Vì sao Tổng thống Trump không tin tưởng lực lượng tình báo Mỹ?

17/12/2019 10:39

Kinhte&Xahoi Có một thực tế là Tổng thống Mỹ Trump tin tưởng chương trình “Fox and Friends” hơn cả các báo cáo từ chính các cơ quan tình báo của mình.

Mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cơ quan tình báo dưới quyền của ông là thế này: Ông chẳng thèm nghe thông tin từ các lãnh đạo tình báo. Ông dường như không đánh giá cao các nguồn tin đó và thường đưa ra các quyết định chóng vánh mà không cảnh báo trước gì với họ cả.

Tổng thống Mỹ Trump (bìa trái) và tướng quân đội Mỹ Mattis. Ảnh: Reuters.

Hai bên đã va chạm nhau vài lần, bao gồm cả hồi tháng 5/2019 khi ông Trump nhất trí rằng các hồ sơ về cuộc điều tra nhằm vào cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 có thể được giải mật – đây là một phần trong nỗ lực bảo vệ ông trước các cáo buộc cấu kết với Nga.

Vài tuần sau đó, Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ Dan Coats công bố ông sẽ từ chức với tư cách là người đứng đầu 17 cơ quan thuộc cộng đồng tình báo Mỹ.

Coi giao ban tình báo không là gì, tin truyền thông hơn tình báo

Bà Gordon, người có 1/4 thế kỷ ở CIA, nói vào tháng 12 này rằng ông Trump là vị tổng thống Mỹ đầu tiên “trong trải nghiệm của tôi là không có nền tảng để hiểu giới hạn của ngành tình báo là gì, mục đích của ngành này là gì và cách thức chúng ta thảo luận về tình báo”.

Bà Gordon cho biết, phản ứng tiêu biểu của ông Trump trong các cuộc thông báo là “Tôi không nghĩ rằng điều đó là đúng”.

Bà Gordon từng là cựu phân tích viên của CIA và giờ làm việc tại một viện nghiên cứu uy tín ở Washington.

Theo bà Gordon, từng phục vụ dưới thời Tổng thống Mỹ George W. Bush và Barack Obama, thì hai vị này đều rất coi trọng các buổi báo cáo tình báo.

“Nhưng giờ tôi thực sự có ấn tượng là bất cứ điều gì được trình lên ông Trump, ông ấy đều chẳng thèm quan tâm, và thực sự ông ấy lại đi lấy tin tức cập nhật từ chương trình truyền hình Fox and Friends” – một trong các chương trình yêu thích của ông ấy.

Trường hợp nữa là Mike Pompeo, đương kim Ngoại trưởng Mỹ và là Giám đốc CIA đầu tiên của ông Trump. Ông Pompeo trở thành nhân vật trung tâm trong chính quyền và đều đặn ghé thăm Nhà Trắng để dự các cuộc họp giao ban.

Thế nhưng Tổng thống Trump lại coi Cục Điều tra Liên bang (FBI) – cơ quan đã mở điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ, là một trong các đối thủ của mình.

Tuần trước, Tổng thống Trump đã gợi ý rằng Giám đốc FBI do ông bổ nhiệm, Christopher Wray, “sẽ không bao giờ có thể khắc phục” được “cơ quan đã hư hỏng nặng này”.

Vào cuối năm 2018, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã từ chức do kế hoạch của ông Trump muốn rút quân khỏi Syria.

Trong khi ông Trump gọi ông Mattis – một cựu tướng thủy quân lục chiến dày dạn kinh nghiệm trận mạc của Mỹ, là “vị tướng được đánh giá quá mức nhất thế giới”, thì cả bên quân đội Mỹ lẫn tình báo Mỹ đều cảm thấy bị xúc phạm.

Brian Perkins, một cựu phân tích viên tín hiệu của hải quân Mỹ, cho biết “họ cảm thấy đặc biệt khó chịu”.

Theo Perkins, nhiều thành viên của cộng đồng tình báo đã bỏ đi.

Perkins nói: “Tình báo là phải khách quan, nhưng nếu như mọi thứ không được thực sự sử dụng và lắng nghe với đầu óc cởi mở thì còn gì để mà nói nữa?”.

Gây khó khăn cho hoạt động nghiệp vụ của tình báo Mỹ và ngành đối ngoại Mỹ

Hồi tháng 1/2019, Tổng thống Mỹ gọi các cơ quan tình báo của mình là ngây thơ về cái mà ông gọi là “mối đe dọa do Iran tạo ra”.

Tổng thống Trump đăng tải lên mạng xã hội Twitter: “Có lẽ tình báo nên quay lại trường học!”. Nhưng sau đó ông Trump có thừa nhận là mình nhất trí với họ trên các vấn đề cơ bản.

Gần đây (vào tháng 10), ông Trump đột ngột rút quân Mỹ khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, để cho các đồng minh người Kurd của Washington đối mặt với các cuộc tấn công từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Người Kurd đóng vai trò thiết yếu trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan IS và săn lùng thủ lĩnh tối cao của chúng là Abu Bakr al-Baghdadi.

Trong cuộc chiến chống khủng bố, việc chia sẻ thông tin giữa các nước có tầm quan trọng sống còn. Nhưng các quyết định có tính chất bốc đồng của ông Trump đã khiến mọi thứ khó khăn hơn.

Daniel Byman, một chuyên gia chống khủng bố tại Đại học Georgetown ở Washington nói: “Do đó, về mặt chính trị, người ta khó hợp tác với Mỹ”.

Byman nhận định thêm rằng ông Trump đang tạo ra ấn tượng không hay là phương Tây đang chiến đấu chống lại đạo Hồi.

Khi nước Mỹ bị phân cực sâu sắc chuẩn bị bước vào năm bầu cử, các mối quan ngại lại gia tăng. Tuy nhiên cộng đồng tình báo Mỹ vẫn cố gắng bảo vệ tính chuyên môn của họ và ý thức trách nhiệm với quốc gia của họ.

Seth Jones, chuyên gia chống khủng bố tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (Mỹ) cho biết: “Tình báo vẫn có thể gây ảnh hưởng lên các nhà làm chính sách cấp cao. Tổng thống Mỹ chưa bao giờ là người duy nhất tiêu thụ thông tin tình báo”.

Ông này cho biết thêm, Mỹ vẫn tham gia vào nhiều hoạt động không cần thẩm quyền của Tổng thống Mỹ.”/.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Lịch thi đấu vòng chung kết U23 châu Á 2020

Vòng chung kết U23 châu Á 2020 sẽ diễn ra từ ngày 8 đến 26/1/2020 trên 4 sân vận động tại Thái Lan. Đoàn quân HLV Park Hang Seo nằm ở bảng D với UAE, Jordan, Triều Tiên và quyết tâm giành 3 vị trí đầu để giành vé đến Olympic Tokyo 2020.

Theo VOV/ Pháp luật Plus https://www.phapluatplus.vn/quoc-te/vi-sao-tong-thong-trump-khong-tin-tuong-luc-luong-tinh-bao-my-d113302.html