định là vấn đề quan trọng, cấp thiết đối với sinh kế của người dân trong vùng.

Quốc phòng, an ninh vùng Tây Nguyên được giữ vững; Công tác xây dựng Đảng được quan tâm; Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên được nâng lên; Chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được nâng cao, khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố.

Hội chợ triển lãm thương mại và giới thiệu sản phẩm OCOP khu vực Tây Nguyên tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai (Ảnh: Q. Thắng)

Thủ tướng nhấn mạnh: Vùng Tây Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn, phát triển kinh tế của vùng chưa bền vững, tăng trưởng kinh tế chậm lại; Quy mô GRDP của vùng thấp nhất trong các vùng kinh tế - xã hội. Các tỉnh Tây Nguyên chưa tự cân đối được ngân sách địa phương. GRDP bình quân đầu người thấp nhất trong các vùng. Giảm nghèo chưa bền vững, số hộ nghèo, cận nghèo lớn, nguy cơ tái nghèo cao.

Bên cạnh đó, phát triển văn hóa, xã hội, y tế còn nhiều bất cập, chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Giáo dục, đào tạo chuyển biến còn chậm; Chất lượng nguồn nhân lực còn thấp so với các vùng khác của cả nước.

Tỷ lệ xã đạt chuẩn Nông thôn mới đạt thấp xếp thứ 5/6 vùng. Liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ, còn hình thức, liên kết nội vùng và liên vùng chưa có tính chiến lược, lâu dài. Mạng lưới kết cấu hạ tầng vùng, liên vùng còn chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu tạo đột phát cho phát triển. Rừng tự nhiên suy giảm về cả diện tích và chất lượng; Nguồn tài nguyên nước có nguy cơ suy giảm...

Thủ trướng cho rằng, Tây Nguyên vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng là do cơ chế, chính sách còn hạn hẹp; Đầu tư chưa tương xứng, thể chế chưa giải quyết hết những vướng mắc của Tây Nguyên; Quy hoạch phát triển địa phương và vùng chưa được xây dựng, thực hiện kỹ lưỡng; Tính tự lực, tự cường chưa được phát huy...

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, sau hơn 35 năm đổi mới, kinh tế đất nước đã đạt được những thành tựu quan trọng, vị thế, uy tín của đất nước được nâng lên. Việc tham gia ngày càng sâu rộng vào tiến trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế với các cam kết mở thị trường thương mại hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra những cơ hội và thách thức đối với vùng Tây Nguyên.

Buôn Ma Thuột - thành phố lớn nhất vùng Tây Nguyên (Ảnh Q. Thắng)

Phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn

 Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Tây Nguyên và các bộ, ngành phải bám sát, cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ của 5 tỉnh trong vùng để tổ chức thực hiện có hiệu quả. Mục tiêu phát triển Tây Nguyên cần thống nhất, đặt trong tổng thể các mục tiêu chung của cả nước; Xây dựng và phát triển vùng Tây Nguyên kết hợp hài hòa, hợp lý trên các trụ cột: kinh tế - xã hội - môi trường - quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát huy tốt nhất các lợi thế đặc thù của từng địa phương. Đẩy mạnh liên kết vùng và nội vùng, liên kết chặt chẽ với duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ; Kết nối nhanh với các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, Tiểu vùng sông Mê Công và khu vực Tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia và ASEAN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, mục tiêu phát triển Tây Nguyên phải phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; Kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Là điểm đến đặc sắc thu hút khách du lịch; Hệ sinh thái được bảo tồn, an ninh nguồn nước được đảm bảo; An ninh chính trị ổn định; đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện. Để thực hiện mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ một số định hướng, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt tay các đại biểu tại Hội nghị (Ảnh: CTV)

Theo đó, vùng tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết; Quán triệt sâu sắc, tạo sự thống nhất cao trong nhận thức ở tất cả các cấp, các ngành về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của vùng đối với phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh; Xây dựng quy hoạch phát triển vùng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng xanh, tuần hoàn, giàu bản sắc dựa trên yếu tố đặc trưng là con người, văn hóa, truyền thống lịch sử, đất, nước và rừng của Tây Nguyên; Phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi; Thực hiện việc chuyển đổi, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin sang hạ tầng số song hành với quá trình chuyển đổi số quốc gia trên tất cả các lĩnh vực...

Thủ tướng chỉ rõ, phải phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân; Phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, con người; Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc, coi đây là một trong những khâu đột phá cho sự phát triển nhanh và bền vững của vùng; Tập trung tối đa các nguồn lực cả trong và ngoài Nhà nước, cả ở Trung ương và địa phương, cả ở trong và ngoài nước cho đầu tư phát triển vùng Tây Nguyên.

Hồng Quang - Lam Sơn - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

U23 Việt Nam - U23 Saudi Arabia: Viết tiếp giấc mơ đẹp

HLV Gong Oh-kyun đã đưa U23 Việt Nam vào tứ kết U23 châu Á ngay trong lần đầu tiên tham dự giải đấu lớn. Với sự tự tin, U23 Việt Nam có thể viết tiếp giấc mơ như chiến tích lịch sử ở VCK U23 châu Á năm 2018.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/dam-nghi-dam-lam-phat-trien-tay-nguyen-nhanh-va-ben-vung-200042.html