Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu 'hộ chiếu vaccine'

17/03/2021 21:14

Kinhte&Xahoi Phát biểu kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia và các địa phương vào sáng nay - 17/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và giao thương có sự kiểm soát.

Thủ tướng phát biểu kết luận cuộc họp trực tuyến toàn quốc của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia và các địa phương. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng nêu rõ, các ý kiến tại cuộc họp đều nhận định rằng cuộc chiến này chưa kết thúc và chúng ta đang còn rất nhiều việc phải làm. Không được chủ quan trước dịch bệnh khi xuất hiện nhiều biến thể mới mà nhiều nước hiện nay, kể cả nước châu Á và các nước ASEAN đang gặp phải.

Thủ tướng nhấn mạnh, nếu chúng ta lơ là, chủ quan, dịch bệnh có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Đồng thời chúng ta quyết tâm tiếp tục thực hiện thành công mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa bảo vệ sức khỏe của người dân, đưa cuộc sống trở lại bình thường để phát triển kinh tế trong điều kiện bình thường mới. “Đây là một yêu cầu rất khó điều hành, xử lý. Chúng ta phải khéo léo, kịp thời”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo các hoạt động kinh tế xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Gói an sinh xã hội thứ hai đối với những doanh nghiệp khó khăn, những người dân bị thiệt hại vẫn tiếp tục đặt ra trong giai đoạn tới.

Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phù hợp về tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư trong thời gian tới để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó với COVID-19.

Ảnh; VGP/Quang Hiếu.

Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu phải chủ động xây dựng phương án chống dịch, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trên địa bàn với phương châm 4 tại chỗ. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản, thường xuyên tổ chức đào tạo, tập huấn, diễn tập phòng dịch, quán triệt phương châm “truy vết thần tốc, khoanh vùng nhanh, xét nghiệm rộng, phong tỏa hẹp” và thực hiện cách ly tập trung ngay với tất cả các trường hợp tiếp xúc gần (F1), hạn chế mức thấp nhất tác động tiêu cực đến hoạt động kinh tế xã hội.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương tổ chức thực hiện tốt tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 bảo đảm an toàn, đúng đối tượng, hướng tới thực hiện tiêm chủng toàn dân, xem xét tiếp cận nguồn vaccine khác nhau, đánh giá kỹ mức độ an toàn vaccine, tiếp tục nghiên cứu phát triển vaccine trong nước để sớm đưa vào sử dụng, chậm nhất vào năm 2022.

Bộ Y tế phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp khi triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine”.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng tăng cường tuần tra, giám sát, kiểm soát chặt chẽ đường biên giới, cửa khẩu, cảng biển, ngăn chặn tình trạng nhập cảnh trái phép, nhất là tại các đường mòn, lối mở, khu vực cửa khẩu. Phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp cố tình nhập cảnh trái phép, duy trì chấp hành nghiêm kỷ luật quy định khi thực hiện nhiệm vụ.

Bộ Công an chỉ đạo Công an các cấp phối hợp với chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ địa bàn dân cư, chấp hành nghiêm khai báo lưu trú, tạm trú, nhất là khai báo y tế.

Cơ quan báo chí thông tin về tình hình dịch bệnh kịp thời, chính xác để cảnh báo người dân không chủ quan, lơ là trong phòng, chống COVID-19.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành liên quan xem xét, nghiên cứu từng bước mở lại các đường bay quốc tế, chuẩn bị tốt các phương án triển khai áp dụng “hộ chiếu vaccine” và giao thương có sự kiểm soát.

Thủ tướng cũng đề nghị Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Quốc hội, các tổ chức đoàn thể tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp để tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, cảnh giác với tình hình dịch bệnh, tự giác tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch trên tinh thần “lúc khó thì bình tĩnh, lúc tốt không mất cảnh giác”.

Tiếp tục tổ chức tiêm vaccine AstraZeneca

Đề cập vấn đề phản ứng sau tiêm vaccine AstraZeneca đang rất được người dân quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu cụ thể, đến cuối giờ chiều 16/3, Việt Nam đã thực hiện tiêm chủng cho tổng cộng 20.695 cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch. Trong đó, 4.078 trường hợp có phản ứng thông thường sau tiêm. Số phản ứng nặng chỉ có 5 người phản vệ độ 2 và 1 trường hợp phản vệ độ 3. Các trường hợp này được xử lý và đều đã ổn định sức khoẻ.

Cũng theo người đứng đầu ngành y tế, trước thông tin về các trường hợp trên thế giới bị đông máu sau tiêm vaccine AstraZeneca, Bộ Y tế đã liên tục đánh giá, theo dõi: "Đến thời điểm này, tại Việt Nam không có bất cứ trường hợp nào bị đông máu sau tiêm. Bộ Y tế vẫn yêu cầu tất cả các cơ sở y tế tiếp tục tập huấn cho các cán bộ y tế, đồng thời tổ chức các điểm tiêm, cơ sở tiêm phù hợp, an toàn. Tới đây, các cơ sở y tế tiếp tục tổ chức tiêm vaccine COVID-19".

Huyền Anh - Pháp luật Plus 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Hàng chục ngàn khán giả sẽ đến sân trong ngày V.League trở lại

Trái bóng V.League 2021 sẽ chính thức lăn trở lại trên các sân cỏ với các trận đầu bù vòng 3 vào ngày 13/3 tới. Bên cạnh sự chuẩn bị về chuyên môn, các CLB chủ nhà cũng đang tích cực xin phép cơ quan có thẩm quyền để được mở cửa đón khán giả vào sân.

Nguồn: Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/thu-tuong-yeu-cau-nghien-cuu-ho-chieu-vaccine-d151154.html