Vĩnh Phúc: Xưởng nhựa bị tố hoạt động không phép, gây ô nhiễm?

19/09/2018 09:32

Kinhte&Xahoi Người dân cho biết, dù chưa chuyển mục đích sử dụng đất cũng như chưa có giấy phép nhưng xưởng sản xuất nhựa này vẫn ngang nhiên hoạt động và gây ô nhiễm môi trường.

Vừa qua, PV đã nhận được phản ánh của người nhân dân tại tổ dân phố Bảo An, phường Đồng Xuân, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc về xưởng sản xuất nhựa hoạt động gây ô nhiễm môi trường.

Theo tìm hiểu của PV, xưởng sản xuất nhựa này của ông Nguyễn Trường Thanh trú tại Đông Anh, TP. Hà Nội nằm trên diện tích 11.886 m2 được thuê lại của ông Nguyễn Văn B. phường Đông Xuân, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Qua quan sát của PV, phần nhà xưởng nằm trên diện tích khoảng gần 2.000m2, được xây dựng tường bao kiên cố, mái lợp tôn với hệ thống thoát khí. Theo phản ánh của người dân, cơ sở này đã xây dựng và đi vào hoạt động hơn 1 năm nay.


Thông tin tới PV, người dân địa phương búc xúc trước việc xưởng sản xuất nhựa này gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Anh NV.Đ. trú tại gần đó cho bức xúc cho rằng, khoảng vài tháng trở lại đây cứ vào các buổi chiều là từ phía xưởng phát ra một thứ mùi ngai ngái, nồng nặc như mùi nhựa cháy lan tỏa ra xung quanh nên khiến bà con nhân dân hết sức khó chịu. Khi phản ánh tới tổ dân phố và chủ cơ sở thì được biết, xưởng này đang sản xuất nắp ống cống thoát nước cho các công trình theo đơn đặt hàng. Ngoài ra, người dân địa phương cho rằng, cơ sở này hoạt động hơn một năm nay mà chưa có giấy phép hoạt động, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhưng các cơ quan chức năng thờ ơ không xử lý khiến dư luận bức xúc.

Để rộng đường dư luận, PV đã đi làm việc với cơ quan chức năng để xác minh thông tin một cách đa chiều. Qua trao đổi với PV, ông Nguyễn Trường Thanh – đại diện cơ sở cho biết: “Xưởng chủ yếu sản xuất nhựa thành phẩm theo đơn đặt hàng, ai đặt gì làm nấy, hiện tại đã dừng sản xuất, mùi ô nhiễm cũng không còn nhưng do phần hàng đã sản xuất rồi phải trả cho khách hàng nên chỉ cho xe vào bốc xếp nốt để tránh bị phạt hợp đồng”.

Trước câu hỏi của PV về thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất và giấy phép hoạt động của xưởng sản xuất này, ông Thanh cho rằng đang làm hồ sơ để xin chuyển đổi mục đích phần đất đang sử dụng và chưa có kết quả, thời gian tới đang có ý định chuyển xưởng vào khu công nghiệp tập trung, còn ngoài này sẽ chuyển sang sản xuất khác không gây ô nhiễm.

Như vậy, xưởng sản xuất này vẫn chưa được cơ quan chức năng cấp phép mà đã tiến hành hoạt động. Phải chăng, chính quyền địa phương không hề hay biết? Rõ ràng, việc phản ánh của người dân địa phương về hoạt động của xưởng sản xuất này gây ô nhiễm môi trường là có cơ sở.

Cũng liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Xuân Lương - Chủ tịch UBND phường Đồng Xuân, thành phố Phúc Yên cho biết: “Cơ sở này hoạt động 2 năm nay, hiện tại trên Văn phòng UBND mới chỉ lưu giữ được hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất diện tích 11.886 m2, trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi mục đích sử dụng là trồng rừng phòng hộ và đăng kí kinh doanh của cơ sở này, ngoài ra chưa có một loại giấy tờ nào khác liên quan đến cấp phép hoạt động cho cơ sở này”.

Trước phản ánh của người dân, UBND phường Đồng Xuân đã kiểm tra và ra văn bản số 155/QĐ-XPHC quyết định xử phạt hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với cơ sở này, số tiền phạt là 3.000.000 đồng (ba triệu đồng). Ngoài ra yêu cầu hình thức xử lý khác “tạm ngừng hoạt động trong khoảng thời gian khắc phục tồn tại theo quy định”.

Quyết định xử phạt số 155/QĐ-XPHC của Ủy ban nhân dân phường Đồng Xuân về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.


Ông Lương còn cung cấp cho PV danh sách các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đề nghị kiểm tra công tác bảo vệ môi trường năm 2018 gửi lên Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Phúc Yên để có biện pháp xử lý trong đó có cơ sở của ông Nguyễn Trường Thanh nêu trên.

Trước sự việc này, dư luận đặt ra câu hỏi trách nhiệm của chính quyền địa phương ở đâu khi để xưởng sản xuất này hoạt động trái phép gây ô nhiễm môi trường. Vì sao xưởng sản xuất nhựa này hoạt động một thời gian dài mà chỉ xử phạt có 3 triệu đồng? PV sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

 

Theo KD&PL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

U23 Việt Nam, trái ngọt từ phương pháp "Trồng người"

Kết thúc ASIAD 2018 đoàn thể thao Việt Nam trở về nước trong sự chờ đợi, chào đón cuồng nhiệt của người hâm mộ. Mọi sự tập trung đều hướng về đội tuyển Olympic bóng đá nam Việt Nam với thành tích lọt vào bán kết môn bóng đá nam, một cột mốc lịch sử mà chưa có thế hệ nào của bóng đá nam Việt Nam làm được.