TPCN Khang dược đơn: Thổi phồng quảng cáo, đánh lừa khách hàng?

30/06/2018 09:59

Kinhte&Xahoi Khang dược đơn là thực phẩm chức năng (TPCN) nhưng lại được quảng cáo là đặc trị yếu sinh lý, và khẳng định 80% khách hàng khỏi bệnh sau khi dùng sản phẩm đang có dấu hiệu đánh lừa người tiêu dùng.

Thực phẩm chức năng được người tiêu dùng ưa chuộng vì là ‘thực phẩm có công dụng hỗ trợ chức năng của các bộ phận trong cơ thể, tác dụng dinh dưỡng tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh'. Nhưng mấy năm trở lại đây vì lợi nhuận mà nhà sản xuất và nhà phân phối đã quảng cáo sai sự thật, biến TPCN chỉ có tác dụng hỗ trợ bỗng dưng được “nâng cấp” lên thành thuốc có công dụng điều trị, đặc trị bệnh khiến nhiều khách hàng lầm tưởng công dụng của TPCN.

TPCN Khang dược đơn của của Công ty TNHH Y Dược Phúc Khang là một trường hợp điển hình vô tư tung hô, quảng cáo sản phẩm gây hiểm nhầm cho người dùng.

TPCN Khang dược đơn được quảng cáo tung hô trên mạng là đặc trị sinh lý yếu.

Vô tư quảng cáo, biến TPCN thành 'thần dược' đặc trị yếu sinh lý nam

Khang dược đơn là thực phẩm chức năng (TPCN) hỗ trợ điều trị các bệnh xuất tinh sớm, rối loại cương dương và làm chậm mãn dục sinh lý ở nam giới được. Tuy nhiên, gần đây trên nhiều website tràn ngập các thông tin quảng cáo sai sự thật về loại viên uống Khang dược đơn là thuốc có tác dụng điều trị bệnh.

Cụ thể, tại trang web có địa chỉ www.khangduocdon.vn có nhiều hình ảnh, cũng như nội dung quảng cáo “đánh lừa” khách hàng, khiến nhiều khách hàng lầm tưởng TPCN Khang dược đơn có tác dụng đặc trị bệnh lí.

Hay tại 1 trang web có địa chỉ http://khangduocdon.com cũng đăng tải nhiều hình ảnh bệnh nhân đã qua sử dụng viên uống Khang dược đơn, từ ngữ nhấn mạnh tác dụng của viên uống này là đặc trị, điều trị…

Khang dược đơn được sản xuất bởiCông ty TNHH liên doanh dược phẩm RIO PHARMACY do Công ty TNHH Y Dược Phúc Khang phân phối.

Cụ thể, lọ Khang dược đơn với 30 viên được quảng cáo là sản phẩm được bào chế từ 100% thành phần tự nhiên lành tính. Sản phẩm được đội ngũ y, bác sĩ và các cộng sự dày công nghiên cứu, cải tiến từ những bài thuốc đông y gia truyền nhiều đời để lại. Là sản phẩm ngối đầu cho các quý ông nhằm hỗ trợ điều trị các bệnh xuất tinh sớm, rối loại cương dương và làm chậm mãn dục sinh lý ở nam giới. Ngoài ra, Khang dược đơn còn giúp các chị em phụ nữ tăng cường sinh lý, tăng ham muốn chốn phòng the, có tác dụng trẻ hóa làn da cho phái đẹp...Đặc biệt, Khang dược đơn còn khẳng định là tự hào với kết quả điều trị rất tốt, có tới trên 80% khách hàng điều trị hiệu quả với bài thuốc này. Điều này sẽ khiến nhiều người tiêu dùng lầm tưởng đây là thuốc đặc trị vấn đề yếu sinh lý ở nam giới.

Như vậy có thể thấy TPCN Khang dược đơn của Công ty TNHH liên doanh dược phẩm RIO PHARMACY do Công ty TNHH Y Dược Phúc Khang phân phối đã vi phạm Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ.

Khẳng định 80% khách hàng khỏi bệnh sau khi dùng Khang dược đơn?

