Từ ngày 1/10: TP Hồ Chí Minh bỏ giấy đi đường, người dân không được tự ý ra khỏi thành phố

30/09/2021 14:15

Kinhte&Xahoi Theo ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, chỉ thị mới về phục hồi kinh tế dự kiến cho phép mở lại nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Trong đó, người dân không cần phải xin cấp giấy đi đường nhưng không được tự ý ra khỏi thành phố.

Bỏ giấy đi đường, người dân không được tự ý ra khỏi thành phố

 Sáng 30/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã họp báo công bố Chỉ thị mới về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế. Việc công bố trước đó dự kiến diễn ra vào chiều 29/9 song phải lùi lại để hoàn thiện một số nội dung Chỉ thị mới.

Tham dự buổi họp báo có ông Lê Hải Bình, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Ông Phạm Đức Hải, Phó ban Chỉ đạo TP Hồ Chí Minh về phòng, chống dịch Covid-19...

Phó Chủ tịch TP HCM Lê Hòa Bình tại cuộc họp báo công bố Chỉ thị của UBND TP về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sáng 30/9

Mở đầu họp báo, ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù công tác phòng, chống dịch của thành phố đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, hệ thống y tế được tăng cường, củng cố; Số ca nhập viện, chuyển nặng và tử vong liên tục giảm; Tỷ lệ tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% được tiêm mũi 1 và trên 45% được tiêm mũi 2... tuy nhiên, tình hình dịch ở thành phố vẫn còn phức tạp, số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và các cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao.

Vì vậy, TP Hồ Chí Minh ban hành chỉ thị mới về công tác chống dịch với mục tiêu nhằm tăng cường kiểm soát, phòng, chống dịch trên toàn địa bàn; Kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất; Ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân; Củng cố, phục hồi hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; Từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội an toàn, hiệu quả; Quan tâm mở các hoạt động sản xuất…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình, chỉ thị mới về phục hồi kinh tế dự kiến cho phép mở lại nhiều hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, trong đó người dân không cần phải xin cấp giấy đi đường nhưng không được tự ý ra khỏi thành phố.

Theo ông Lê Hòa Bình, tinh thần chỉ thị mới không phải cho các hoạt động được ồ ạt mở cửa trở lại mà phải có lộ trình để đảm bảo an toàn với tinh thần sức khỏe người dân là trên hết. Theo đó, các ngành nghề được hoạt động theo thứ tự ưu tiên, có lộ trình, theo danh mục cụ thể. Nguyên tắc là thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ để triển khai từng bước thận trọng, chặt chẽ, chắc chắn, theo phương châm "An toàn là trên hết", "An toàn tới đâu mở cửa tới đó, mở cửa thì phải an toàn". Thành phố sẽ bám sát tình hình thực tiễn để xem xét áp dụng biện pháp cao hơn hoặc nới lỏng giãn cách xã hội phù hợp.

Người dân không cần phải xin cấp giấy đi đường nhưng không được tự ý ra khỏi thành phố

"Chỉ thị mới cũng nhằm đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới, tuy nhiên không có nghĩa người dân đổ ra đường cùng một lúc, không đảm bảo an toàn phòng dịch. Sau ngày 30/9, thành phố không cấp giấy đi đường mà sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để giảm phiền hà cho người dân nhưng phải đảm bảo an toàn phòng dịch. Tuy nhiên, người dân không tự ý đi xe cá nhân ra khỏi địa bàn thành phố, khi thực sự cần thiết thực hiện theo quy định của Sở Giao thông vận tải. Nếu đi xe cá nhân, nguời dân cũng không qua được các chốt kiểm soát liên tỉnh", ông Lê Hòa Bình nói.

Vẫn phải đảm bảo 5K

 Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình, Chỉ thị mới được UBND thành phố áp dụng từ 0 giờ ngày 1/10. TP sẽ từng bước nới lỏng giãn cách xã hội tương ứng với cấp độ được đánh giá theo hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19.

Ngoài ra, người dân được yêu cầu thực hiện nghiêm 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người khác tại nơi công cộng và cả khi làm việc. Hai nhóm đủ điều kiện đi lại, gồm: F0 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; Hoặc đã tiêm chủng (ít nhất 1 mũi đối với vaccine yêu cầu tiêm 2 mũi và sau 14 ngày). Người dân quét mã QR hoặc xuất trình giấy chứng nhận đủ điều kiện lưu thông khi được cơ quan chức năng yêu cầu kiểm soát hoặc tại địa điểm đến (cơ quan, công sở, cơ sở khám chữa bệnh, quán ăn, nhà hàng, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, phương tiện công cộng, công ty, nhà máy...).

Doanh nghiệp hoạt động phải đảm bảo các tiêu chí phòng chống dịch

Cụ thể, thành phố cho hoạt động sản xuất, kinh doanh được tổ chức ngoài trời, trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo...) tập trung tối đa 10 người; 50 người nếu 100% người tham gia tiêm đủ liều vaccine hoặc khỏi Covid-19. Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sử dụng toàn bộ lao động trực tiếp có thẻ xanh Covid-19 được tham gia các hoạt động với điều kiện đảm bảo phòng, chống dịch của ngành Y tế và các bộ tiêu chí đánh giá an toàn trên các lĩnh vực.

Các ngành nghề được hoạt động trở lại gồm: Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, công viên phần mềm Quang Trung và trên địa bàn quận, huyện; Hợp tác xã, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; Dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, đối tượng hành nghề thú y; Công trình giao thông, xây dựng.

Các ngành nghề dịch vụ, thương mại như: Khám chữa bệnh, phục hồi chức năng; Cung cấp lương thực, thực phẩm; Xăng dầu; Chi nhánh ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan hoạt động tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, logistics; Bưu chính, viễn thông; Xuất bản báo chí; Hoạt động kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử...

Các hoạt động tiếp tục tạm dừng: Quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử; Sự kiện, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động (trừ trường hợp cơ quan thẩm quyền cho phép); Hoạt động của cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; Bán hàng rong, vé số dạo; Hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác.

Ngoài ra, TP Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì 12 chốt kiểm soát ra, vào thành phố và 39 chốt tại địa bàn cửa ngõ giáp ranh các tỉnh. Chốt kiểm soát kiểm tra phương tiện, người đi đường bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực. Thành phố tăng cường kiểm soát lưu động tại điểm mật độ đi lại cao.

Hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ, đường sắt đường thủy tối đa 50% công suất. Vận chuyển hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh được hoạt động nhưng đảm bảo biện pháp phòng dịch và phải được cấp mã QR đi vào luồng xanh.

 Nguyễn Nguyên - TTTĐ

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Chính thức: Singapore sẽ đăng cai AFF Cup 2020

Ngày 28/9, Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) đã tiến hành bỏ phiếu và Singapore nhận được sự ủng hộ của đa số các thành viên để giành quyền tổ chức AFF Cup 2020.

Thái Lan và Singapore cạnh tranh quyền đăng cai AFF Cup 2020

Ban thi đấu Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) đã có cuộc họp trực tuyến để thảo luận về các hoạt động của bóng đá khu vực, một trong những nội dung quan trọng là việc lựa chọn Quốc gia đăng cai AFF Cup 2020.

link bài gốc https://tuoitrethudo.com.vn/tp-ho-chi-minh-bo-giay-di-duong-nguoi-dan-khong-duoc-tu-y-ra-khoi-thanh-pho-179010.html