Trung tâm báo chí sẵn sàng cho 4.000 phóng viên đưa tin hội nghị Mỹ-Triều

25/02/2019 08:47

Kinhte&Xahoi Trung tâm báo chí quốc tế về hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội đã được nước chủ nhà chuẩn bị chu đáo với đầy đủ trang thiết bị hiện đại nhất, nhằm đón hơn 3.000 phóng viên quốc tế đến đưa tin.

Việt Nam đang gấp rút hoàn thiện những phần việc cuối cùng nhằm chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra ngày 27 và 28/2 tại Hà Nội. Một trong những phần việc quan trọng là công tác đảm bảo cơ sở hạ tầng viễn thông để phục vụ cho sự kiện này.

Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội (Viettel) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) là 2 đơn vị được lựa chọn trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.

Trung tâm báo chí (IMC) phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.

Về tiến độ công tác chuẩn bị hạ tầng viễn thông tại Trung tâm báo chí (IMC), theo báo cáo nhanh từ Cục Bưu điện Trung ương (BĐTW), tổng dung lượng băng thông Internet của cả 2 nhà mạng tại địa điểm này là 80Gbs.

Trong đó, VNPT và Viettel mỗi bên cung cấp 40Gbps dung lượng băng thông Internet. So với trung tâm báo chí phục vụ hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 1 tại Singapore, năng lực hạ tầng của Trung tâm báo chí tại Hà Nội được đánh giá là gấp từ 1,5 tới gần 2 lần.

Mức dung lượng này bảo đảm cho khoảng 3.500 - 4.000 phóng viên, nhà báo sử dụng đồng thời. Hiện Viettel và VNPT đã lắp đặt xong toàn bộ các thiết bị phát sóng WiFi tại tất cả các khu vực cần phủ sóng theo yêu cầu của Bộ ngoại giao. Các khu vực này bao gồm khu làm việc chung sảnh tầng 1, tầng 2 nhà A, phòng ăn phóng viên, khu vực Booth và trung tâm báo chí của Hàn Quốc.

Hiện tại, có tổng cộng 115 thiết bị phát sóng WiFi và 1.299 đầu chờ Internet có dây đã được triển khai. Cả 3 nhà mạng là Viettel, VinaPhone và MobiFone đều đã lắp đặt sẵn các xe BTS lưu động để tăng cường sóng di động tại Trung tâm báo chí. Ngoài ra các nhà mạng còn lắp đặt thêm cả các thiết bị tăng cường thu phát sóng di động.

Xe thu phát sóng tín hiệu vệ tinh tại Trung tâm báo chí phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2.

Về công tác đảm bảo an toàn mạng, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã lắp đặt 3 máy chủ vật lý (tương ứng với 12 máy chủ ảo) để giám sát và kiểm soát ATTT của 2 nhà mạng VNPT và Viettel.

Theo ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, đơn vị này đã trang bị cả đường truyền không dây và có dây nhằm đảm bảo Internet thông suốt trong suốt thời gian hội nghị. Khi một đường truyền có sự cố, 3.000 phóng viên trong nước và quốc tế có thể sử dụng đường truyền còn lại một cách an toàn.

Viettel sẽ tăng cường chất lượng phủ sóng 2G, 3G, 4G trên toàn địa bàn thủ đô Hà Nội và đặc biệt là tại khu vực Trung tâm báo chí, ngầm hóa hàng chục km cáp quang với dung lượng hàng chục Gbps mỗi tuyến theo nhiều hướng vật lý khác nhau để đảm bảo dự phòng. Đồng thời, Viettel cũng đảm bảo dung lượng truyền dẫn quốc tế và trong nước, dự phòng 1 + 3, tương đương 20 Gbps mỗi đường

Cùng với VNPT, Viettel là 1 trong 2 nhà mạng được lựa chọn trở thành nhà cung cấp dịch vụ viễn thông phục vụ Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều.

Viettel cũng sẽ xây dựng hệ thống tường lửa, hệ thống chống tấn công DDoS, hệ thống chủ động phát hiện tấn công mạng, tiến hành diễn tập giả lập tấn công vào hệ thống Trung tâm báo chí, qua đó xem xét các khả năng, tình huống bị tấn công, phá hoại trên thực tế cũng như trên không gian mạng để xây dựng các phương án ứng phó khi tình huống xảy ra.

Với VNPT, công tác chuẩn bị hạ tầng, đảm bảo chất lượng và tính thông suốt của dịch vụ, đảm bảo an toàn thông tin mạng cũng đang được đơn vị này thực hiện ở tiêu chuẩn cao nhất.

Sau khi huy động mọi nguồn lực nhằm lắp đặt các thiết bị cung cấp dịch vụ Internet, điện thoại cố định, WiFi cho Trung tâm báo chí và các điểm họp Hội nghị chính thức, VNPT còn triển khai sẵn sàng các phương án dự phòng theo các hướng vật lý khác nhau.

Tập đoàn này cũng chuẩn bị sẵn các thiết bị thay thế, xây dựng kịch bản đảm bảo an toàn thông tin trong mọi tình huống, bao gồm việc phòng chống tấn công mạng, bảo vệ thiết bị truy cập của phóng viên, bảo vệ chống DDoS cho đường Internet…

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp đến thị sát Trung tâm báo chí sáng 24/2/2019.

Ngoài việc cung cấp các dịch vụ viễn thông, VNPT là đơn vị chính thức đảm nhận dịch vụ thu phát sóng tín hiệu truyền hình quốc tế qua mạng lưới cáp quang quốc tế, thu phát sóng trực tiếp qua vệ tinh và cung cấp thiết bị thu phát sóng truyền hình qua vệ tinh... đáp ứng toàn bộ nhu cầu truyền dẫn tín hiệu truyền hình của tất cả các hãng thông tấn báo chí quốc tế phục vụ đưa tin truyền hình về sự kiện.

Sáng 24/2/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp tới thị sát Trung tâm báo chí phục vụ hội nghị Mỹ - Triều tại Cung Văn hoá hữu nghị Việt Xô. Thăm khu vực dành cho phóng viên tác nghiệp, Thủ tướng bày tỏ sự hài lòng về công tác chuẩn bị chu đáo của ban tổ chức.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị cung cấp hạ tầng viễn thông không được để đường truyền Internet bị chậm và phải có phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối, đề phòng tình huống bất trắc có thể xảy ra.

Theo VietNamNet/GĐPL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

HLV Park Hang Seo quyết từ chối dẫn dắt U22 Việt Nam ở SEA Games 2019?

Cuộc họp giữa VFF và HLV Park Hang Seo về các kế hoạch trong năm 2019 vẫn chưa diễn ra, tuy nhiên thông tin ngoài lề cho biết chiến lược gia người Hàn Quốc vẫn bày tỏ nguyện vọng được tập trung cho ĐTQG ở vòng loại World Cup 2022, thay vì cùng lúc kiêm nhiệm luôn cả ghế HLV trưởng U22 Việt Nam ở SEA Games 2019.