Bên cạnh việc quảng cáo sai sự thật, TPCN Khang dược đơn còn hỗ trợ tư vấn trực tiếp qua điện thoại và có phần chia sẻ cảm nhận của khách hàng sau khi dùng sản phẩm.

Mô típ chung của hình thức “nhân vật chia sẻ” là: Trước khi sử dụng sản phẩm thì khổ sở về bệnh tật như thế nào, khi sử dụng sản phẩm một thời gian thì bệnh tình thuyên giảm, khỏi hẳn các triệu chứng do bệnh gây nên hoặc nếu không sử dụng tiếp bệnh lại tái phát...Đó cũng chính là lý do để nhân vật viết thư cảm ơn, chia sẻ với người khác. Để thêm tính thuyết phục, những bài chia sẻ đều có tên, tuổi, địa chỉ, hình ảnh của nhân vật trải nghiệm.

Trên trang web quảng cáo Khang dược đơn có phần cảm nhận của khách hàng sau khi dùng sản phẩm.

Trong vai một người mua hàng, PV được bạn nhân viên tư vấn về sản phẩm Khang dược đơn. Theo tư vấn của nhân viên thì sản phẩm này dạng viên, một lọ có 30 viên với giá 380.000VNĐ. Ngày uống 2 viên chia 2 lần sau ăn.

Đối tượng sử dụng sản phẩm là nam giới suy giảm chức năng sinh lý, giảm ham muốn tình dục, bất lực liệt dương - Nam giới thận yếu, dương suy, di tinh, mộng tinh, xuất tinh sớm - Người mắc chứng tiểu đêm, đau lưng mỏi gối, tóc bạc sớm.

Trong khi PV còn đang lưỡng lự và chưa thực sự tin tưởng vào hiệu quả của sản phẩm thì ngay lập tức được nhân viên tư vấn đỡ lời, “bên em chắc chắn với anh về hiệu quả của sản phẩm lên đến 80%". Bên cạnh đó nhân viên tư vấn này còn tăng thêm lòng tin bằng cách khẳng định “bên em có giấy phép công bố sản phẩm của Bộ y tế cấp phép lưu hành và khách hàng yên tâm vì bên em có đăng ký kinh doanh nên chỉ bán những mặt hàng có đầy đủ giấy tờ”.

80 % khách hàng sau khi dùng Khang dược đơn đều khỏi bệnh.

Những thông tin công bố trên http://khangduocdon.com/ cho thấy, sản phẩm TPCN Khang dược đơn được sản xuất bởi Công ty TNHH liên doanh dược phẩm RIO PHARMACY do Công ty TNHH Y Dược Phúc Khang có địa chỉ tại số 1, ngách 8/208 Lê Quang Đạo, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội phân phối.

Có thể thấy, để đạt được lợi nhuận kinh tế, việc quảng cáo TPCN Khang dược đơn đã “vô tư” vi phạm luật quảng cáo cũng như những quy định trong luật cạnh tranh. Điều này không những ảnh hưởng tới người tiêu dùng, doanh nghiệp, mà còn tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh.

Để đảm bảo sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng cũng như tạo ra mội trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc xác minh sự việc, xử lí đúng pháp luật nếu có sai phạm, tránh tiền lệ xấu về sau.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Tại khoản 2, Điều 27 về Đăng ký nội dung quảng cáo thực phẩm thuộc chương VIII Quảng cáo thực phẩm chức năng của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ có quy định rõ: Nội dung quảng cáo phải phù hợp với công dụng, tác dụng của sản phẩm đã được công bố trong bản công bố sản phẩm. Không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Theo KD & PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chưa có doanh nghiệp đăng ký “nhận độ” cá cược “chợ đen” vẫn sôi động

Tỷ lệ kèo các giải đấu thể thao quốc tế được đăng tải rộng rãi. World cup 2018 đang diễn ra tại Cộng hòa Liên bang Nga, cũng không phải ngoại lệ. Song, tại Việt Nam, nhiều người băn khoăn, luật hóa đặt cược thể thao có ngăn chặn được nạn cá độ “chợ đen” hay không? Và, đã có doanh nghiệp nào đăng ký để được “nhận độ” chưa?