TP Hà Nội thu phí phương tiện vào nội đô: Triển khai thế nào để đồng thuận?

08/11/2018 08:49

Kinhte&Xahoi Với việc Chính phủ đồng ý để Hà Nội lập đề án thu phí phương tiện vào nội đô thì giải pháp này chắc chắn sẽ thành hiện thực trong tương lai.

Đầu tháng 11/2018, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ về việc đồng ý để TP Hà Nội lập đề án thu phí phương tiện vào nội đô. Dù đây được đánh giá là việc dùng biện pháp kinh tế để giảm ùn tắc mà nhiều TP lớn trên thế giới và khu vực đã làm thành công, nhưng vẫn có quan điểm nhiều chiều...

Hiện nay Hà Nội có 5 triệu xe máy, 500.000 ôtô và chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, TP khác tham gia giao thông.

Sẽ phân vùng phương tiện hoạt động phải đóng phí 

Tháng 9/2018, UBND Hà Nội đã đề xuất Chính phủ cho phép điều chỉnh một số quy định, trên cơ sở đó sẽ lập đề án thu phí phương tiện cá nhân vào trung tâm TP. Căn cứ của Đề án này là dựa trên lộ trình triển khai Đề án Tăng cường quản lý phương tiện giao thông nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường đã được HĐND TP Hà Nội thông qua vào năm 2017.

Theo đó, trong giai đoạn 2017 đến 2020 UBND TP phải triển khai các giải pháp hành chính và kinh tế để từng bước hạn chế phương tiện trong khu vực nội đô (từ đường vành đai 3 trở vào). 

Với đề xuất lập đề án thu phí phương tiện cơ giới vào khu vực nội đô, lãnh đạo TP Hà Nội cho rằng, đây là biện pháp kinh tế nhằm tăng cường quản lý phương tiện, thông qua việc nộp phí lưu hành để giảm lưu lượng phương tiện tại một số khu vực.

Biện pháp này cũng đang được các TP lớn như London (Anh), Singapore… áp dụng và khá hiệu quả khi hạn chế được lượng lớn ôtô đi vào nội đô, hạn chế ùn tắc, ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, tại danh mục phí, lệ phí của Luật Phí và lệ phí hiện hành không có khoản phí phương tiện cơ giới vào nội đô trên địa bàn TP. Vì vậy để triển khai được nhiệm vụ trên, TP đề xuất Chính phủ bổ sung khoản phí này vào danh mục của Luật Phí và lệ phí.

Được biết, cùng với thời gian gửi văn bản đề xuất, Sở GTVT  TP Hà Nội - cơ quan tham mưu để UBND TP ký văn bản đề xuất Chính phủ cũng cho biết, trước khi thực hiện việc thu phí vào nội đô, Sở sẽ cùng với liên ngành TP khảo sát, phân ra từng khu vực, từng tuyến phố cần hạn chế xe đi vào để giảm ùn tắc.

Khu vực đầu tiên được xác định để phân vùng phương tiện hoạt động sẽ phải đóng phí là từ vành đai 3 trở vào và TP sẽ sử dụng biện pháp thu phí hiện đại, không gây ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện khi tham gia giao thông. 

Phí có chồng phí?

Dù đề xuất phương án thu phí phương tiện vào nội đô của TP Hà Nội được đánh giá là dùng biện pháp kinh tế để giảm ùn tắc và Hà Nội đang nghiên cứu phạm vi thu từ vành đai nào để mang tính khả thi nhất, đồng thời bố trí trạm thu phí cho phù hợp với yếu tố giao thông của từng tuyến, tạo thuận lợi cho người dân, tránh ùn tắc. Tuy nhiên, vẫn còn không ít quan điểm nhiều chiều xung quanh vấn đề này.

Từ góc độ của cơ quan nghiên cứu chiến lược về giao thông, trả lời báo chí, ông Lê Đỗ Mười - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) lưu ý, mục đích của việc thu phí nhằm để người dân sử dụng phương tiện công cộng nhiều hơn, mật độ xe ô tô cá nhân đi vào nội đô sẽ giảm để tránh ùn tắc, chứ không phải “liều thuốc thánh” để giảm ùn tắc ngay.

