Thủ tướng mong muốn Tây Ninh là hình mẫu làm giàu bằng nông nghiệp

22/08/2018 08:39

Kinhte&Xahoi Sáng 21/8, làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tây Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tỉnh Tây Ninh phải trở thành trung tâm sản xuất, chế biến nông sản chất lượng cao của cả nước; một hình mẫu đi lên, làm giàu bằng nông nghiệp.

Tây Ninh có vị trí chiến lược về an ninh - quốc phòng của đất nước với 240 km đường biên giới với Campuchia, cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng giữa Việt Nam với Campuchia, Thái Lan, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Tỉnh Tây Ninh có quỹ đất phát triển nông nghiệp chiếm trên 85% (gần 370.000 ha) diện tích đất tự nhiên; địa hình khá bằng phẳng, thuận tiện sử dụng cơ giới trong sản xuất với quy mô lớn; đất đai thích nghi với nhiều loại nông sản nhiệt đới có giá trị cao, quy mô diện tích và sản lượng các loại cây trồng chính (sắn, mía, cao su, lúa; rau quả các loại, trong đó có na (mãng cầu núi Bà Đen) và một số cây ăn trái tiềm năng như chuối, xoài, bưởi, dứa… có thể xếp vào danh sách các sản phẩm chủ lực của cả nước và khu vực Đông Nam Bộ.

Theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, 6 tháng đầu năm 2018, GRDP đạt 7,7% (cả nước 7,08%). Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 2.400 USD/người/năm.

Với trên 70% dân số sống dựa vào nông nghiệp, tỉnh Tây Ninh đã phát huy tốt thế mạnh nông nghiệp và làm giàu bằng nông nghiệp. Tỉnh có nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực của cả nước như cao su (diện tích trên 98 nghìn ha, sản lượng gần 200 nghìn tấn mủ), mía (diện tích trên 14 nghìn ha, sản xuất trên 140 nghìn tấn đường), sắn (sản xuất trên 850 nghìn tấn bột).

Tại cuộc làm việc, tỉnh nêu nhiều đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng, chủ yếu về hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó có 2 công trình trọng điểm là dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài, dự án đường cao tốc Gò Dầu – TP. Tây Ninh – Xa Mát…

Biểu dương kết quả mà Tây Ninh đạt được thời gian qua, Thủ tướng đánh giá cao việc tỉnh có nhiều mô hình với cách làm tốt, trong đó có 2 mô hình về nông nghiệp công nghệ cao mà Thủ tướng vừa đến thăm (nông trường mía đường và dự án chế biến nông sản Tanifood). 

Qua đó, Thủ tướng nhìn nhận cơ giới hóa, tự động hóa, công nghiệp 4.0 đã vào sản xuất nông nghiệp của Tây Ninh, mang lại giá trị gia tăng cao. Những mô hình này có thể nhân rộng nếu “chúng ta biết tổ chức công việc tốt hơn thời gian đến”, Thủ tướng nói và bày tỏ tin tưởng với quyết tâm cao trong tổ chức triển khai, nhất định Tây Ninh sẽ thành công.

Cho rằng Tây Ninh có thế mạnh trong các lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ đi liền với công nghiệp chế biến sâu, du lịch, kinh tế biên mậu, Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển kinh tế phải đi liền với gìn giữ môi trường sinh thái bền vững, nhất là xử lý nước thải và gìn giữ môi trường rừng.

Tỉnh cần tiếp tục phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến cũng như các lĩnh vực sản xuất, dịch vụ khác để phấn đấu đến năm 2020, tỉnh tự cân đối được ngân sách. Nếu như Tây Ninh, Bình Phước và 3 tỉnh lớn còn lại của Đông Nam Bộ tự cân đối được ngân sách thì đây là điều đáng mừng, là bông hoa đẹp trong nỗ lực thực hiện nghị quyết Trung ương, Thủ tướng nói.

“Tỉnh Tây Ninh phải trở thành một trung tâm sản xuất, chế biến nông sản chất lượng cao của cả nước; một hình mẫu đi lên, làm giàu bằng nông nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan đề xuất, xử lý các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho Tây Ninh, trong đó có những chính sách cụ thể mà tỉnh kiến nghị, đặc biệt là chính sách cho khu vực biên giới, cho doanh nghiệp đầu tư vào khu vực biên giới.

Với kiến nghị của Tây Ninh về dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Mộc Bài, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Tây Ninh thúc đẩy mạnh mẽ dự án này. Trong tháng 9 tới, Bộ Giao thông vận tải phải trình Thủ tướng báo cáo tiền khả thi để có thể sớm triển khai, khởi công dự án.

Đối với kiến nghị về tuyến Gò Dầu- TP. Tây Ninh- Xa Mát, Thủ tướng đồng ý giao Tây Ninh làm chủ đầu tư và đề xuất cơ chế phù hợp để triển khai kịp thời hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến thăm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Điển, nguyên cán bộ Cục An ninh Tây Ninh. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng đề nghị trong văn bản thông báo Kết luận của Thủ tướng về cuộc làm việc này, cần ghi cụ thể từng loại chính sách và giao Bộ nào chủ trì với thời hạn cụ thể để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.

Cũng trong chuyến công tác tại Tây Ninh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm, động viên Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Phan Văn Điển, nguyên cán bộ Cục An ninh Tây Ninh.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Olympic Việt Nam sớm vào vòng 1/8 với chút lợi thế

“Bỏ túi” thêm 3 điểm sau trận thắng Nepal, Đội tuyển Olympic Việt Nam lọt vào vòng 16 đội trước 1 vòng đấu với ngôi đầu bảng D. Đây là lợi thế của các cầu thủ Việt Nam so với Nhật Bản trước trận đấu cuối cùng vòng bảng.