Vì sao hàng trăm cột điện tại Thừa Thiên Huế gãy đổ trong bão số 5?

22/09/2020 07:34

Kinhte&Xahoi Ở Huế, những cột điện bị gãy ngang trong bão là loại cột dự ứng lực được dùng từ năm 2016 cùng với cột ly tâm dùng trước đó. Loại cột này được kiểm nghiệm gắt gao trước khi đưa ra thị trường.

Ngày 21/9, PV đã có cuộc trao đổi với ông Hà Thanh Long, Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, về hệ thống điện của tỉnh này bị ảnh hưởng nghiêm trọng sau bão số 5. Cụ thể, cơn bão số 5 đổ bộ vào tỉnh Thừa Thiên Huế sáng 18/9 đã làm cho 408 cột điện trung, hạ thế bị gãy đổ, số cột điện bị nghiêng chưa thống kê đầy đủ. 

Ông Hà Thanh Long, Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế trao đổi với PV Dân trí.

Theo một số phản ánh của người dân, quan sát các cột điện tại Huế đã bị gãy ngang trong cơn bão, phần phía trong cột điện có kết cấu bằng thép với độ dày vừa phải.

Trả lời vấn đề này, Giám đốc Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế cho biết, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có một bộ quy chuẩn về thiết kế cột điện tại các vùng.

Ở Huế, những cột bị gãy ngang trong bão là loại cột dự ứng lực được dùng từ năm 2016 song song với cột ly tâm dùng trước đó. Loại cột này sau khi sản xuất xong thì được kiểm nghiệm gắt gao, đóng nhãn mác rồi đưa ra thị trường.

Nhiều cột điện đã gãy ngang trong bão số 5 tại Huế

Đặc điểm của cột dự ứng lực là giá thành rẻ hơn, thân cột có sắt đan tròn thành dạng lưới kéo dài từ dưới lên trên cột, chịu lực được 2 tấn. Các cột này đã được thử nghiệm với cấp độ gió hơn cấp 12, nếu vượt quá ứng lực thì cột sẽ tự động đứt ngang và gãy. Chưa kể các yếu tố khác như cây đè vào cột hay đường dây điện đứt trong bão…

Theo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế, đây là loại cột dự ứng lực được dùng từ năm 2016 có giá thành rẻ hơn cột ly tâm truyền thống trước đó.

Loại cột dự ứng lực này nôm na là “cột giòn”, khác với loại “cột dẻo” là cột ly tâm truyền thống được sản xuất trước 2016 với giá thành cao hơn, sắt dày hơn.


Một cây cột điện ly tâm truyền thống trên đường Trần Hưng Đạo, TP Huế chỉ bị cong chứ không đổ sau bão số 5

“Người thợ điện khi leo lên cột điện sửa có tâm lý chung là ngại với cột dự ứng lực, nếu có chuyện gì nó sẽ gãy ngang với thời gian tích tắc. Trong khi đó cột ly tâm truyền thống sẽ bị cong dần chứ không đổ liền. Minh chứng rõ nhất là cây cột ly tâm ở đường Trần Hưng Đạo, sau bão số 5 nó chỉ bị cong chứ không gãy ngang. Chúng tôi cũng đã nhiều lần có ý kiến lên cấp trên về các loại cột này, hy vọng sau cơn bão này sẽ có một sự nhìn nhận khác để sản xuất cột hợp lý” - ông Long nêu quan điểm.

Theo nguồn tin của PV, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa có ý kiến chỉ đạo nghiên cứu loại cột điện ở các khu vực có bão, sau thực trạng hàng trăm cột điện gãy đổ tại Thừa Thiên Huế.

Việc nghiên cứu thay thế loại cột dự ứng lực dễ gãy đổ do bão đang được tính đến

Theo ông Long, tính đến sáng 21/9 đã cấp điện cho 85% trên tổng số 312.000 hộ dân, công ty toàn tỉnh. Việc này chậm hơn dự kiến do còn vướng mắc với bên cây xanh. Sau bão tại Thừa Thiên Huế có đến 15.000 cây xanh gãy đổ, hiện chưa thể giải tỏa hết nên cũng chưa thể khắc phục được về điện.

 Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, qua cơn bão số 5, có 2 người chết do cây đổ và 2 trường hợp chết sau bão do tai nạn lợp lại nhà. Tổng giá trị thiệt hại do cơn bão số 5 tại tỉnh ước tính khoảng 505 tỷ đồng. 

Toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đang cố gắng vực dậy sau cơn bão số 5.

Một số tuyến đường vẫn chưa lưu thông được vì cây cổ thụ quá lớn đổ chắn ngang đường.
 

 

Đại Dương - Theo Dân Trí

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

“Bóng đá Việt Nam rồi sẽ như Nhật Bản“

Đó là nhận định của tân GĐKT VFF ông Yusuke Adachi tại lễ công bố và giới thiệu tân Giám đốc kỹ thuật (GĐKT) LĐBĐVN. Tại buổi lễ, ông đã chia sẻ nhiều điều về lộ trình phát triển của bóng đá Việt Nam.

Link bài gốc https://dantri.com.vn/xa-hoi/vi-sao-hang-tram-cot-dien-tai-thua-thien-hue-gay-do-trong-bao-so-5-20200921155807631.htm