Triển khai thu phí vào nội đô cũng là khuyến nghị để người dân lựa chọn phương tiện cho phù hợp, ý thức người dân sẽ được nâng lên. Cũng theo ông Lê Đỗ Mười, dự kiến sẽ không thu phí phương tiện xe máy, bởi trong thời gian tới việc khoanh vùng để hạn chế xe máy sẽ dần triển khai, để từ năm 2030 sẽ dừng xe máy từ vành đai 3 trở vào.

Còn nhiều băn khoăn, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy nhận định, đây là một biện pháp để giảm ùn tắc trong nội đô. Tuy nhiên, hiện hạ tầng Hà Nội còn quá yếu kém, các cửa ô, ngã tư, hè phố hay giao thông thông minh “chưa đâu vào đâu”.

Hơn nữa, hệ thống giao thông công cộng cũng chưa hiệu quả. Từ những lý do đó nên không thể đổ lỗi ùn tắc cho người dân vì dùng quá nhiều phương tiện cá nhân để mà thu phí phương tiện cá nhân được. 

Quan tâm đến vấn đề phí chồng phí, theo Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, hiện Hà Nội đã có rất nhiều loại phí và lệ phí mà các phương tiện tham gia giao thông phải gánh chịu, đặc biệt là những người đi ôtô.

Trong thời đại hiện nay, nhu cầu sử dụng ôtô của người dân là rất lớn và chính đáng, nên chính quyền phải cân nhắc. Nếu tình trạng phí chồng phí như hiện nay thì sẽ làm cho đời sống người dân thêm khó khăn.

Còn với một số người dân, “Hà Nội đưa ra đề xuất thu phí phương tiện vào nội đô cần có lộ trình cụ thể. Cùng đó, để việc thu phí đảm bảo công bằng, TP cũng cần đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông mạnh mẽ và hiện đại hơn nữa. Phương tiện công cộng phải nhanh chóng, thuận tiện mới thì chủ trương này mới đảm bảo thành công”

Như vậy,  Vậy vấn đề cần quan tâm nhất lúc này là Hà Nội sẽ triển khai như thế nào để đạt được sự đồng thuận cao trong người dân - chính là đối tượng thu phí và cũng là đối tượng hưởng lợi từ việc thu phí này khi ùn tắc giao thông được hạn chế, giải quyết.

Theo thông tin từ lãnh đạo TP thì đến năm 2020, Thủ đô sẽ có hơn 843.000 ôtô, hơn 6 triệu xe môtô, xe gắn máy; đến năm 2030 số ôtô là hơn 1,9 triệu, xe máy là hơn 7,5 triệu (hiện nay là 5 triệu xe máy, 500.000 ôtô và chưa kể khoảng 1,2 triệu phương tiện từ các tỉnh, TP khác tham gia giao thông). Nếu không có các biện pháp quản lý kịp thời thì ùn tắc, ô nhiễm trong thời gian tới sẽ rất nghiêm trọng. 

 

Theo Phapluatplus

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Vũ khí bí mật của thầy Park là gì?

Bằng vào tài năng đang sở hữu, những Quang Hải hay Công Phượng... đang là thứ vũ khí sát thương cao ở tuyển Việt Nam. Nhưng để chiến thắng ở AFF Cup 2018, HLV Park Hang Seo vẫn còn "độc chiêu" khiến các đối thủ phải bất ngờ...

Văn Quyết đeo băng đội trưởng đội tuyển Việt Nam ở AFF Cup 2018

Sau cuộc bỏ phiếu trước ngày lên đường sang Lào, tiền đạo Văn Quyết đã được các thành viên đội tuyển Việt Nam tín nhiệm, bầu làm đội trưởng trong chiến dịch AFF Cup 2018. Hai đội phó của đội tuyển Việt Nam là Lương Xuân Trường và Quế Ngọc Hải.